Doanh nghiệp 15/11/2019 11:33

Vụ nước sông Đuống: Giá bán buôn cao hơn bán lẻ, sai quy định

Theo chuyên gia, giá bán buôn nước Nhà máy Sông Đuống cao hơn giá bán lẻ nước sạch do UBND TP Hà Nội ban hành là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Vụ nước sông Đuống: Giá bán buôn cao hơn bán lẻ, sai quy định - 1

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính; Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Thông tin Hà Nội chấp thuận giá mua từ Nhà máy nước sạch Sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm thu hút rất lớn sự quan tâm từ phía dư luận.

Xung quanh vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính; Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Dư luận đang xôn xao xung quanh việc Hà Nội mua giá nước sông Đuống với giá cao thậm chí gấp đôi với doanh nghiệp khác, cao hơn cả giá bán lẻ? Ông đánh giá như thế nào về mức giá tới hơn 10.000 đồng/m3 như vậy, trong khi mua của sông Đà chỉ hơn 5.000 đồng/m3?

Việc so sánh 2 mức giá bán buôn của 2 đơn vị trên cũng chỉ để tham chiếu thôi, không thể lấy công ty này làm chuẩn cho doanh nghiệp kia vì điều kiện sản xuất, kinh doanh, cơ sở vật chất kỹ thuật, công suất, năng suất khác nhau, điều kiện quản lý khác nhau… và rất khó để có 2 đơn vị có mức giá bằng nhau 100%.

Tuy nhiên, muốn nói gì thì nói, giá bán buôn của Nhà máy Sông Đuống cho Công ty nước sạch Hà Nội cao hơn giá bán lẻ nước sạch do UBND TP Hà Nội ban hành là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo Nghị định 117, giá bán buôn nước sạch không được vượt hơn giá bán lẻ hiện hành. Đây chính là mức cao bất hợp lý không được phép, vượt chuẩn pháp luật.

Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội đã làm không đúng khi định giá bán buôn nước sạch thay cho doanh nghiệp?

Phải khẳng định ngay, theo quy định  tại Điều 54 - Nghị định 117 năm 2007 của Chính phủ quy định về thẩm quyền quy định giá nước sạch và Thông tư Liên tịch số 75/2012/TTLT Bộ Tài chính – Bộ Xây dựng – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND TP Hà Nội quy định giá bán buôn (chỉ là tạm tính) để Sông Đuống bán cho Công ty nước sạch là sai thẩm quyền.

Thẩm quyền này thuộc hai doanh nghiệp thỏa thuận với nhau và không được cao hơn giá bán lẻ hiện hành.

Với Văn bản thông báo giá nước 10.246 đồng/m3 Sông Đuống bán buôn cho cấp nước Hà Nội thì UBND TP Hà Nội đã can thiệp trực tiếp không đúng thẩm quyền về lĩnh vực giá bán buôn nước sạch của 2 đơn vị nêu trên.

Tổng mức đầu dự án là 5.000 tỷ đồng, vay gần 4.000 tỷ đồng, chi phí lãi vay chiếm 20% giá thành nước. Nhiều ý kiến cho rằng, giá nước cao vì cõng chi phí lãi vay lớn. Ông có nhận xét gì về những con số này. Có sự bất hợp lý ở đây không, thưa ông?

Tôi cho rằng vấn đề lựa chọn quyết định nhà đầu tư và xử lý các chính sách liên quan đến đầu tư không đúng ngay từ đầu và cốt lõi là chọn nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính.

Bởi một dự án mà vốn chủ 20%, vốn vay 80% thì chi phí lãi vay – một khoản chi phí hình thành mức giá – đẩy mức giá cao bất hợp lý là đúng.

Chúng ta thực hiện đúng, tính đủ nhưng quan trọng là phải gắn liền với “hợp lý, hợp lệ” chứ không phải tính đủ cả những chi phí mà ta biết là không hợp lệ.

Mặt khác, khi quyết định đầu tư về giá nước thì Nhà nước đã có quy định là giá bán buôn không được vượt giá bán lẻ thì người duyệt phương án đầu tư phải xử lý hợp lý nguyên tắc này ngay từ đầu.

Còn câu chuyện bù lỗ cho Sông Đuống, thưa ông?

Đó là quyền của Hà Nội. Tuy nhiên theo tôi có 2 vấn đề cần phải rõ:

Một là: Đã quyết định không đúng thẩm quyền – tức là sai về thẩm quyền (như tôi nói ở trên) lại dùng Ngân sách để bù cho cái sai thẩm quyền thì có nên không? Tôi khuyên là không nên, vì đó là vi phạm pháp luật về Ngân sách.

Hai là: Ngân sách chỉ bù giá cho dân (người tiêu dùng) khi UBND TP quyết định mức giá bán lẻ thấp hơn giá bán lẻ tính đúng, tính đủ hợp lý, hợp lệ.

Nhìn nhận tổng thể vụ việc, theo ông, cần làm rõ những vấn đề gì ở đây để vấn đề giá nước trở nên minh bạch, lấy lại niềm tin cho người dân

Minh bạch ở đây có những nội dung đã có như sau:

Về mặt pháp lý, Nhà nước đã ban hành Nghị định số 177/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.

Liên Bộ Tài chính – Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đã ban hành Thông tư 75/2012 ngày 15/5/2012 hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền tiêu thụ nước sạch…

Về mặt tuyên truyền, chúng ta cũng cần phải đổi mới hơn công tác tuyên truyền: công khai các vấn đề liên quan đến giá theo quy định của Luật Giá.

Nguyễn Mạnh (ghi)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *