Doanh Nhân 21/02/2015 18:41

Khoảng trời tự do nào cho doanh nhân?

Năm qua, câu chuyện về quyền tự do kinh doanh hẳn là một mối bận tâm không nhỏ của các doanh nhân. Người ta được tự do làm những gì pháp luật không cấm. Hiến pháp nói như vậy. Nhưng đâu là chỗ bị cấm, đâu là chỗ được phép làm và đâu là chỗ chưa rõ có cấm hay không?

Chênh vênh trong vùng xám

Tư tưởng về quyền công dân trong Hiến pháp đã được thể hiện một cách rõ ràng và khó có thể hiểu nhầm, nhất là về quyền tự do kinh doanh: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Kinh doanh trong môi trường pháp luật đã rạch ròi, hầu hết chúng ta hiểu rằng “không cấm, tức được làm” là tư tưởng chủ đạo. Và chắc chắn nếu cố tình làm những gì bị cấm thì khi bị phát hiện, giá phải trả sẽ rất đắt và không có lý do nào có thể biện minh cho những hành vi như buôn lậu, buôn hàng cấm…

Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật mà như Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường từng thừa nhận là phức tạp nhất thế giới thì lắm khi vùng còn lại sau khi ngoại trừ những gì đã bị cấm cũng không thuần nhất một màu.

Đầu tiên là vùng ranh giới cho những gì được kinh doanh nhưng phải thỏa mãn các điều kiện nhất định, đó có thể là điều kiện về vốn, nhân sự, kỹ thuật, cơ sở vật chất… Thứ nữa là vùng ranh giới của những gì mới phát sinh, những ý tưởng kinh doanh mới mà pháp luật chưa kịp điều chỉnh. Và thậm chí, cả những vùng đất màu mỡ cho những hoạt động hay được gọi là lách luật.

Trong môi trường pháp luật còn nhiều phức tạp, nhiều khoảng trống, thì hiểu thế nào là tuân thủ pháp luật rất khó. Mặt xấu của nó là tình trạng lợi dụng kẽ hở để đi xuyên qua pháp luật, tình trạng lách luật không chỉ tư lợi cho cá nhân mà nhiều khi còn ảnh hưởng đến quyền lợi người khác hoặc cộng đồng.

Nhưng nhìn ở góc độ nào đó, những nơi mà pháp luật chưa kịp điều chỉnh lại chính là mảnh đất để các nghiệp vụ, ngành nghề, sản phẩm… có sự phát triển đột phá, nơi mà người ta sáng tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới, ý tưởng kinh doanh mới. Qua đó, hệ thống pháp luật, hệ thống chính sách phải tự hoàn thiện để kịp thời điều chỉnh các quan hệ mới phát sinh. Điều này thúc đẩy sự phát triển đến cấp độ ngày càng cao hơn của nền kinh tế.

Trong suốt một năm qua, người viết được cử theo dõi nhiều vụ án kinh tế, chứng kiến nhiều người từng là doanh nhân thành đạt, đình đám, nhưng một ngày đã ngã ngựa bởi chính những hoạt động kinh doanh từng được giới làm ăn trầm trồ là “nhạy bén”.

Khi thị trường thuận lợi, nền kinh tế trong giai đoạn tăng trưởng mạnh, chính sự “nhạy bén” này giúp họ gặt hái nhiều thành công trên thương trường mà biểu hiện cụ thể của thành công đó là con số về tài sản, doanh thu, lợi nhuận… Nhưng khi nền kinh tế khó khăn, kết quả kinh doanh không thuận lợi, thua lỗ, nợ nần, phát sinh thiệt hại thì vấn đề trách nhiệm được đặt ra. Và nhiều khi là cả trách nhiệm hình sự!

Có lẽ khó mà vạch ra được ranh giới an toàn để người ta có thể yên tâm đi trong vùng xám, những nơi pháp luật chưa kịp điều chỉnh, những nơi mà chưa rõ cấm hay không, hay phải có điều kiện mới được kinh doanh. Nhưng theo các chuyên gia luật pháp, để có thể yên tâm đi trên con đường mà không phải lúc nào cũng tỏ tường thì mỗi doanh nhân cần đặt ra những nguyên tắc “đi lại” cơ bản.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho rằng, điều đầu tiên trong kinh doanh, bất kể là làm gì cũng phải đặt ra cho mình nguyên tắc không xâm phạm, chà đạp quyền lợi của người khác cũng như lợi ích cộng đồng.

Thứ hai, khi đã hoạt động trong những lĩnh vực mới phát sinh, luật pháp chưa kịp điều chỉnh thì phải luôn tự nhắc mình rằng, rủi ro, hậu quả pháp lý là thường trực. Nhiều doanh nhân, càng được đào tạo bài bản, trưởng thành trong môi trường kinh doanh nước ngoài thì càng quá tự tin khi ứng dụng lách luật tại môi trường Việt Nam và phải trả cái giá đắt đỏ.

Thứ ba, với những vùng pháp luật chưa hoàn thiện, chưa có hướng dẫn, thiếu quy định rạch ròi, thì cần nghĩ đến cơ sở, khả năng giải trình để phòng bị trong trường hợp bị truy vấn. Nếu thấy khả năng giải trình còn chưa thật sự thuyết phục, thì phải hiểu là mình đang đối mặt với một việc có thể gây ra những rủi ro lớn.

Dù vậy, chẳng nên tự coi mình là tài giỏi trong lách luật, mà cần xác định đó là sự hên xui. Chúng ta khó biết một hành vi lợi dụng sơ hở pháp luật để mang lại lợi ích cho mình hôm nay, liệu có trở thành sai phạm nghiêm trọng trong một đại án tương lai hay không. Không thể có câu trả lời đích xác được, khả năng này có thể có, có thể không. Nhưng nếu có thì hậu quả vô cùng nặng nề. 

Đã có đường biên cho tự do kinh doanh

Trên Nghị trường Quốc hội năm qua, câu chuyện tự do kinh doanh cũng là vấn đề được quan tâm, bàn thảo, phản biện nhiều nhất. Năm 2014, Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi và vào ngày 26/11, Quốc hội đã thông qua sắc luật quan trọng này. Cùng ngày đó, Luật Đầu tư 2014 cũng được thông qua.

Với hai luật này, một ranh giới rõ ràng cho những gì bị cấm, bị hạn chế đã được vạch ra, những gì còn lại, mọi công dân đều được phép kinh doanh.

Nhìn lại quá trình xây dựng hai luật này, ngay trong lần trình Quốc hội đầu tiên vào kỳ họp thứ 7 hồi tháng 5/2014, bản dự thảo Luật Doanh nghiệp đã ghi nhận quyền của DN được (1)Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm và (2) Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.

Trước đây, chưa có một văn bản pháp luật nào ghi nhận rõ ràng nguyên tắc được làm những gì pháp luật không cấm. Cùng với đó, dự thảo cũng bãi bỏ quy định ghi ngành nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Bản dự thảo Luật Đầu tư cũng ghi nhận nhà đầu tư được đầu tư trong tất cả các ngành, nghề mà pháp luật không cấm; được tự chủ quyết định hoạt động đầu tư theo quy định của Luật này và pháp luật liên quan. Đồng thời, bãi bỏ việc cấp phép đầu tư, nhà đầu tư, về cơ bản, chỉ cần thực hiện thủ tục thông báo đầu tư.

Khi quan điểm được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm đã được ghi nhận thì câu chuyện tiếp theo là làm rõ những gì bị cấm, những gì tuy không cấm nhưng vì nhiều lý do phải đáp ứng đủ các điều kiện mà cơ quan quản lý đặt ra mới được kinh doanh? 

Đây là những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội liên tục đặt ra và đề nghị, đề xuất các ý tưởng, giải pháp mỗi khi Dự luật được đưa ra bàn thảo tại kỳ họp Quốc hội hoặc là các kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên ngoài Nghị trường, giới kinh doanh cũng mong ngóng kết quả cuối cùng được luật hóa, bởi những đường biên này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến thực tiễn kinh doanh.

Kết quả rà soát cho thấy, có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản pháp luật. Đồng thời, rất nhiều ngành nghề bị hạn chế bởi các văn bản dưới luật.

Không chỉ thế, câu chuyện quan trọng hơn là phải làm rõ ai, cơ quan quyền lực nào được ban hành những văn bản cấm và hạn chế đó?

Dự thảo Luật Doanh nghiệp trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 7 đã khẳng định, các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND các cấp không được ban hành quy định ngành, nghề bị cấm và hạn chế kinh doanh cũng như các điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của đại biểu còn đề nghị bác bỏ việc giao thẩm quyền cho Chính phủ ban hành, quy định, bổ sung, bãi bỏ, danh mục ngành nghề cấm và hạn chế kinh doanh cũng như các điều kiện với những ngành nghề đòi hỏi kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, đề nghị phải ghi nhận các ngành nghề bị cấm, bị hạn chế ngay trong luật, để ban hành cùng với luật.

Cuối cùng, vào kỳ họp thứ 8 cuối năm qua, hai dự luật này được trình với sự cân nhắc, tính toán, thiết kế kỹ lưỡng các điều luật mà theo đó, cả hai sẽ có chung một danh mục các ngành nghề bị cấm và hạn chế kinh doanh. Danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và bị cấm sẽ được ban hành kèm với Luật Đầu tư, gồm có 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và 272 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện.

Vậy là một năm nhiều sóng gió với giới kinh doanh cũng khép lại khá có hậu với hai sắc luật quan trọng mang những tư duy cách mạng, đột phá được thông qua vào cuối năm. Trước thềm Xuân mới, cùng với Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư, hãy cùng kỳ vọng một năm làm ăn, kinh doanh mới với một nguyên tắc tự do được thừa nhận triệt để, một giới hạn bị cấm, bị hạn chế kinh doanh rõ ràng, rành mạch như một đường ray bền chắc để tạo đà cho nền kinh tế đi vào công cuộc đổi mới lần hai.

 
Theo Bùi Trang
ĐTCK
Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *