Doanh nghiệp 24/04/2018 09:47

Vì sao ông Hồ Hùng Anh rút khỏi Masan?

Không chỉ đơn thuần là theo quy định của Luật TCTD, lý do ông Hồ Hùng Anh rút khỏi Masan là vì những khó khăn mà tập đoàn này đang đối mặt. Khi doanh thu và lợi nhuận của ngành nghề chính sụt giảm mạnh, chỉ trông vào bán tài sản và doanh thu tài chính, thì Masan khó có thể tăng trưởng bền vững.

Hôm nay, ngày 24.4, Công ty cổ phần tập đoàn Masan sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2018 để thông qua các chỉ tiêu kinh doanh và bỏ phiếu miễn nhiệm ông Hồ Hùng Anh thôi làm phó chủ tịch HĐQT theo nguyện vọng cá nhân.

Giống như nhiều doanh nhân khác từ các nước Đông Âu trở về, ông Hùng Anh cùng ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group đã xây dựng nên Masan và Techcombank ngày hôm nay. Tại Masan Group, ông Hồ Hùng Anh được giới thiệu là “đã có nhiều đóng góp vào giai đoạn phát triển ban đầu của Masan Group và đưa ra những phương hướng chiến lược”.


Ông Hồ Hùng Anh rút khỏi Masan, chọn Techcombank (Ảnh: IT)

Ông Hồ Hùng Anh rút khỏi Masan, chọn Techcombank (Ảnh: IT)

Năm 2017 đánh dấu một năm khó khăn đối với các hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty, tuy nhiên nhờ doanh thu hoạt động tài chính và khoản lãi đầu tư vào các công ty liên kết, đặc biệt là doanh thu từ mỏ Núi Pháo nên Masan vẫn cán đích lợi nhuận thành công.

Mặc dù Masan vẫn rất hùng mạnh, nhưng thời gian gần đây có nhiều diễn biến không thuận lợi trong thời gian qua như bị thanh tra toàn diện sau scandal truyền thông về ngành nước mắm, thanh tra mỏ Núi Pháo của Masan Resources, đặc biệt là sự sụt giảm lợi nhuận từ ngành nghề chính. Đây có lẽ là lý do ông Hồ Hùng Anh rời khỏi Masan, để Techcombank và Masan không còn sợi dây liên kết là ông.

Hiện tại, ông Hồ Hùng Anh không giữ nắm cổ phiếu MSN nhưng vợ và em dâu ông Hùng Anh nắm lần lượt 5,7 triệu (chiếm 0,54%) và 6,8 triệu cổ phiếu (0,64% số cổ phiếu đang lưu hành) Masan. Tại Techcombank, ông Hồ Hùng Anh nắm hơn 13,1 triệu cổ phiếu. Mẹ ông nắm gần 88.000 cổ phiếu.

Tính theo giá đóng cửa của cổ phiếu MSN ngày 23.4 là 95.000 đồng/cp và cổ phiếu Techcombank trên sàn OTC là khoảng 115.000 đồng/cp, giá trị tài sản gia đình ông Hồ Hùng Anh tại hai tổ chức này đạt gần 2.700 tỷ đồng.

Cán đích lợi nhuận nhờ mỏ Núi Pháo đầy sai phạm

Năm 2017 là một năm đầy biến động đối với các mặt hàng kinh doanh cốt lõi của Masan. Doanh thu thuần từ mức kỷ lục 43.297 tỷ đồng trong năm 2016 giảm xuống còn 37.621 tỷ đồng trong năm 2017 tương ứng tỷ trọng giảm 13,1%.

Báo cáo tài chính năm 2017 cho thấy, doanh thu năm 2017 của Masan sụt giảm phần lớn do doanh thu mảng chăn nuôi heo và sản xuất thức ăn chăn nuôi, mảng chiếm hơn một nửa tổng doanh thu của tập đoàn này, giảm 23% trong năm qua.

Ngoài ra, ở mảng thực phẩm và đồ uống, doanh thu cũng giảm 9% tương đương 1,3 nghìn tỷ đồng do áp dụng chiến lược chuyển đổi mô hình kinh doanh từ “bán hàng hoá” sang “xây dựng thương hiệu”.

Điểm sáng về doanh thu chỉ đến từ hoạt động khai thác khoáng sản. Mỏ Núi Pháo đem về hơn 5.400 tỷ đồng doanh thu cho Masan trong năm qua, tăng trưởng 33% so với năm 2016 nhờ giá vonfram tăng.


Mỏ Núi Pháo là một dự án mà Bộ Tài nguyên và Môi trường kết luận với đầy sai phạm đã đóng góp lớn vào lợi nhuận năm 2017 của Masan (Ảnh: IT)

Mỏ Núi Pháo là một dự án mà Bộ Tài nguyên và Môi trường kết luận với đầy sai phạm đã đóng góp lớn vào lợi nhuận năm 2017 của Masan (Ảnh: IT)

Nửa cuối năm 2017, Trung Quốc công bố việc áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường chặt chẽ hơn trong khi chất lượng quặng giảm gây áp lực lên các nhà chế biến vonfram đảm bảo biên lợi nhuận làm chi phí sản xuất tăng lên, và các đợt thanh tra môi trường ở Trung Quốc làm giảm nguồn cung chung nhờ vậy mà giá vonfram thế giới tăng lên trung bình 300usd/mtu.

Mặt khác, công suất hoạt động nhà máy khai thác khoáng sản của Masan đã được cải thiện cho tỷ lệ thu hồi vonfram tăng từ 63% trong năm 2016 lên 66% trong quý IV.2017 và theo kế hoạch sẽ tăng lên hơn 70% trong năm 2018. Vì vậy, đây có thể vẫn là con át chủ bài đảm bảo tăng trưởng cho Masan trong năm 2018. Đáng lưu ý, mỏ Núi Pháo là một dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường kết luật với nhiều sai phạm trong năm 2017, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Đóng góp đáng kể trong cơ cấu nguồn thu của Tập đoàn đến từ dịch vụ tài chính. Ngân hàng Techcombank, do Masan nắm giữ 12,54% vốn điều lệ, đóng góp hơn 2.000 tỷ đồng vào lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao của tập đoàn, tăng gấp đôi năm ngoái. Ngoài ra, Masan cũng ghi nhận 931,6 tỷ đồng thu nhập tài chính đến từ hoạt động bán trái phiếu chuyển đổi của Techcombank. Còn khoản đầu tư vào Vissan mà Masan thực hiện trong năm 2016 hiện chưa đem lại lãi cho công ty.

Như vậy, tổng hai khoản lãi dịch vụ tài chính có liên quan đến Techcombank đã đem về hơn 70% lợi nhuận trước thuế cho Masan. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế của Masan vẫn cán đích thành công ở mức 3.607 tỷ đồng vượt 12,7% kế hoạch năm.

Kế hoạch doanh thu “khủng” trong năm 2018

Dù vậy, năm 2018 Masan vẫn lên kế hoạch với đầy tham vọng. HĐQT sẽ trình lên ĐHĐCĐ kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần trong khoảng từ 45.000 đến 47.000 tỷ đồng đạt mức tăng trưởng 20 – 25%. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông của Công ty được giãn rộng hơn từ 3.400 – 4.000 tỷ đồng, tăng từ 10 – 30% so với năm vừa qua. Điều này cho thấy Masan kỳ vọng rất cao vào sự phục hồi của thị trường cũng như của các mặt hàng chủ lực của công ty trong năm 2018.

Được biết, Quý I.2018, nhiều ngành hàng cốt lõi của Masan Consumer Holdings đã tăng trưởng mạnh trở lại, sức mua các sản phẩm mới ra mắt trong 6 tháng - 12 tháng gần đây tăng mạnh. Gia vị có doanh thu 1.420 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước; thực phẩm tiện lợi có doanh thu 917 tỷ đồng, tăng trưởng 54%; doanh thu cà phê 606 tỷ đồng, tăng 120%. Ngành hàng đồ uống tăng từ 30% đến 45%, bia Sư tử trắng tăng trưởng 300%.

Trong lĩnh vực khoáng sản của Masan Resources, giá vonfram hiện tại là 310USD/mtu - 330USD/mtu, cao hơn mức dự đoán của Ban điều hành là 275USD/mtu.


Năm 2018, Masan vẫn đặt kế hoạch lợi nhuận khủng với sự trông chờ vào công ty thành viên, đặc biệt là Techcombank và mỏ Núi Pháo (Ảnh: IT)

Năm 2018, Masan vẫn đặt kế hoạch lợi nhuận khủng với sự trông chờ vào công ty thành viên, đặc biệt là Techcombank và mỏ Núi Pháo (Ảnh: IT)

Bên cạnh đó, việc ĐHĐCĐ ngân hàng Techcombank thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 10.000 tỷ đồng năm 2018 (tăng trưởng 24%) và dự kiến lên sàn trong năm nay đã củng cố niềm tin vào kế hoạch lợi nhuận của Masan sẽ đạt được một phần do hưởng lợi vào khoản đầu tư công ty liên kết này.

Mặc dù vậy, vẫn có những rủi ro tiềm tàng có thể ảnh hưởng đến Kế hoạch kinh doanh năm của công ty như giá nguyên vật liệu có thể tăng, việc giá heo và thị trường thức ăn cho heo phục hồi chậm. Ngoài ra, nếu giá vonfram giảm xuống dưới mức trung bình là 300 USD/mtu trong năm 2018 và chất lượng quặng không cao như dự tính cũng ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu khai thác khoáng sản của công ty.

Tại ĐHĐCĐ, HĐQT công ty cũng sẽ trình thông qua phương án bán cổ phiếu quỹ nhằm huy động vốn và tăng trưởng lợi nhuận. Theo đó, số lượng cổ phiếu dự kiến bán: tối đa 109.899.932 cổ phiếu. Đối tượng nhà đầu tư được mở rộng không nhất thiết phải là cổ đông hiện hữu của công ty và việc phát hành có thể chia làm nhiều đợt.

Cũng tại ĐHĐCĐ năm 2018, đáng chú ý Masan tiếp tục trình phát hành cổ phần mới cho người lao động (ESOP) với giá phát hành bằng mệnh giá mỗi cổ phần, tức bằng 10.000 đồng/cổ phần. Số lượng cổ phần dự kiến phát hành tối đa bằng 0,5% tổng số vốn điều lệ của công ty. Đây vừa là hình thức huy động vốn vừa là cách Masan tri ân những đóng góp của người lao động. Tuy nhiên, số lượng cổ phần ESOP được phát hành cho các nhân viên quản lý, nhân viên chủ chốt bị hạn chế chuyển nhượng trong thời hạn tối đa 2 năm kể từ ngày phát hành.

Tuy vậy, trong 10 năm trở lại đây, Masan cùng với Techcombank duy trì hình thức không trả cổ tức bằng tiền mặt, đây là điều mà cổ đông luôn cảm thấy không được vui trong suốt thời gian qua.

Theo Vân Anh
Dân Việt

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *