Doanh nghiệp 20/02/2020 11:50

Việt Nam hướng tới không nhập khẩu nhựa, nilon khó phân huỷ năm 2025

Thông tin được ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tại lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa vừa diễn ra tại Hà Nội.

 Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Công ty Dow Việt Nam, SCG và Unilever Việt Nam vừa chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ về Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa.

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết ô nhiễm nhựa hiện đang là một cuộc khủng hoảng toàn cầu và vấn đề rác thải nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà loài người đang phải đối mặt. 

“Cứ mỗi phút có 1 triệu chai nước uống bằng nhựa được bán ra trên khắp thế giới và có tới 5 nghìn tỷ túi nhựa sử dụng một lần được sử dụng trên toàn thế giới mỗi năm. Nhưng một nửa tổng số nhựa được thiết kế để sử dụng một lần và sau đó vứt đi”, ông Võ Tuấn Nhân thông tin.

Đáng lưu ý, trong tổng số nhựa từng được sản xuất, chỉ 9% chất thải nhựa được tái chế, khoảng 12% bị thiêu hủy, trong khi phần còn lại - 79% - đã tích lũy trong các bãi chôn lấp, bãi rác hoặc môi trường tự nhiên. 

“Ô nhiễm nhựa gây thiệt hại to lớn cho môi trường và hệ sinh thái. Rác thải nhựa bóp nghẹt dòng chảy của các dòng sông, phá hủy hoặc làm suy giảm đa dạng sinh học, đặc biệt là các vùng biển”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Ngoài ra, các chất phụ gia trong nhựa cũng có thể tác động tiêu cực lên sinh vật. Các hạt vi nhựa có lẫn trong nước biển có khả năng hấp phụ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy có sẵn trong nước biển và trầm tích biển. Từ đó, các hạt này cùng với các chất ô nhiễm theo chuỗi thức ăn sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý cho các loài sinh vật bậc cao hơn, bao gồm cả con người.

Tại Việt Nam, ông Võ Tuấn Nhân cho biết, tỷ lệ sử dụng nhựa bình quân trên đầu người không cao như nhiều nước phát triển trên thế giới, nhưng với quy mô dân số gần 100 triệu người cùng với hệ thống hạ tầng quản lý chất thải rắn chưa hoàn thiện thì vấn đề rác thải nhựa là thách thức rất lớn mà những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi Biên bản ghi nhớ được ký kết, sẽ thành lập Tổ công tác chung để xây dựng và thực hiện kế hoạch cụ thể về 4 nội dung ưu tiên.

Theo đó, trước hết thúc đẩy việc truyền thông, vận động nâng cao nhận thức cộng đồng; thực hiện các chương trình tập huấn và truyền thông nhằm thay đổi và thúc đẩy giảm thiểu, phân loại rác thải tại nguồn của người dân, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường; 

Thứ hai, thúc đẩy và hỗ trợ các hoạt động giảm thiểu và phân loại rác thải tại nguồn cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực và hiệu quả của việc thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý rác thải và cơ sở hạ tầng cho hoạt động tái chế rác thải nhựa;

Thứ ba, triển khai dự án và sáng kiến với những giải pháp sáng tạo, công nghệ tái chế nhằm tăng cường chuỗi giá trị nhựa và hiệu quả tái chế rác thải nhựa thông qua tập trung xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cho rác thải nhựa, tăng cường năng lực và trao đổi, chia sẻ những mô hình tiêu biểu; 

Thứ tư, đẩy mạnh đối thoại chính sách, chia sẻ thông tin, rà soát và xây dựng chính sách, quy định pháp luật hỗ trợ thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo trong giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng rác thải nhựa.

Tại buổi thảo luận ngay sau khi lễ ký kết được diễn ra, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân thông tin thêm về việc năm 2025, hướng tới không nhập khẩu nhựa, túi nilon khó phân huỷ. 

Thời gian tới, Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ ủng hộ bằng các chính sách, thông tin truyền thông, các nhà khoa học để dự án được nhân rộng. Ví dụ: Tài trợ và ủng hộ các doanh nghiệp sản xuất túi ni lông tự hủy, làm bằng bột sắn, bột ngô nhập. Theo đó Thứ trưởng có tài trợ cho nghiên cứu của Đại học Bách khoa về sản phẩm túi ni lông sắn, ngô bằng nguyên liệu Việt Nam 100%, giúp thúc đẩy kinh tế và cải thiện môi trường.

Từ phía doanh nghiệp, đại diện Unilever cho rằng nhựa không xấu nhưng làm thế nào để đưa nhựa về đúng vị trí của nó là vấn đề
cộng đồng xã hội quan tâm. Theo đó, kinh tế tuần hoàn là lời giải.

"Kinh tế tuần hoàn quan trọng vì có thể đưa các loại nhựa tốt hơn vào sử dụng trong sản xuất để tái chế, tái sử dụng. Để làm được điều đó, Unilever cần sự cộng tác với các doanh nghiệp khác trong và ngoài nước. Mục tiêu lâu dài, tới năm 2025, Unilever có thể sử dụng 100% nhựa tái chế, tự huỷ. Unilever mong muốn giảm 50% lượng nhựa nguyên sinh, thu gom xử lý lượng nhựa lớn hơn lượng nhựa Unilever đưa ra thị trường", đại diện Unilever cho biết.

Thêm caption vào đây! (Giữ Backspace để xóa.)
Thêm caption vào đây! (Giữ Backspace để xóa.)

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *