Doanh nghiệp 28/01/2015 15:02

VIP bảo hiểm và chuyện nội tình các hợp đồng lớn

Sau màn chia tay của nhân sự cấp cao hay cổ đông lớn (tạm gọi là VIP) có thể sẽ xuất hiện những cái “bắt tay” mới. Và chừng nào vẫn còn sống nhờ mối quan hệ thì chừng đó, sau mỗi sự ra đi của VIP, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn không thể thiếu những “bàn tay” mới đủ tầm để kiến tạo những hợp đồng bảo hiểm đủ lớn.

Không ngạc nhiên khi mấy năm trở lại đây, sau màn thoái vốn để lại ít nhiều nuối tiếc của cổ đông lớn là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tại Bảo Minh theo chủ trương của Chính Phủ, Bảo Minh bỗng “biến mất” trong hợp đồng bảo hiểm hàng không của hãng hàng không số 1 tại Việt Nam này.

Trong 2 năm qua, 3 cái tên nhà bảo hiểm tham gia bảo hiểm hàng không vẫn là Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Hàng Không (VNI) và Bảo hiểm Bảo Việt, tất nhiên có sự thay đổi về tỷ lệ tham gia qua các năm. Tại hợp đồng bảo hiểm hàng không giai đoạn 2015 - 2016, Bảo hiểm PVI vươn lên đứng đầu với tỷ lệ 60% trong hợp đồng bảo hiểm trị giá 6 tỷ đô la Mỹ.

Sự biến mất của Bảo Minh trên “sân chơi” bầu trời được lý giải là do việc thoái vốn của Vietnam Airlines. Điều này đúng nhưng chưa đủ, bởi xét rộng ra, ngoại trừ VNI, thì cả Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo hiểm PVI đều không có vốn góp của Vietnam Airlines nhưng vẫn có tên trong danh sách nhà bảo hiểm. Trong khi đó, về năng lực tài chính, Bảo Minh có thể thua 2 doanh nghiệp này, nhưng về thâm niên hoạt động, Bảo Minh không kém cạnh so với Bảo hiểm PVI.

Một nguồn tin trong giới làm nghề cho hay, sự biến mất của Bảo Minh còn có nguyên nhân từ sự ra đi của cá nhân Giám đốc Chi nhánh Bảo Minh Hà Nội, nhân vật quan trọng trong việc chốt hợp đồng bảo hiểm hàng không. Vị này sau đó chuyển sang đảm nhận vị trí nhân sự chủ chốt tại Tổng CTCP Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC).

Tính đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines chỉ còn nắm vốn tại duy nhất một doanh nghiệp bảo hiểm là VNI, tuy nhiên theo chủ trương, đến năm 2015, Vietnam Airlines sẽ phải thoái toàn bộ vốn tại doanh nghiệp này. Áp lực về việc VNI sẽ ra sao khi Vietnam Airlines thoái vốn cũng từng được Chủ tịch VNI, ông Trần Thanh Hiền, đặt ra trước cổ đông hồi đầu năm 2014 có thể thấy, sự ra đi của VIP sẽ để lại những khoảng trống không nhỏ cho doanh nghiệp, đặc biệt là mối lo về khả năng mất thị phần.

Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) cũng từng đứng trước bài toán nan giải khi phải tìm nguồn lực để bù đắp cho sự ra đi của cổ đông lớn là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) sau thoái vốn. Năm 2013, thời điểm sau khi Vinacomin thoái vốn, doanh thu của BSH giảm mạnh so với năm trước, chủ yếu do doanh thu từ các khách hàng Vinacomin sụt giảm. Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, ngoài mở rộng thị trường, BSH đang có kế hoạch bổ sung 50 tỷ đồng cho nghiệp vụ bảo hiểm hàng không trong tổng số vốn 400 tỷ đồng sẽ tăng thêm. Kế hoạch này nhằm tận dụng lợi thế của tân Tổng giám đốc Đỗ Văn Hải, người từng nắm giữ vị trí tương tự tại VNI cách đây 2 năm.

Đã từ lâu, trên thị trường bảo hiểm không còn quá ngạc nhiên về khả năng mất thị phần sau mỗi cuộc đổi thay về cơ cấu vốn hay nhân sự chủ chốt. Và cũng không quá bất ngờ khi mỗi tỷ lệ đạt được trong một hợp đồng bảo hiểm giá trị lên tới hàng tỷ đô la vẫn có… “bàn tay” của các VIP.

Mới đây, việc giành được vị trí đứng đầu trong hợp đồng bảo hiểm không nhỏ của một doanh nghiệp bảo hiểm, ngoài năng lực tài chính, kinh nghiệm, được cho là có “bàn tay” của người đứng đầu một bộ, từng là Chủ tịch HĐTV cổ đông lớn đồng thời là công ty mẹ của doanh nghiệp này. Đây có lẽ cũng là lẽ thường trên thương trường và càng dễ hiểu hơn trên sân chơi bảo hiểm, vốn được xem là dựa nhiều vào các mối quan hệ.

Không kể doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hay liên doanh, thì các doanh nghiệp bảo hiểm nội chủ yếu vẫn đang “sống” nhờ cổ đông lớn, đối tác lớn… Có thể liệt kê nhiều cổ đông lớn trong nước hiện đang nắm giữ vốn tại các doanh nghiệp bảo hiểm như Bảo hiểm Bảo Việt có cổ đông lớn của Công ty mẹ (Tập đoàn Bảo Việt) là Bộ Tài chính; Bảo hiểm PVI cũng có cổ đông lớn của Công ty mẹ (CTCP PVI) là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia; còn PJICO là Petrolimex; PTI là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)… Hay với các doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ hơn, BIC có BIDV, MIC (MB), BSH (SHB, TNT, SHS), ABIC (Agribank); Xuân Thành (Tập đoàn Xuân Thành), GIC (EVN, Ngân hàng Đông Á…)… Và chừng nào vẫn còn “sống” nhờ mối quan hệ, chừng đó với doanh nghiệp bảo hiểm, sau mỗi sự ra đi của VIP vẫn không thể thiếu những “bàn tay” mới đủ tầm để kiến tạo những hợp đồng đủ lớn.       

Theo Kim Lan

ĐTCK

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *