Chân Dung 13/10/2014 06:31

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình và khoảng lặng “doanh nhân luống tuổi”

FICA - Chứng kiến bao thăng trầm của thời cuộc, luôn đứng trước nhiều áp lực từ thương trường thế nhưng phẩm chất Trương Gia Bình vẫn thế, hoạt bát, lanh lợi và đầy triết lý.

Ở vào cái tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” cái tuổi mà người ta đã chứng kiến, trải qua tất cả những gì được gọi là bùn đen hay thảm đỏ của thời cuộc, ông đã đủ kinh nghiệm sống, kiến thức để nói lên bản chất cuộc sống.

 

Trương Gia Bình: Khát vọng công nghệ

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình

 

Luôn hòa đồng vui vẻ, hoạt bát và có yếu tố hài hước trong từng câu nói, lời văn. Ông là “doanh nhân đời đầu”, được mệnh danh “người mở màn cho thế hệ đại gia Việt”. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc chuyển giao thế hệ kế tiếp; quan điểm về những doanh nhân mới - những thiếu gia ngồi trên đống tài sản kếch xù thì ông lại có 1 khoảng lặng lớn! Một khoảng lặng rất Trương Gia Bình! Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, Dantri.com đã có cuộc phỏng vấn từ vị doanh nhân thú vị này.

 

Thưa ông, trong đời sống giới doanh nhân hiện nay có hai hiện tượng. Đó là nhiều thiếu gia được thừa hưởng di sản khổng lồ của bố mẹ, gia đình để lại. Họ phất lên, gây ồn ào bằng nhiều cách khác nhau để thể hiện mình. Mặt khác, có rất nhiều người đi lên từ hai bàn tay trắng, trải qua nhiều khó khăn và vấp ngã, họ cần được xã hội khẳng định và giúp đỡ? Quan điểm của ông về hai hiện tượng này thế nào?

 

Đúng, đây là câu hỏi chạm đúng vào huyệt của đời sống doanh nhân hiện nay. Tôi cảm thấy rất buồn lòng về họ, tôi không biết phải xem giá trị của họ ở đâu, họ học bao nhiêu tiếng 1 ngày? Tôi càng không biết họ dành bao nhiều thời gian để tạo dựng các giá trị cho riêng họ, hay trách nhiệm là gì, tự nhận cho mình trách nhiệm gì, có hoài bão gì với gia nghiệp ấy, với xã hội này… Tôi chỉ biết họ có rất nhiều xe và nhiều thứ khác danh vị khác mà chủ yếu từ tiền mà có được.

 

Cá nhân tôi không đặt nhiều kỳ vọng vào những thiếu gia ngồi trên đống của này có thể tạo dựng khác biệt và thành công như những gì mà cha mẹ họ đã để lại.

 

Có một quan điểm mà tôi tâm đắc đó là câu nói thấm thía của Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT của Tôn Hoa Sen: “Cha nó giàu hơn cha tôi”. Nó có nghĩa là, đối với con tôi, tôi là 1 người giàu và chúng sẽ không phải nỗ lực vượt bậc để làm giàu và thoát nghèo. Còn đối với chúng tôi trước kia, cha mẹ tôi nghèo nên chúng tôi phải cố gắng thoát nghèo và vươn lên. Chừng nào tư tưởng cha truyền con nối còn tồn tại mà không cần biết những thiếu gia ấy có kinh nghiệm và kỹ năng hay không thì chừng đó, gia sản của chính họ sẽ cạn dần và đổ vỡ.

 

Ngay lúc này, phải xem lại giá trị đã tạo dựng cho 1 doanh nhân thành công là ở đâu. Nó không phải ở những siêu xe ngoại nhập đắt tiền, những căn hộ sa hoa Spenhouse giá trăm triệu đô; những chiếc smartphone thời thượng như Iphone, Ipad. Giá trị của bạn phải là “I am” - là chính bạn, là những tư tưởng, tinh thần làm giàu cho mình và cho xã hội. Đừng trở thành thiếu gia giàu xổi với những cám dỗ cuộc sống mà hãy cảm thấy bạn cần có trách nhiệm khi ngồi lên 1 đống tài sản ấy, nó không chỉ của gia đình bạn, mà là tài sản của đất nước này.

 

Nói như ông, vậy phải chăng việc truyền lại di sản cho đội ngũ kế cận cũng đang là những trăn trở của các doanh nhân luống tuổi như ông hiện nay? tại sao vậy?

 

Vâng, đúng là rất nhiều trăn trở! Thế hệ những doanh nhân nổi danh trên thương trường hiện nay, người ít cũng ngoài 50 tuổi, người nhiều thì hơn thế. Chúng tôi đi vào sự nghiệp khi đât nước bước vào đổi mới, không ai có tài sản. Tài sản của chúng tôi chỉ là những bữa ăn chống đói qua ngày và những đêm rét không chăn chiếu.

 

Những người được coi là khởi đầu cho đổi mới đó, dù đã có những điều tạm gọi là thành công, nhưng so với thế giới, chúng ta chưa đến đâu cả. Đến thời điểm chuyển giao rồi dù có giỏi, có tài đến, bạn cũng không thể “chống gậy lãnh đạo” những người trẻ được. Bóng chiều đã xế rồi, phải chuẩn bị cho 1 cuộc chuyển giao vừa an toàn vừa “đúng” và “trúng” để nó sinh sôi, nảy lộc thêm. Tuy nhiên, ngay lúc này câu hỏi được đặt ra là chuyển giao cho ai, chuyển giao cái gì và chuyển giao như thế nào?

 

Đất nước ta là lịch sử chiến trận, những người anh hùng xuất hiện trên chiến trường nhiều hơn trên thương trường. Chính vì thế chúng ta không có cơ hội làm giàu hoặc những di sản giàu sang của những thế hệ đi trước đều bị phá hủy bởi yếu tố lịch sử. Có rất ít những gia tộc mà đời này truyền đời khác cơ nghiệp hưng thịnh giàu sang. Những di sản của cụ Bạch Thái Bưởi không được người đời sau tiếp nối hay những nghề nghiệp thủ công mỹ nghệ mang tính cộng đồng, làng bản khó giữ được nét độc đáo và đặc sắc, trải qua thời gian, biến thiên nó phai nhạt dần.

 

Không được thừa hưởng nhiều di sản hữu hình, thế hệ chúng tôi và về sau này cũng không được thừa hưởng nhiều tài sản vô hình bằng những tấm gương, những kinh nghiệm làm giàu của thế hệ trước, phải học mót, học lỏm thế giới mà đó là một thách thức mang tính thời cuộc.

 

Bên cạnh đó, dân gian ta vẫn có 1 quan niệm mà theo tôi là ấu trĩ, cần được loại bỏ, đó là: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Trên thế giới có rất nhiều gia đình, trải qua bao đời, bao thế hệ, họ vẫn giữ được di sản, tổ nghiệp và đặc biệt họ vẫn giàu. Hiện, doanh nghiệp gia đình trên thế giới đóng góp 80% giá trị. Ở Châu Á, doanh nghiệp gia đình là chủ đạo ở các tập đoàn. Không nói đâu xa Samsung (Hàn Quốc), hãng xe ô tô số 1 thế giới Toyota (Nhật Bản) là hai ví dụ điển hình.

 

Việc truyền lại di sản đúng và trúng người là điều cực kỳ quan trọng và tôi từng có dịp sang Anh, chứng kiến 1 chủ hãng rượu nho nổi tiếng đã hơn 200 năm (khoảng 8 – 9 đời) phát triển chỉ sản xuất và cung cấp 1 loại rượu nho cho hoàng tộc. Họ vẫn giàu, rất giàu từ đời này, sang đời khác. Gặng hỏi bà chủ tịch, tôi được biết 1 điều rất quan trọng, đó là những đứa trẻ trong gia đình được đào tạo 1 cách khắc nghiệt, có lẽ hơn nhiều so với những đứa trẻ bình thường khác. Và liên hệ với nước ta, tôi cho đây cũng là vấn đề rất lớn cần suy nghĩ, nếu không sẽ có sự tự sụp đổ do thế hệ tiếp theo mà không cần cuộc khủng hoảng nào cả. “Xây khó lắm, phá dễ cực”!

 

Như vậy, theo ông chuyển giao thế hệ lãnh đạo nên bắt đầu từ đâu, cần giải pháp gì?

 

Tôi chưa có câu trả lời và chưa có giải pháp, nhưng tôi biết được rằng, có lẽ, chính tình yêu của những người làm cha, làm mẹ muốn tránh cho con những nỗi cực khổ, vất vả như họ trong quá khứ đã ảnh hưởng đến thế hệ tương lai của chúng ta.

 

Ai cũng muốn con mình không phải gặp cảnh như chúng ta ngày trước. Họ thậm chí còn tránh những điều tiêu cực trong xã hội… Đó là tình yêu nhưng đó cũng là sai lầm. Những đứa trẻ sống mãi trong sự bao bọc ấy, không thể nào vững vàng trong cuộc sống. Khi đối diện với sự khắc nghiệt của đời sống ngoài gia đình, nó thực sự choáng ngợp, khủng hoảng hoặc cảm giác đã bị lừa dối.

 

Có một thực tế là, nhiều ông, nhiều bà chỉ ở nông thôn, làm ruộng, nhưng con cái họ có người là tiến sĩ, giáo sư, bác học, doanh nhân giỏi… Họ được xã hội trọng vọng, giáo dục được bao người, đứng trên bao người. Nguyên nhân để họ thay ngôi, đổi vị trong xã hội, vì chính sự nỗ lực của họ, đồng thời cũng vì đói nghèo, khổ cực của cha, của mẹ mà họ phấn đấu. Thế nhưng, thế hệ nối tiếp của những vị tiến sĩ, những doanh nhân hiện thời thì sao, tôi thấy có nhiều gia đình quyền quý có những đứa con “dặt dẹo” -  không xấu về mặt này, lại hỏng về mặt kia.

 

Hiện nay, ông là 1 trong những doanh nhân đã luống tuổi, chuyển giao thế hệ trong FPT sắp tới sẽ diễn ra như thế nào? Liệu có người có khả năng thay thế ông để đưa FPT vươn xa hơn?

 

Nguyên tắc của chúng tôi khi chuyển giao được thì phải có 3 người vào 1 chỗ, và cả ba người đó phải biết nắm được ba hoặc nhiều hơn 3 vị trí, chức năng và quyền hạn được giao cùng lúc. Chúng tôi không phụ thuộc chỉ vào 1 người biết làm 1 việc mà chúng tôi cần nhiều người giỏi nhiều việc ngồi vào 1 chỗ, lúc đó mới có thể chuyển giao. Quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo của chúng tôi là luôn luôn và có lịch sử từ trước. Ở FPT, chúng tôi luôn chuẩn bị cho tất cả các phương án.

 

Hiện nay, những thế hệ của chúng tôi đã đạt được, hoặc tạm gọi là thành công với chúng tôi, nhưng với khu vực, với thế giới, chúng ta còn 1 khoảng cách lớn lắm. Tôi để lại trách nhiệm thu hẹp khoảng cách nặng nề ấy cho những doanh nhân trẻ hiện nay và tương lai sắp tới thuộc về họ.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền (thực hiện)

Chuyên mục: Chân Dung

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *