Doanh nghiệp 27/05/2020 08:08

Từ nghi vấn hối lộ 5,4 tỷ đồng, "bóc mẽ" chiêu trò trốn thuế của DN FDI

Con số thất thu thuế bằng các biện pháp trốn và tránh thuế lên tới hàng vạn tỷ đồng mỗi năm như thực tế hiện nay của Việt Nam khiến không ít người giật mình.

Nghi vấn hối lộ 5,4 tỷ đồng mới đây dù vẫn trong quá trình điều tra nhưng cũng là hồi chuông cảnh báo về tình trạng gian lận thuế tại Việt Nam hiện nay.

Nghi vấn công ty Tenma hối lộ công chức Việt Nam 5,4 tỷ đồng để xóa thuế, giảm thuế đang trở thành vấn đề thời sự trong những ngày gần đây. Dẫu biết rằng, đến thời điểm này cơ quan chức năng đã và đang vào cuộc xác minh tính xác thực của thông tin nhưng theo giới chuyên gia, câu chuyện này là một hồi chuông cảnh báo về tình trạng thất thu thuế ở Việt Nam.

Từ nghi vấn hối lộ 5,4 tỷ đồng, bóc mẽ chiêu trò trốn thuế của DN FDI - 1

Nghi vấn công ty Tenma hối lộ công chức Việt Nam 5,4 tỷ đồng để xóa thuế, giảm thuế.

Mức thuế thất thu vào khoảng 15.600 - 20.700 tỷ đồng mỗi năm

Trên thực tế, con số thất thu thuế "khủng" đến mức khiến không ít người giật mình. Nghiên cứu "Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam" của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách đã chỉ ra, mức thất thu thuế có xu hướng tăng kể từ năm 2014 đến nay. Trung bình trong giai đoạn 2013 – 2017, ước tính mức thuế thất thu vào khoảng 15.600 - 20.700 tỷ đồng mỗi năm, lớn gấp khoảng 3-4 lần con số vi phạm phát hiện hàng năm. 

Trong đó, mức thất thu từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên tới 8.000 - 9.000 tỷ đồng, tương đương 4 - 4,5% số thu thuế thu nhập DN. Còn mức thất thu từ ngân sách Nhà nước hàng năm có thể lên tới 10.500 tỷ đồng, xấp xỉ 5% số thu thuế thu nhập DN hàng năm.

Nếu như trong năm 2010 chỉ 10.000 doanh nghiệp (DN) gian lận về thuế thì năm 2018 con số này là 120.000. Không chỉ DN FDI gian lận thuế mà cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, trong đó doanh nghiệp FDI chiếm đa số.

Đáng nói, con số mà DN FDI trốn thuế lớn gấp 3 - 4 lần so với con số vi phạm mà cơ quan chức năng phát hiện hằng năm.

'Bóc mẽ' chiêu trò trốn thuế của doanh nghiệp

PGS.TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, tại Việt Nam, hành vi gian lận thuế ngày càng lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Đặc biệt, tình trạng chuyển giá - một chiêu trò trốn thuế phổ biến của khu vực doanh nghiệp FDI ngày càng gia tăng và phức tạp. Trong đó, cách thức chuyển giá điển hình mà các doanh nghiệp FDI thường áp dụng là thông qua kê khai cao giá hàng hóa, nguyên vật liệu và cung ứng các dịch vụ hành chính, kỹ thuật, pháp lý trong nội bộ tập đoàn (điển hình như trường hợp của Adidas Việt Nam, Coca – Cola Vietnam, Pepsi Vietnam, …), hoặc chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết với chi phí lãi vay luôn vượt quá mức thông thường để có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (trường hợp của Công ty Trà Đài Loan, Công ty trà Kinh Lộ, Keangnam Vina,…).

Gần đây còn xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận "ngược" từ nước ngoài vào Việt Nam của một bộ phận doanh nghiệp FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất cũng như thời gian miễn/giảm thuế TNDN.

Việt Nam thậm chí còn được ví là "thiên đường trốn thuế TNDN". Ví dụ, Facebook và Google, hai gã khổng lồ trong lĩnh vực internet đến từ Mỹ, đã và đang thực hiện hoạt động kinh doanh quảng cáo tại Việt Nam, nhưng không thực hiện nghĩa vụ thuế ở Việt Nam.

Từ nghi vấn hối lộ 5,4 tỷ đồng, bóc mẽ chiêu trò trốn thuế của DN FDI - 2

Không chỉ DN FDI gian lận thuế mà cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, trong đó doanh nghiệp FDI chiếm đa số. (Ảnh minh họa)

Cùng với hiện tượng chuyển giá quốc tế, chuyển giá nội địa cũng ngày một phổ biến, gây thất thu ngân sách lớn và làm méo mó môi trường kinh doanh. Chuyển giá nội địa thường xảy ra ở những giao dịch liên kết giữa các công ty mẹ và công ty con thuộc các tổng công ty, tập đoàn lớn của nhà nước, giữa các doanh nghiệp FDI trong nước có quan hệ liên kết và được hưởng các mức ưu đãi thuế TNDN khác nhau.

Kiểm toán Nhà nước trong những năm gần đây đã phát hiện nhiều doanh nghiệp nội có dấu hiệu trốn thuế thông qua hình thức chuyển giá, trong đó tiêu biểu là Tổng Công ty Cổ phần Bia–Rượu–Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng Công ty Cổ phần Bia–Rượu–Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Bằng cách thành lập các công ty con là các cơ sở kinh doanh thương mại, hai công ty này đã thực hiện bán hàng và kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá bán của cơ sở sản xuất bán cho các công ty con, không thấp hơn 10% so với giá các công ty con bán ra, làm giảm số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp ngân sách. Sau kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Sabeco phải truy nộp vào ngân sách nhà nước 408,8 tỷ đồng và Habeco là 920 tỷ đồng.

Cũng theo ông Thế Anh, một đồng ngày hôm nay có giá trị hơn một đồng ngày mai. Vì thế, nợ thuế cũng là hành vi gian lận, gây thất thu và thất thoát ngân sách nhà nước.

Méo mó… vì những "cú đi đêm"

Trốn và tránh thuế là hình thức doanh nghiệp thực hiện các hoạt động hợp pháp, hoặc bán hợp pháp, khai thác các lỗ hổng trong các quy định về hải quan và thuế nhằm xóa, giảm các khoản thuế phải nộp. Và trên thực tế, không thể phủ nhận rằng, bất kỳ lĩnh vực nào có thu thuế, ở đó có gian lận. Nhưng đó chưa phải là tất cả.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, một trong những nguyên nhân gây ra việc thất thoát thuế ở Việt Nam hiện nay không thể không nhắc đến chính là do cán bộ thuế và doanh nghiệp "bắt tay" nhau. Ví dụ, doanh nghiệp phải nộp 100 đồng tiền thuế, nhưng cán bộ thuế thỏa thuận với đại diện doanh nghiệp chỉ nộp 40 đồng. Số thuế còn lại chia đều cho hai bên, lúc này nhà nước bị thất thoát tới 60 đồng tiền thuế.

PGS.TS. Phạm Thế Anh nhìn nhận, việc Công ty Tenma hối lộ công chức Việt Nam 5,4 tỷ đồng để xóa thuế, giảm thuế nếu đó là thông tin đúng thì đây cũng là một trong số những "chiêu" trốn thuế của doanh nghiệp. Để thực hiện hành vi gian lận thuế, thậm chí có những doanh nghiệp còn lôi kéo một số cán bộ thuế sa ngã, tiếp tay cho hành vi phạm tội.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng phải thừa nhận, trong rất nhiều vụ nhận hối lộ, có những cán bộ thuế đã bị chính DN tố cáo, bị bắt quả tang khi đang nhận tiền và kết cục đau lòng là phải "bóc lịch" trong trại giam.

Nghi vấn công ty Tenma  hối lộ công chức Việt Nam 5,4 tỷ đồng để xóa thuế, giảm thuế đang xôn xao dư luận trong những ngày vừa qua có thể được coi là một dẫn chứng. "Những trường hợp như vậy không phải là cá biệt tại Việt Nam. Trong thực tế có một số cán bộ công chức biến chất móc ngoặc với người nộp thuế làm phương hại đến nguồn thu của Nhà nước. Không những thế, hành động này của các cán bộ Việt Nam còn làm cho doanh nghiệp "nhờn" vì cho rằng, họ có thể đàm phán với bất kỳ ai bằng tiền", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Theo PVKT

Dân Việt

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *