Doanh nghiệp 12/11/2020 21:42

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng dành bao nhiêu tiền làm từ thiện?

Người giàu nhất Việt Nam - ông Phạm Nhật Vượng - đã được Forbes vinh danh là “anh hùng từ thiện” của châu Á. Số tiền mà ông chủ Vingroup làm từ thiện thông qua Quỹ Thiện Tâm quả thực gây “choáng”.

Danh sách từ thiện lần thứ 14 do Forbes Asia bình chọn đã chính thức công bố 15 cá nhân cam kết giải quyết các vấn đề khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải đối mặt. Forbes gọi đây là những "anh hùng từ thiện".

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng dành bao nhiêu tiền làm từ thiện? - 1

Ông Phạm Nhật Vượng và Vingroup đã chi một khoản tiền khổng lồ cho công tác từ thiện

Theo ghi nhận của Forbes, trong vòng 9 tháng đầu năm nay, người giàu nhất Việt Nam đã làm từ thiện 77 triệu USD trong cuộc chiến chống lại Covid-19 cũng như tài trợ học bổng và các chương trình chăm sóc y tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan nhanh, Vingroup của ông Vượng đã dành ra 55 triệu USD cho các biện pháp chống dịch, bao gồm cung cấp máy thở và các thiết bị khác cho ngành y tế.

Ông Phạm Nhật Vượng là người đã sáng lập và đang sở hữu phần lớn cổ phần của tập đoàn đa ngành Vingroup, hiện đang tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất ô tô, bất động sản và công nghệ. 

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng dành bao nhiêu tiền làm từ thiện? - 2

Theo thuyết minh báo cáo tài chính quý 3 của Vingroup, ngày 30/9 tập đoàn ghi nhận nghiệp vụ chuyển tiền tài trợ với số tiền lên tới 2.309,3 tỷ đồng cho Quỹ Thiện Tâm.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng dành bao nhiêu tiền làm từ thiện? - 3

Những anh hùng từ thiện của châu Á được Forbes Asia vinh danh

Cùng với ông Phạm Nhật Vượng, trong danh sách những “anh hùng từ thiện” của châu Á còn có những tên tuổi doanh nhân lớn như tỷ phú Tadashi Yanai - người giàu nhất Nhật Bản và là ông chủ của chuỗi thời trang Uniqlo. Ông Yanai đã cho đi 11,2 tỷ yên (tương đương 105 triệu USD) cho hai trường đại học trong nước trong năm qua.

Tỷ phú Lý Thư Phúc - Chủ tịch Geely Automobile Holdings (Trung Quốc) đã quyên góp 28 triệu USD vào hồi đầu năm nay để chống lại Covid-19 thông qua Quỹ từ thiện Chiết Giang Lý Thư Phúc. Tính đến tháng 5, Quỹ đã chi hơn 14 triệu USD cung cấp vật tư y tế như khẩu trang và máy thở cho 14 quốc gia, bao gồm Philippines, Thụy Điển và Anh.

Tài phiệt người Hồng Kông - tỷ phú Lý Gia Thành - đã quyên góp 1 tỷ đô la Hồng Kông (tương đương 129 triệu USD) trong năm 2019 để hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ bạo loạn chính trị. Khi dịch bệnh kéo đến, quỹ của ông Lý Gia Thành cũng đã quyên tặng khẩu trang và thiết bị bảo hộ cho các bệnh viện, trường y và những người chịu thiệt thòi trong xã hội.

Tại Úc, vợ chồng trùm trung tâm mua sắm John Gandel - Chủ tịch Gandel Group và Pauline Gandel - Tổng giám đốc Gandel Group - đã quyên góp 250 triệu đô la Úc (176 triệu USD) cho Quỹ từ thiện Gandel kể từ khi quỹ này ra mắt vào năm 1978. Trong năm 2019, Quỹ đã cấp 2,3 triệu đôla Úc để cứu trợ khẩn cấp cho khủng hoảng cháy rừng mùa hè và Covid-19 tại nước này.

Đáng chú ý, tỷ phú Pramod Bhasin - Chủ tịch Clix Capital - trong năm nay đã gia nhập LivingMyPromise, một nhóm gồm 94 thành viên Ấn Độ cam kết quyên góp ít nhất 1/2 tài sản vì mục tiêu thiện nguyện. Ông đã quyên góp 2 triệu USD trong năm qua cho cơ sở chuyên ngành kỹ thuật và công nghệ như đại học Plaksha ở phía bắc Ấn Độ hay Medeor, một bệnh viện tại Gurgaon để chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19. Được biết, tỷ phú này đã dành ra 25 triệu USD cho các hoạt động từ thiện.

Forbes Asia còn vinh danh những tỷ phú từ thiện khác của châu Á như ông Robert Ng - Chủ tịch Sino Group và ông Philip Ng - CEO Far East Organization (Sinapore); ông Huh Dong-soo (Hàn Quốc); bà Eleanor Kwok Law Kwai Chun - Phó Chủ tịch của tập đoàn bán lẻ mỹ phẩm Sa Sa; ông Manuel Villar - Chủ tịch Vista Mall và Vista Land (Philippines); ông Simon Lin - Chủ tịch Công ty sản xuất sản phẩm điện tử Wistron (Đài Loan).

Bà Lee Su-Young - Chủ tịch Gwangwon Industries (Hàn Quốc); ông Li Xiting - Chủ tịch Công ty điện tử y sinh Mindray Thâm Quyến (Trung Quốc); ông Rakesh Jhunjhunwala, nhà sáng lập Rare Enterprises (Ấn Độ) và ông Yusaku Maezawa - cựu Chủ tịch Zozo (Nhật Bản).

Trong danh sách này, nhiều doanh nhân được vinh danh do có các hoạt động từ thiện ý nghĩa trong mùa dịch như xây dựng các bệnh viện, cung cấp các thiết bị bảo hộ y tế và cấp quỹ cho các nghiên cứu y khoa.

Các hoạt động cứu trợ trong đại dịch không phải là trọng tâm duy nhất năm nay. Bên cạnh đó còn có các doanh nhân đã cống hiến cho nghệ thuật và giáo dục.

 Mai Chi

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *