Doanh nghiệp 18/06/2021 08:59

Vì sao thương vụ sáp nhập dầu ăn Tường An vào Kido chậm trễ?

Kế hoạch thoái vốn Nhà nước của SCIC tại Vocarimex bị trì hoãn kéo theo việc Kido chưa thể sáp nhập công ty con là dầu Tường An.

Tại Đại hội cổ đông của Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An tổ chức chiều 17/6, cổ đông tiếp tục đặt câu hỏi về tiến độ sáp nhập doanh nghiệp vào tập đoàn mẹ Kido Group. Tại đại hội năm ngoái, ban lãnh đạo Kido đã thông báo kế hoạch này nhưng sau một năm vẫn chưa thực hiện được. 

Vẫn đợi... 

Ông Trần Lệ Nguyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tường An, đồng thời là Tổng Giám đốc Kido - nêu lí do liên quan đến phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex). Tại Tường An, Kido sở hữu trực tiếp 61,9% cổ phần còn Vocarimex nắm giữ 26,7% vốn điều lệ. 

Kido cũng chính là công ty mẹ Vocarimex với tỷ lệ biểu quyết 51%. Song song đó, Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là cổ đông lớn có quyền phủ quyết tại Vocarimex với 36% cổ phần. 

Hiện SCIC đang trong quá trình thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Vocarimex. Phiên đấu giá để bán phần vốn của SCIC ở Vocarimex ban đầu dự kiến diễn ra đầu năm nay, nhưng sau đó bị hoãn lại. Ban lãnh đạo Kido dự định mua lại số cổ phần này. 

"Chúng tôi đang chờ SCIC thoái vốn 36% Vocarimex. Khi SCIC thoái vốn Nhà nước xong, Kido sẽ mời tư vấn định giá, tổ chức đại hội cổ đông bất thường để tiến tới việc sáp nhập Tường An" - ông Trần Lệ Nguyên thông tin với cổ đông.

Trước đó, vào đầu năm 2020, Kido hoàn tất việc sáp nhập công ty con đầu tiên Kido Foods vào tập đoàn mẹ. Kido Foods là công ty kinh doanh ngành hàng kem với các thương hiệu Merino, Celano. 

Chưa hoàn tất việc sáp nhập các công ty con nhưng Kido đã công bố kế hoạch tái cấu trúc hoạt động kinh doanh. Các công ty con sẽ chỉ chịu trách nhiệm sản xuất, công ty mẹ Kido phụ trách các khâu bán hàng, phân phối, marketing, quảng bá thương hiệu.

Vì sao thương vụ sáp nhập dầu ăn Tường An vào Kido chậm trễ? - 1

Ban lãnh đạo Tường An tại Đại hội cổ đông chiều 17/6 (Ảnh: TAC).

Mục tiêu vượt Calofic

Một cổ đông khác đặt câu hỏi công ty có kế hoạch cạnh tranh thế nào với công ty dẫn đầu thị trường dầu ăn Calofic, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Cái Lân, Neptune, Meizan. Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu - thành viên HĐQT Tường An - thừa nhận trên bản đồ thị trường dầu ăn, công ty mới ở vị trí thứ hai. 

Tuy nhiên, lãnh đạo công ty nhấn mạnh thương hiệu của Kido chiếm lĩnh thị trường phía Nam còn khu vực phía Bắc là nơi Calofic có nhiều ưu thế hơn. Theo bà Liễu, công ty đang đẩy mạnh sự hiện diện tại miền Bắc.

"Chúng tôi kỳ vọng chiếm lĩnh thị trường phía Bắc để giành vị trí số một ngành dầu ăn. Không chỉ ngành dầu, Kido sẽ đầu tư phát triển nhiều ngành hàng thực phẩm thiết yếu khác" - bà Liễu cam kết với cổ đông.

Lãnh đạo doanh nghiệp này thông tin, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu ước tính đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 37% còn lợi nhuận trước thuế dự kiến 105 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. 

Năm nay, kế hoạch doanh thu và lãi trước thuế của công ty dầu ăn lần lượt là 5.266 tỷ đồng và 232 tỷ đồng. Như vậy, theo kết quả ước tính nửa năm, doanh nghiệp hoàn thành 57% chỉ tiêu doanh thu nhưng mới đạt 45% mục tiêu lợi nhuận. 

Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu TAC của Tường An tăng trần phiên 17/6 lên 63.600 đồng. Từ đầu năm nay, cổ phiếu này tăng 26%.

Việt Đức

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *