Doanh nghiệp 11/12/2019 16:01

Tranh đua giảm “sốc” giá vé, hãng bay lỗ - lãi thế nào?

Trong bối cảnh hàng không tăng trưởng “nóng”, các hãng bay cạnh tranh bằng việc giảm giá vé không giới hạn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho biết: “Làm sao biết doanh nghiệp họ hạch toán thế nào, đó là bí mật của họ, nhưng doanh nghiệp thì phải có lãi”.

Vấn đề trên được đưa ra tại cuộc tọa đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức sáng nay (11/12), tại Hà Nội.

Tranh đua giảm “sốc” giá vé, hãng bay lỗ - lãi thế nào? - 1

Tọa đàm "Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức", sáng 11/12

Giảm vẫn phải có lợi nhuận!

Gần đây, hàng loạt doanh nghiệp xúc tiến việc gia nhập vào thị trường vận tải hàng không. Có ý kiến cho rằng, việc cấp thêm giấy phép thành lập hãng trong điều kiện hạ tầng chưa đáp ứng được hiện nay sẽ gây khó khăn cho hoạt động hàng không nói chung. Trong khi đó, cạnh tranh giữa các hãng hiện tại đang khai thác thể hiện qua việc giảm giá vé được cho là không giới hạn.

Ông Đinh Việt Phương - Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air - cho biết: “Tôi nghĩ không một ai trong chúng ta mong nhìn thấy sân bay vắng hành khách. Sự phát triển một nền kinh tế, một địa phương nào phản ánh chính là ở sân bay. Sân bay mà vắng thì tức là phát triển kinh tế không có. Như TP.HCM đi đầu cả nước thì nhìn thấy sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên quá tải”.

Đề cập tới giá vé máy bay, ông Phương cho rằng đây là vấn đề tác động đến tất cả hành khách, người dân, xã hội. “Tôi nghĩ chả ai làm gì dưới giá thành cả, vì chúng ta đều là những nhà kinh doanh, tất cả phải quay về bài toán có lợi nhuận hay không” - ông Phương nhấn mạnh và cho biết: “Chúng tôi không làm gì trái cả. Chúng tôi cạnh tranh bằng giá trên cơ sở có tối ưu về vấn đề chi phí. Có chi phí tối ưu, chi phí thấp, chi phí cạnh tranh mới có thể có giá thành thấp”.

Tranh đua giảm “sốc” giá vé, hãng bay lỗ - lãi thế nào? - 2

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung

Dưới góc độ của một chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương - cho hay: “Mình đang tư duy cũ, áp đặt tư duy cũ. Khái niệm của giá thành là của kinh tế cũ chứ không phải kinh tế thị trường”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung khẳng định: “Mình làm sao biết doanh nghiệp họ hạch toán thế nào, đó là bí mật của họ. Doanh nghiệp thì phải có lãi, còn ai đó thấy bị cạnh tranh không lành mạnh thì khởi kiện. Không nên hành chính hoá việc này, rất nguy hại. Hãy để thị trường tự can thiệp”.

"Chiêu" loại bỏ đối thủ

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - nêu quan điểm: “Tôi phải khẳng định, đối với phần đông hành khách, giá vé là yếu tố lựa chọn đầu tiên của họ. Thứ hai, giá thấp đương nhiên là tốt. Nếu chúng ta cạnh tranh không lành mạnh sẽ ảnh hưởng lâu dài và bền vững của thị trường. Nhưng nếu cạnh tranh lành mạnh và giá thấp, đương nhiên là vấn đề tốt”.

Tranh đua giảm “sốc” giá vé, hãng bay lỗ - lãi thế nào? - 3

Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng

Theo Cục trưởng Đinh Việt Thắng, nói giá thành nhưng phải xét trên tổng thể, bởi bản thân một đường bay có hàng chục giá vé, nếu mang một giá vé để nói là không phải.

“Như anh Cung nói, bản thân hãng hàng không chi phí thấp như Vietjet hiện vẫn đang có lãi, đấy là chỉ xét về vận tải hàng không. Bản thân Vietnam Airlines có đường bay có lời, có đường bay lỗ. Quan điểm giá thành phải trên tổng thể lành mạnh. Về thị trường, khi chúng ta đã có cạnh tranh, quản lý Nhà nước càng quản lý ít về vấn đề này” - ông Thắng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cũng thông tin, từ những năm 60 - 70, Mỹ đã áp dụng chính sách phi điều chỉnh các vấn đề kinh tế. Cục Hàng không Liên bang Mỹ, Bộ GTVT Mỹ không quản lý vấn đề này, giá cả do các hãng tự quy định. Nhưng ở Việt Nam, một số đường bay chúng ta còn đưa vào Luật để quản lý khung.

“Khi có cạnh tranh đầy đủ, nên bỏ quản lý nhà nước về yếu tố này. Nhà nước chỉ can thiệp trong những tình huống đột biến, mang tính khủng khoảng. Các hãng hàng không trong năm 2019 này đều có lời. Tôi cho rằng, giá đang bán hiện nay đều phản ánh đúng giá thành của họ” - ông Thắng cho biết thêm.

Tranh đua giảm “sốc” giá vé, hãng bay lỗ - lãi thế nào? - 4

GS.Nawal Taneja - chuyên gia quốc tế đến từ Mỹ

Chia sẻ về cạnh tranh giá vé, GS.Nawal Taneja - chuyên gia quốc tế đến từ Mỹ - cho hay: Nếu hãng hàng không có khả năng “bao cấp chéo” giữa các sản phẩm của họ thì tốt. Tuy nhiên, cần đặt vấn đề: Giá thấp để làm gì, có tạo động lực cho cạnh tranh hay không? Giá bay như thế nào thì tùy các hãng quyết định nhưng phải đảm bảo chi phí tối thiểu, đáp ứng được an toàn bay.

“Không hãng hàng không giá rẻ nào duy trì giá thấp mãi, chỉ được thời gian ban đầu để loại bỏ đối thủ cạnh tranh, còn về sau chắc chắn lại nâng giá vé lên. Hãy tới đất nước đã từng xảy ra thảm họa hàng không xem có chuyện gì xảy ra đằng sau câu chuyện bay giá rẻ. Tôi muốn nhấn mạnh tới thị trường cạnh tranh lành mạnh” - Giáo sư Nawal Taneja khẳng định.

Châu Như Quỳnh

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *