Tiêu Dùng 15/06/2014 10:01

Xe đạp điện Trung Quốc vô cùng nguy hiểm

90% sản phẩm xe đạp điện trên thị trường Trung Quốc không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia, phá vỡ các quy tắc giao thông bằng cách tăng tốc, quá tải.


 

Hung thần đường phố

Theo ước tính của Bloomberg, hiện có khoảng 200 triệu dân Trung Quốc đi xe đạp điện, tăng 1.000 lần so với 15 năm trước. Trong năm 2012, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 90% lượng xe đạp điện trên thế giới, theo Công ty nghiên cứu Navigant Research ước tính, và cho tới năm 2020, khoảng 249 triệu xe đạp điện khác sẽ được bán tại nước này, khiến đây trở thành phương tiện giao thông có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Trung Quốc. 

Các thành phố ban đầu nhìn nhận đây là loại hình phương tiện giao thông ít tiếng ồn và sạch hơn thay thế cho xe máy. Tuy nhiên, giới chức nước này không ngờ được rằng giải pháp giao thông thân thiện với môi trường này lại trở thành hiểm họa giao thông. Theo các kết quả nghiên cứu, một người sử dụng xe đạp điện có nguy cơ bị thương hoặc thiệt mạng do tai nạn giao thông cao hơn người ngồi trong ô tô. Việc người đi xe đạp điện thường chọn đường dành cho xe đạp, đi cùng với xe đạp truyền thống và người đi bộ cũng làm gia tăng nguy cơ tai nạn cho hai đối tượng này.

Thực tế là khi số lượng người sử dụng xe đạp điện ở Trung Quốc tăng lên thì số vụ tử vong cũng tăng. Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trường đại học Bắc Kinh cùng các tổ chức khác tiến hành từ tháng 10-2010 đến tháng 4-2011 cho thấy, xe đạp điện là nguyên nhân gây ra 57% các vụ tai nạn nghiêm trọng tại một bệnh viện nông thôn ở Tô Châu, 36% trong số đó bị chấn thương sọ não.

Không “thân thiện với môi trường” 

Bên cạnh nỗi lo về độ an toàn, chiếc xe đạp điện có thể không “sạch” như nhiều người vẫn nghĩ. 95% xe đạp điện ở Trung Quốc sử dụng 5 bộ pin chì trong toàn bộ thời gian hoạt động, và mỗi bộ pin chứa từ 9 đến 14kg chì. Loại xe này cũng hoạt động phụ thuộc vào điện, nguồn năng lượng chủ yếu được tạo ra từ các nhà máy nhiệt điện, tức là đốt than. Lượng khí thải này là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm nặng ở các thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải và Bắc Kinh trong những năm gần đây.
Vì lý do này, một vài thành phố tại Trung Quốc đã cấm xe đạp điện bởi vì theo chính quyền sở tại, xe đạp điện bị cáo buộc là đã góp phần làm tăng số tai nạn giao thông trên đường phố. Tháng 12-2012, chính phủ Trung Quốc bất ngờ công bố các quy định hạn chế xe đạp điện chặt chẽ hơn trên toàn quốc. Quyết định này gây tranh cãi gay gắt. Tháng 12-2009, doanh số của tập đoàn Luyuan, một trong những nhà sản xuất xe đạp điện lớn nhất Trung Quốc, sụt giảm 50% so với tháng 11.

Nhà sáng lập Luyuan Ni Jie lập luận rằng: “Các quan chức đã dựa vào số liệu thống kê không chính xác, họ không nghiên cứu một cách khoa học”. Đơn cử nhất là tốc độ quá nhanh của loại xe này. Về nguyên tắc, xe đạp điện không được phép có tốc độ tối đa trên 25 km/giờ. Tuy nhiên, để “ghi điểm” với khách hàng trẻ tuổi, nhiều xe đã được đặt chế độ để có thể đạt vận tốc tới 40 km/giờ. Việc đẩy tốc độ của xe lên cao càng làm tăng nguy cơ tai nạn khi lưu thông trên đường.

Đáng chú ý là loại xe đạp điện có mô-tơ công suất lớn, với kiểu dáng xe giống xe tay ga. Chúng cũng có pedal nhưng nhỏ và ít khi được dùng đến. Xe có thể chạy với vận tốc lên tới 50km/h và chạy được quãng đường 80km sau mỗi lần sạc đầy pin. Loại xe này đã và đang tiếp tục gây đau đầu cho các cơ quan quản lý Trung Quốc và các nhà hoạch định phương tiện giao thông toàn cầu. Họ không thể phán quyết chúng là loại xe thân thiện với môi trường hay nên cấm lưu thông để đảm bảo an toàn giao thông.

Từ nhiều thập niên trở lại đây, xe đạp điện được xem là giải pháp kinh tế rất phù hợp đối với người có thu nhập trung bình ở Trung Quốc. Một thợ sửa đường ống nước, nhân viên giao hàng, nhân viên văn phòng cũng có thể mua một chiếc, với phải chăng 2.000 đến 5.000 nhân dân tệ (320 đến 800 USD). Nhưng trên thực tế, hậu quả đáng tiếc xảy ra khi điều khiển chiếc xe đạp điện tham gia giao thông còn gây thiệt hại nặng cả về sức khỏe con người và chi phí điều trị. Các nhà nghiên cứu ở Tô Châu cũng tính toán thời gian nằm viện trung bình của các vụ tai nạn xe đạp điện là 10 ngày, với chi phí khoảng 8.229 nhân dân tệ (1.321 USD).

Theo Thúy Hằng 
ANTĐ/Bloomberg, NYT

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *