Doanh nghiệp 27/04/2014 20:34

Vì sao Cty CP Đồng Xuân “ép” tiểu thương mở cửa kinh doanh?

Gần 50 hộ dân kinh doanh ngành hàng vải sợi tại chợ Đồng Xuân (HN) như “ngồi trên đống lửa” vì suốt một năm qua ban quản lý chợ (thuộc Cty CP Đồng Xuân) liên tục thúc ép họ mở cửa các sạp hàng/ki-ốt để buôn bán. Trong khi, các hộ đều thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả tiền thuê và đóng các loại phí dịch vụ với Cty CP Đồng Xuân trên cơ sở hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh (sạp hàng/ki-ốt).

Quầy vải chợ Đồng Xuân có diện tích rất khiêm tốn.

 

 

 
Các tiểu thương… lo “mất chỗ”
 
 
Tháng 3.2014, Cty CP Đồng Xuân mời gần 50 hộ trên tới họp và yêu cầu các hộ có sạp hàng/ki-ốt đóng cửa từ nhiều năm nay phải mở ra để kinh doanh, không được sử dụng làm kho. Cty CP Đồng Xuân cho rằng, những hộ này sử dụng sạp hàng/ki-ốt như vậy là sai mục đích kinh doanh như hợp đồng đã ký và Cty có đủ quyền thu hồi, chấm dứt hợp đồng.
 
 
Theo luật sư Phạm Ngọc Minh - Cty luật YouMe: Tình trạng những sạp hàng/ki-ốt ở những điểm khuất và xấu đóng cửa không kinh doanh, hoặc tạm ngừng kinh doanh đã có từ nhiều năm nay và đã được các bên mặc nhiên công nhận điều này trong suốt một thời gian dài, bằng việc bên thuê sạp hàng/ki-ốt thanh toán đầy đủ tiền thuê địa điểm, phí dịch vụ và bên cung ứng dịch vụ không có ý kiến về việc đã có người thuê sử dụng sai mục đích.
 
Nay trong điều kiện hợp đồng không có thay đổi, pháp luật cũng không có quy định khác, nhưng Cty CP Đồng Xuân cho rằng, các hộ kinh doanh vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật là hành động rất thiếu thiện chí và vi phạm nguyên tắc áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại trong pháp luật thương mại.
 
 
Thứ hai, Cty CP Đồng Xuân cho rằng, các hộ kinh doanh đã sử dụng sạp hàng/ki-ốt làm nơi dự trữ hàng hóa là “tự ý sử dụng địa điểm kinh doanh vào mục đích khác” (để làm kho) dường như là sự nhập nhằng, đánh tráo các khái niệm. Bởi, họ không kinh doanh kho hàng, cũng không chứa hàng hóa khác ngoài vải, sợi, đây thực chất chỉ là một trong công đoạn của quá trình kinh doanh ngành hàng này của các hộ kinh doanh.
 
 
Trước đó, tháng 5.2013, Cty cổ phần Đồng Xuân đã gửi tới các hộ kinh doanh: Bản cam kết sử dụng sạp hàng/ki-ốt để kinh doanh… Sau khi những chủ hộ kinh doanh ở đây phản ứng thì sự việc “chìm xuồng” cho đến nay. Điều này, gây ra sự lo lắng cho các hộ do những ki-ốt đó là tài sản (quyền thuê sạp hàng/ki-ốt) có thể bị mất trắng.
 
 
Được biết, giá trị chuyển nhượng quyền thuê sạp hàng/ki-ốt hiện tại ở chợ Đồng Xuân dao động từ vài trăm triệu tới cả tỉ đồng.
 
 
Vị luật sư này còn cho biết thêm, Cty luật YouMe được gần 50 hộ mời làm đại diện để trao đổi và đàm phán với Cty CP Đồng Xuân. Song, khi tới làm việc thì Cty CP Đồng Xuân từ chối làm việc…
 
 
Khó cũng phải mở cửa kinh doanh?
 
 
Những hộ kinh doanh ngành vải gửi đơn kiến nghị cho biết, từ năm 1997, khi các hộ kinh doanh vào chợ mới, các sạp hàng/ki-ốt của các hộ này nằm ở những điểm khuất, ít người qua lại, đã được Cty CP Đồng Xuân tạo mọi điều kiện để làm chỗ để hàng và đóng tiền đất với giá trị thấp nhất. Thời điểm đó, chợ vải sợi còn kinh doanh sầm uất nhưng các quầy hàng ở vị trí xấu này không thể kinh doanh.
 
 
Các năm gần đây, kinh tế có dấu hiệu đình đốn, tình hình kinh doanh của các hộ tại chợ Đồng Xuân gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, áp lực cạnh tranh từ các chợ buôn vải, quần áo có quy mô lớn khác như chợ Ninh Hiệp, các chợ bán lẻ như chợ Hôm, chợ Phùng Khắc Khoan… ngày càng lớn. Trong khi, mỗi sạp hàng/ki-ốt thuê kinh doanh vải ở tầng 2 chợ Đồng Xuân, chỉ có diện tích từ 2-3 m2, song không phải sạp hàng/ki-ốt nào cũng nằm ở nơi thuận lợi.
 
 
Hiện nay, ban quản lý chợ Đồng Xuân “cơi nới” diện tích trên tầng 3, mở thêm nhiều sạp hàng/ki-ốt vốn trước đây chỉ làm khu vực triển lãm hàng hóa, giới thiệu sản phẩm. Theo các hộ kinh doanh việc này làm chợ thêm quá tải. Riêng chỗ để xe cho khách vào chợ không đủ để đáp ứng, để tràn ra vỉa hè, ảnh hưởng tới lượng khách hàng đến chợ giao dịch, từ đó ảnh hưởng tới việc kinh doanh.
 
 
Giải pháp vượt khó của những hộ này là cắt, giảm chi phí, tạm thời đóng cửa quầy hàng doanh thu kém, tập trung kinh doanh tại các sạp hàng/ki-ốt
có vị trí tốt, kinh doanh tốt.
 
 
Luật sư Minh cho biết: Áp dụng Luật Doanh nghiệp (khoản 1 Điều 8), thì việc tự chủ kinh doanh, chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh, đầu tư, chủ động mở rộng quy mô và ngành, nghề kinh doanh là “quyền”, mà không phải “nghĩa vụ” của hộ kinh doanh, Vậy thì không có bất cứ một tổ chức, cá nhân, thậm chí là cơ quan nhà nước nào có thể ép buộc cá nhân, hộ kinh doanh phải mở cửa kinh doanh, khi họ chưa thấy thích hợp.
 
 
Có thể thấy, việc đóng cửa sạp hàng/ki-ốt hay mở cửa kinh doanh không ảnh hưởng tới nguồn thu của Cty CP Đồng Xuân. Với tình trạng chợ quá tải như hiện nay một số sạp hàng/ki-ốt đóng cửa cũng giảm bớt áp lực về mặt quản lý cho ban quản lý chợ. Câu hỏi những hộ kinh doanh đặt ra ở đây, nếu đang “có lợi” như vậy, vì nguyên do gì Cty CP Đồng Xuân hết lần này tới lần khác gây áp lực để buộc các họ phải mở cửa tất cả các sạp hàng/ki-ốt?
 
 
Theo Vũ Hải
Lao động
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *