Chân Dung 08/12/2014 07:25

Ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk: Bởi vì tôi là một ông chủ!

Gặp Khaisilk ở lâu đài trắng Tajmasago trong một buổi chiều muộn. Anh đang uống trà,nghe nhạc cổ điển, lướt web và “khoe” rằng facebook của mình có mấy nghìn bạn và người theo dõi (follower).

Cuộc trò chuyện bắt đầu bằng chia sẻ vui của anh. Rằng có bạn trên facebook thắc mắc tại sao một doanh nhân luôn bận bịu như anh lại có thể “suốt ngày trên facebook” được, và anh đã trả lời rằng: Because I’m a boss (Bởi vì tôi là một ông chủ).

Vẻ cởi mở, sâu sắc và sự thông minh, hài hước, anh khiến cuộc trò chuyện trở nên thú vị với những chia sẻ rất đời thường và những công việc kinh doanh của mình.

Những suy nghĩ của anh luôn bất ngờ và khác biệt, cũng như cách anh kinh doanh. 
 
Khaisilk
 Một bức ảnh rất đời thường của doanh nhân Hoàng Khải

* Khác biệt từ trên… facebook

Anh chia sẻ rằng, anh thích lên facebook và online thường trực trên đó. Màn hình của anh luôn đầy ắp những “cửa sổ” của mail, công việc và facebook. Chính vì vậy mà mọi người luôn thấy thấy face của anh “xanh rờn”.

- Dường như các facebooker rất “ấn tượng” về câu chào “Good morning” mỗi buổi sáng của anh?
 
Đó là câu chào nổi tiếng của tôi trên facebook. Mỗi sáng, người Việt Nam chúng ta không có thói quen chào nhau. Câu chào của anh không phải là lời chào, mà qua đó, tôi muốn tập thói quen cho mọi người bằng lời chào buổi sáng. Mà câu chào của tôi, tôi phải làm ra rất nhiều chủ đề, nhiều câu chuyện nhỏ, làm sao để các bạn luôn thấy vui, cười và qua đó tôi muốn giáo dục. Có khi, 3, 4 ngày tôi không lên facebook, và đúng vào giờ đó, tôi “hiện hình” và hỏi “Ủa, bây giờ là mấy giờ, và các bạn biết nghĩa vụ của tôi là gì không?”. Thì mọi người ùa vào và chào “Good morning anh Khải”, “Chúc anh Khải một ngày tốt đẹp”. Và tôi nghĩ lời chúc đó cần thiết để giáo dục cho mọi người.
 

- Trong “thế giới ảo” này, anh hay chia sẻ những gì?

Rất nhiều thứ, từ lĩnh vực văn hóa, cái đẹp, ẩm thực, nghi thức và cả bản thân. Trên facebook, tôi thường chia sẻ những câu chuyện thú vị với nhiều chủ đề khác nhau và nhận được rất nhiều like, có status  400 – 500 like. Những câu chuyên của tôi không phô trương và lẩn khuất trong đó là ước muốn giáo dục. Tôi chỉ muốn những chia sẻ cho cộng đồng, vui vẻ và không để người ta phải suy nghĩ. Và qua những câu chuyện đó là hàm ý giáo dục và lan tỏa cách sống của mình.

- Một ngày anh dành bao nhiêu thời gian cho facebook?
 
Facebook của tôi luôn xanh rờn “24/24”. Điều này cũng khiến nhiều người ngạc nhiên, hỏi saoanh Khải rảnh thế? Làm doanh nhân, kinh doanh quá trời việc mà sao suốt ngày có mặt trên facebook. Tôi đùa vui “Because I’m a boss. I’m not CEO” (Bởi vì tôi là một ông chủ, tôi không phải là CEO). Là ông chủ thì tôi muốn làm gì thì làm, còn CEO thì tôi thuê để làm cho tôi. Tôi là ông chủ nên tôi online cả ngày (cười to).
 
Khaisilk
 Khaisilk luôn tạo sự khác biệt, từ phong cách ăn mặc...

* Kinh doanh có câu chuyện và bán vé... 3 khoang

- Trở lại câu chuyện kinh doanh của anh. Chuỗi nhà hàng ẩm thực F&B của anh thời gian qua như thế nào?

Có thể nói là thành công. Mặc dù trải qua 7 năm khó khăn, nhưng đến bay giờ cũng đã vượt qua được rồi. TTTM, bất động sản cũng vượt qua khó khăn, năm nay là nở hoa, nên em thấy tòa lâu đài Tajmasago của tôi  và trên những ly trà lại nhiều hoa như vậy . Tôi tự hào là doanh nghiệp vượt qua cơn sóng gió.

- Thị trường hiện nay vẫn đang khó khăn, trong khi chuỗi nhà của anh: Cham charm, Ming Dynasty, Nam Phan hay Au Manoir De Khai,... đều định vị ở phân khúc cao cấp và rất kén khách, vậy anh làm cách nào để “vượt qua sóng gió”?

Tôi bán vé “3 khoang” theo kiểu như trên máy bay vậy. Ví dụ như hàng không,  cũng có nhiều hãng, đắt, rẻ để em chọn, như Vietnam Airlies hay  Jestar… . Ngay cả trong 1 chuyến bay cũng có nhiều giá vé, dành cho khoang VIP, khoang hạng nhất và thường. Và tôi áp dụng kiểu kinh doanh này vào chuỗi nhà hàng ẩm thực của mình  và được nhiều người ủng hộ.

Kênh chính tôi chọn bán sản phẩm này là trên Deal. Việc Khaisilk lên Deal ai cũng biết. Thứ 2, 3, 4, giá khác; 5, 6, 7 và Chủ nhật là giá khác. Chúng tôi tạo từng phân khúc để ai cũng có cơ hội, ngay cả người đang tiết kiệm tiền mà muốn vào một nhà hàng sang thì cũng có thể vào được. Và chúng tôi cam kết chất lượng để đảm bảo cho thương hiệu.

- Khi Khaisilk lên Deal, nhiều người sẽ nghĩ là Khaisilk đang bị... “hạ giá”?

Khi bạn mua trên Deal có nghĩa là chúng ta đang “deal” với nhau. Đó là một “thỏa hiệp” giữa hai bên: thuận mua, vừa bán. Tôi kinh doanh thẳng thẳn. Chúng tôi đã làm 3 năm trời và có được lượng khách ổn định. Đây cũng là cách để chúng tôi vượt qua khó khăn và tạo doanh thu ổn định. Nói chung là được cái này, mất cái kia. Nhiều người nghĩ  rằng Khaisilk trong lúc khó khăn đã phải hạ giá, điều đó cũng tốt. Khi nào kinh tế tốt lên, chúng tôi cũng sẽ trở lại. Còn bây giờ deal để thỏa mãn cho người có tiền và người muốn để dành tiền.

Qua thời kỳ khó khăn chúng tôi sẽ trở lại. Trong thời kỳ khó khăn, chúng tôi phải chia ra nhiều phân khúc, tìm đầu ra, thay đổi để qua được. Trong mỗi hoàn cảnh có cách suy tính, định vị sản phẩm riêng. Làm được điều đó thì sản phẩm cũng phải phù hợp với thị trường tại bối cảnh đó. Đó chính là giải pháp để vượt qua khó khăn. 

- Và những dịch vụ của anh đều có phản hồi tốt?

Trăm người bán vạn người mua, xấu dễ nhìn, tốt dễ quên. Chúng ta không nên bàn về điều này.

- Những sản phẩm của anh định vị ở phân khúc cao, liệu khi bán trên deal như vậy có ảnh hưởng đến thương hiệu Khaisilk?

Câu trả lời của tôi là Hermès (thương hiệu thời trang Pháp) đã làm rất nhiều sản phẩm cho phòng tắm trong khách sạn 5 sao, hay Cartier, Gucci cũng vậy. Nếu bạn vào khách sạn  Oriental hay Shangri la sẽ thấy những sản phẩm này. Nếu có cơ hội kinh doanh và có cơ hội cống hiến là họ làm chứ không phải nghĩ đến cái túi, hay những sản phẩm đắt tiền, mấy chục ngàn đô. Và đó là kinh doanh chân chính, đầu tư thương hiệu thì nên làm vậy. Những dòng sản phẩm này thực tế rất thành công và làm ra tiền nhiều. Như Khaisilk, chúng tôi vẫn có những đầu tư rất lớn nhưng cũng có đầu tư nhỏ. 
 
Như những hộp bánh macaron rất lịch sự và đẹp, mang thương hiệu Tajmasago, chỉ 69.000đ. Tuy nó không nhiều tiền và nhắm vào phân khúc khách hàng nhỏ tuổi nhưng đó thực sự là món quà ý nghĩa. Nó để trong một chiếc hộp đẹp, thắt nơ rất lịch sự. 
 
Thị trường cao cấp không phải là bán rẻ đi thì mình mất chỗ đứng. Thực tế những cái nhỏ nhất chính là kinh doanh lời nhất. Còn những cái lớn, chúng tôi để làm thương hiệu.
 

- Bánh mang thương hiệu Tajmasago mà chỉ 69.000đ, nhưng câu chuyện kinh doanh kiểu… Khaisilk đằng sau đó sẽ là gì, thưa anh?

Bản thân sản phẩm, anh không nên chạy đua theo thị trường mà phải định vị, chất lượng sản phẩm và đầu ra như thế nào. Và tập trung vào cái gì. Phải có kế hoạch và lên chiến lược ngày từ đầu nếu không nó cũng sẽ rơi vào không trung, tan ngay ra giữa ra biển lớn. Nhất là khi sản phẩm không định vị được, sẽ không biết sẽ trôi dạt đi đâu.  

Hai nữa là quảng cáo cũng phải linh hoạt, nhiều chiêu lạ chứ không phải rợp khuôn. Đồng thời, target  nhắm vào khách hàng nào. Chuyện đắt rẻ không quan trọng bởi đâu cũng có thị trường, mà thị trường thì vô cùng rộng lớn. Ngay như Pepsi, Coca chỉ vài ngàn đồng một chai nhưng nó định vị toàn cầu. Ai có thể tưởng tượng ra được ở Việt Nam, nó cũng phát triển như vậy.

Tôi không ngại ngần làm những điều nhỏ nhất. Nếu như cách đây 5, 7 năm tôi chưa đủ từng trải và tự tin, nhưng sau những khó khăn, nó thấm vào từng thớ thịt và như cú hích buộc tôi phải tồn tại. Nhìn xung quanh, rất nhiều doanh nghiệp cũng lao đao trong bối cảnh khó khăn ấy. Và mình phải tồn tại, phải suy nghĩ, tìm ra con đường mới để vượt qua nó. Chính từ cách làm bán trên Deal theo kiểu “3 khoang” đã giúp tôi vượt qua cơn khó khăn này.

Ngoài chuyện kinh doanh, mình phải nghĩ đến câu chuyện nhiều hơn là lợi nhuận. Kinh doanh, phải có sự yêu mến, đam mê và sở thích thì mới làm được.  
 
Khaisilk
Cùng siêu mẫu Hà Anh trong một sự kiện tại lâu đài trắng Tajmasago 

* Dành nửa cuộc đời còn lại cho… nhà hát

- Nhắc đến Khaisilk, người ta nghĩ ngay đến những thứ gọi là xa xỉ, xa hoa. Từ lụa, đến những trung tâm thương mại, chuỗi nhà hàng hay khách sạn đều rất sang trọng. Cái tên Khaisilk được nhắc trên rất nhiều lĩnh vực. Vậy thì lĩnh vực chính của anh là gì?

Tôi làm rất nhiều. Mà tôi làm nhiều như thế chẳng phải vì tiền. Chẳng hạn như em đến nhà tôi, bao giờ trong chén nước trà cũng có một bông lài đẹp. Tôi “cống hiến” tất cả những điều đó để em cảm nhận. Không phải vì tiền, vật chất mà cám dỗ tôi làm được điều đó, mà chỉ có sự sáng tạo và mang tính hướng nghiệp. Tôi muốn mang cái đẹp đến cho mọi người. Từ ẩm thực Fine Dining, tiệc trà, bánh macaron,… tôi cũng đều phải học, hiểu biết, trải nghiệm để làm cuộc sống thăng hoa. Và phong cách sống này tôi muốn lan tỏa đến cho mọi người. Và những điều này cũng thôi thúc tôi chứ không phải mở nhà hàng này, nhà hàng kia để kiếm tiền.

- Tất cả những thứ do Khaisilk làm ra không chỉ đơn thuần là khác biệt, mà còn thuộc về cái đẹp, cái duy mĩ và có phần xa xỉ, điều này từ đâu anh có?

Hồi nhỏ tôi học nhạc, rồi ra đời kinh doanh sớm. Rồi cộng với khả năng thiên phú và sự học hỏi đã giúp tôi được như vậy. Nói vậy hóa ra nói hay nhưng thực tế là vậy. Cho đến giờ tôi vẫn rất sẵn lòng  làm những điều thiện nguyện để làm đẹp cho cuộc sống.   

- Cách đây không lâu, anh từng chia sẻ rằng anh đang ấp ủ một ước mơ xây nhà hát để đào tạo cho những tài năng nghệ thuật? Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về thông tin này?

Những chuyến đi đã gợi cho tôi rất nhiều ý tưởng. Khi tôi đi nước ngoài, thấy một cái nhà hàng đẹp, tôi mơ ước về mở một cái nhà hàng. Rồi đi qua xứ khách, tôi lại ước mơ và đến giờ là cũng cả chục cái, và giờ thì không còn “đất” nữa.

Tòa nhà Paragon có kiến trúc đẹp hay Tajmasago lộng lẫy đây cũng hình thành từ những chuyến đi ấy. Khi tôi qua châu Âu, có những nhà hát lộng lẫy khiến tôi ấp ủ một giấc mơ xây nhà hát đó. Việt Nam chỉ có mỗi Nhà hát Thành phố hay Hòa Bình,…. Chính vì vậy, tôi luôn ấp ủ xây một nhà hát quy mô để phục vụ cho cộng đồng. Nếu bài báo này mà đến tai một nhà lãnh đạo nào, họ hiểu được và sẵn lòng giúp thì tôi sẵn sàng bỏ cả quãng đời còn lại dành để xây dựng và phát triển nhà hát. Mà xây đã là chuyện khó, còn quản lý còn khó hơn,… tôi muốn nó trở thành điểm nhấn của Sài Gòn này.

- Theo dự tính thì vốn để anh đầu tư cho nhà hát ấy là bao nhiêu?

60 triệu đô. Nhà hát phải nhiều sân khấu, trong nhà hát phải có nhiều khán phòng, với sức chứa ít nhất mỗi khán phòng cũng phải 500 người, rồi tầng hầm, nhà bếp, ball room, hầm để xe, đường thoát hiểm, đường cho nguyên thủ, thậm chí là cả sân đậu trực thăng,…  cũng phải tính. Tôi chỉ muốn làm sao để sau này mời được những tài năng thực sự để biểu diễn, để ai được biểu diễn ở nhà hát của tôi thì đều cảm thấy đó là vinh dự, và như thế có nghĩa là tôi đã thành công.

- Nghe có vẻ dự án của anh đã lên khuôn hết rồi, vậy bây giờ vấn đề khó khăn lớn nhất của anh là gì, vốn hay địa điểm?

Là địa điểm, vì quy hoach của thành phố mình cho nhà hát là từ xưa đến giờ không có. Giờ phải đi gõ cửa thì thật là khó.

- Một ngày của một “ông chủ” như anh sẽ trôi qua như thế nào?

(Suy nghĩ lâu…). Tôi muốn có thời gian để trả lời những câu trả lời và chat trên facebook. (cười sảng khoái). Nhưng, nếu như một ngày không có những ý tưởng thì ngày đó đối với tôi là vô nghĩa .

- Một thắc mắc cuối cùng, liệu anh có phải là người cầu toàn?

Tôi không phải là người cầu toàn, mà tôi chỉ nhận mình là người thiết kế cho cuộc sống (leading lifestyle). Ví dụ như Tamasago, cả châu Á cũng không thể có một cái như thế. Chỉ có những ngôi nhà dành cho tỷ phú. Và tôi muốn mang cái đẹp, cái hay để làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn. Cầu toàn chỉ là một mức độ chật hẹp. Nếu như tôi cầu toàn, chắc hẳn cuộc sống của nhân viên, gia đình tôi cũng sẽ cảm thấy bị bó buộc!

- Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện này!

Theo Nguyễn Hằng (Ảnh: FBNV)

Một thế giới

Chuyên mục: Chân Dung

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *