Chân Dung 13/10/2014 12:25

“Nữ tướng” Phạm Thị Việt Nga: Tôi "vô sản" tại Dược Hậu Giang!

FICA - Có hai lý do khiến tôi vô sản tại Dược Hậu Giang là các con tôi không theo nghiệp mẹ và cái mà tôi nhận được sau khi về hưu là sự tôn trọng của người dân ĐBSCL

Tiếp quản doanh nghiệp đổ vỡ, vực dậy khối tài sản trong cơ chế bao cấp khó khăn chất chồng, không ai nghĩ bà Nga lại đưa Dược Hậu Giang (DHG) nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Là nữ tướng duy nhất trong ngành thuốc Việt Nam được Tạp chí Forbes vinh danh 1 trong 50 nữ doanh nhân Châu Á; những “chiến công” của bà cho ngành dược, cho đất nước và cho cả thế hệ doanh nhân “đời đầu” của Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, cũng như rất nhiều người phụ nữ Nam bộ khác, sự mộc mạc, chân thành và khiêm nhường luôn ẩn chứa bên trong người con của thế hệ “Đất thép - Thành đồng”.

 

Bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch Cty Dược Hậu Giang (ảnh Nguyễn Tuyền)

 

Gặp bà trong cái vội vã cuống cuồng của nhịp sống đô thị dịp đầu thu Hà Nội, nữ  doanh nhân Phạm Thị Việt Nga - Chủ tịch Dược Hậu Giang cho chúng tôi những ngỡ ngàng về sự dung dị đời thường như 1 người bà, người mẹ và người hàng xóm tốt bụng. Bà kể: “mấy ngày ra Hà Nội, không được đi bơi, tôi muốn đi bơi lắm, tôi mong về trong đó (Hậu Giang – PV) để được bơi vì mỗi ngày, tôi phải bơi ít nhất 1 lần. Thói quen vùng sông nước đã ăn sâu vào đời sống của tôi rồi”.

 

Chèo lái từ 1 doanh nghiệp bên bờ vực phá sản đến 1 công ty dược lớn nhất sàn chứng khoán, điều gì đã giúp bà thành công cùng DHG?

 

Dường như tôi đều may mắn không à! Hồi ấy bao cấp, chỉ có tôi dám đi mở các điểm bán ở các tỉnh. Cho nên thành công lớn nhất DHG là ngay lúc đó mở kênh phân phối trải dài từ Hà Nội tới Cà Mau. Năm 1991, tôi bắt đầu xây dựng thị trường miền Bắc, nói xây dựng cho oai thôi chứ còn thời đó toàn năn nỉ xin người ta cho ký gửi. Nhiều người còn hỏi Dược Hậu Giang nhưng mà lúa gạo nhiều hơn có đúng không? Sau này, khi hệ thống đại lý ủy quyền có và vững mạnh rồi, tôi mới thực sự tận dụng được kênh bán lẻ này.

 

Thứ hai là, tôi rất may mắn khi có sự giúp đỡ rất lớn từ gia đình. Những năm đầu về DHG, cán bộ công nhân ở đây tuy nghèo những rất thương nhau. Lúc đầu hơi khó khăn vì tôi vốn là dược sỹ đại học, nhưng được phân công quản lý thì lại thiếu kinh tế, không đọc được báo cáo tài chính... CEO mà đọc báo cáo tài chính không hiểu gì thì không được, thế là tôi đi học quản trị kinh doanh rồi cũng quen.

 

Bà có chia sẻ, sau khi dời Dược Hậu Giang, bà vô sản, bà có thể nói rõ hơn về điều này?

 

Đúng, tôi vô sản vì hai lý do. Hai con của tôi không theo nghiệp của mẹ, 1 đứa thích ngành du lịch còn cậu con trai lại thích ngành nhà hàng khách sạn. Chính vì thế, sau khi dời Dược Hậu Giang, tài sản này là của Nhà nước và xã hội, nên tôi “vô sản” sau khi dời được Hậu Giang. Tôi sẽ lựa chọn những người kế cận để giao lại trách nhiệm này để họ thực sự giữ được linh hồn của DHG: luôn hướng đến lợi ích xã hội và lớp người nghèo.

 

Trước kia tôi chưa nghĩ là mình thích ngành dược, chưa nghĩ mình phát triển được với nó dù Nhà nước cho đi học dược giữa lúc kháng chiến bùng nổ. Tuy nhiên, sau khi nhận lấy khối tài sản này, tôi cảm thấy có trách nhiệm với ngành, với những người công nhân vì bao miệng ăn, bao mái nhà và thế hệ trẻ trông chờ vào Dược Hậu Giang. Điều trăn trở nhất lúc này của tôi là tìm được 1 người thay thế để có thể lui về với quê hương, với miệt vườn, trông con cháu và trường mẫu giáo.

 

Lý do thứ hai là, có lẽ bao năm công tác, hôm nay tôi cũng muốn nói rất thật, gia tài mà tôi sau khi dời Dược Hậu Giang nhận được có lẽ là sự trân trọng và ngưỡng mộ của người nghèo của Đồng bằng Sông Cửu Long.

 

Bao năm qua, tôi luôn đến với những gia cảnh của đồng bào bị lũ lụt, đặc biệt khó khăn. Nếu được biết đến những gia cảnh nào là tôi thường cử nhân viên của tôi xuống đó. Hình ảnh ấy cũng đại diện cho ngành thuốc, giúp đỡ, cứu chữa và hơn ai hết đó là san sẻ trách nhiệm với cộng đồng.

 

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, đại diện cho những thế hệ doanh nhân nổi tiếng của Việt Nam, bà có gửi gắm gì cho thế hệ những doanh nhân sau này để nối tiếp những thành công của mình?

 

Tôi rất nể thế hệ doanh nhân trẻ hiện nay, tôi rất phục họ ở ý chí và khát vọng khẳng định chính mình. Nhiều người có khát vong, có hoài bão và ý tưởng mới lạ. Tuy nhiên, chỉ 1 điều mà chúng tôi luôn muốn những người trẻ hiện nay đó là trách nhiệm và cái tâm của người doanh nhân. Nhiều người trẻ chỉ coi trọng hoàn thành công việc, có được kết quả kinh doanh tốt là được, nhưng điều ấy không vững bền bằng trách nhiệm với cộng đồng, với người lao động.

 

“Phải quan tâm đến từng bữa ăn của người lao động, lo cho họ cuộc sống đầy đủ họ mới có sức tâm tâm để lo cho mình. Tôi thường xuyên đi đám tang ở gia đình cán bộ công nhân viên. Nhiều cán bộ trẻ khuyên tôi là hạn chế đi hoặc dành thời gian để những người cấp dưới đi là được rồi. Tôi gạt đi và cho rằng: nghĩa tử là nghĩa tận, đối với người có tang gia, sự có mặt của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp sẽ là liều thuốc tinh thần tốt nhất, họ sẽ cảm thấy được sẻ chia quan tâm ngay ở những việc thường nhật và từ đó là sợi dây gắn kết cho họ tốt hơn.

 

Thế hệ của chúng tôi chưa hẳn đã thành công, đó chỉ là sự thắng lợi bước đầu vì chúng ta còn quá ít những doanh nhân giỏi có tên tuổi trên thế giới và chúng ta còn ít những sản phẩm đại diện cho thươnng hiệu quốc gia. Nếu được chia sẻ, tôi chỉ muốn chia sẻ 4 chữ thôi: “Bản lĩnh và tình người”.

 

“Bản lĩnh” ở đây là dám đương đầu với khó khăn, thách thức phía trước khi nước ta hội nhập và phải chấp nhận cuộc chơi thiếu công bằng về vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý với nước ngoài. “Tình người” chính là trách nhiệm với đất nước, xã hội, với người lao động và những cái mà họ đã được thừa hưởng. Những thế hệ doanh nhân hiện nay, họ sẽ đương đầu với nhiều thách thức hơn chúng tôi trước kia, nhưng tôi tin cơ hội để họ vượt lên cũng ngày một lớn hơn. Đây là môi trường rất tốt cho họ.

 

Thế hệ kế cận của DHG thì sao, họ đã sẵn sàng thay bà chèo lái “con thuyền” trách nhiệm hay chưa?

 

Lo thì vẫn lo, khác nào như người ở dưới gốc lo kẻ trên ngọn ngã. Tuy nhiên, tôi vững tin là hiện rất nhiều kế hoạch và chiến lược của Dược Hậu Giang đều do những thế hệ dưới tôi làm. Đầu năm, đi họp ban ngành và hoạt động đều do các cán bộ trẻ khác thực hiện, tôi không trực tiếp. Mỗi khi có kế hoạch và báo cáo, tôi chỉ đứng ra làm người phản biện chính sách và kế hoạch.

 

“Mình giờ có tuổi rồi, thế hệ trẻ họ có đầu óc, họ sáng tạo và nhiều cách làm hay, đó là điều phải ghi nhận, tôi thuộc về thế hệ xưa cũ, điều cần làm là truyền lại cách thức cũng như lấy kinh nghiệm của mình để phản biện lại những kế hoạch nhằm những kế hoạch ấy hoàn mỹ hơn thôi”.

 

Bà có thành lập một trường mẫu giáo, khi về hưu bà sẽ đảm nhiệm vai trò điều hành trường mẫu giáo này?

 

Tôi vốn có tình yêu con trẻ, xây trường mẫu giáo cũng nhằm để cán bộ anh chị em yên tâm với công việc vừa bớt đi gánh nặng của họ về con cái. Sắp tới tôi còn mong muốn xây dựng khi vui chơi cho trẻ nhỏ để bù đắp cho các con, các cháu những thiếu thốn mà tôi, cha mẹ chúng không được có. “Mấy đứa trẻ đáng yêu lắm, tôi xuống thăm chúng thường gọi tôi là bà hai, bà ngoại. Một số đứa lớn hơn con của cán bộ nhân viên thì gọi là bà nội”.

 

Thời gian biểu dành công việc của bà tại DHG thế nào, thưa bà?

 

Hàng ngày, tôi đi làm từ 3 rưỡi sáng, đi bộ đến công ty mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Đi bộ cũng để rèn luyện sức khỏe vì Cty gần nhà. Sau đó đến Công ty bơi tại bể 25 mét, xong rồi đó ăn sáng cùng với nhân viên, cuối chiều lên xe về nhà.

 

Từ bé tôi đã thích bơi, ham bơi và đó cũng là môn thể thao tôi tập luyện nhiều nhất sau công việc. Có lẽ thói quen vùng sông nước đã ngấm vào tôi từ bé, không bỏ được. Mấy ngày ra Hà Nội, mặc dù tiết thu xao xuyến nhưng thấy thiếu 1 cái gì đó, chắc là không được đi bơi như tại quê nhà.

 

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nguyễn Tuyền (Thực hiện)

Chuyên mục: Chân Dung

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *