Tiêu Dùng 28/02/2015 16:17

Thử tách bạch câu chuyện giá điện

Đây chỉ là một trong số nhiều vấn đề cần tách bạch rõ ràng xung quanh câu chuyện giá điện. Và trên thực tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức rõ ràng, cụ thể cho từng vấn đề ấy.

 
Có cần tăng giá điện không?
 
Tại nhiều cuộc họp gần đây, Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu dứt khoát, nhất quán điều hành giá theo cơ chế thị trường đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ, trong đó có giá điện, Trong Thông điệp đầu năm mới 2014, Thủ tướng nhấn mạnh: “Những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước đang định giá phải tính đúng, tính đủ chi phí, công khai minh bạch các yếu tố hình thành giá và kiên định thực hiện giá thị trường theo lộ trình phù hợp”.
 
Trong khi, điều được thừa nhận rộng rãi là giá bán điện tại Việt Nam hiện đang thấp hơn giá thành sản xuất, Nhà nước đang phải bù lỗ. Ngân hàng Thế giới đã nhiều lần, và gần đây nhất là ngày 14/1 vừa qua, khẳng định biểu giá điện tại Việt Nam đang thấp hơn giá thành; tăng giá điện là yêu cầu bắt buộc và cần thực hiện sớm nhất có thể.
 
Việc điện – một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất của sản xuất – được bán dưới giá thành khiến giá cả thị trường trở nên méo mó. Những doanh nghiệp sử dụng nhiều điện được hưởng lợi và không có động lực để cải tiến, thay đổi công nghệ. Trong khi, ngân sách còn rất nhiều việc khác phải lo.
 
Người mua hưởng lợi thì kẻ bán thiệt thòi. Theo tính toán của WB, trong 5 năm tới đây, tổng vốn đầu tư cho các dự án điện sẽ phải vào khoảng 7,5 tỷ USD/năm và 70% số vốn này phụ thuộc vào khu vực tư nhân thông qua các dự án nhà máy điện độc lập. WB khẳng định rằng Việt Nam không thể thu hút được đầu tư cho nguồn điện nếu giá điện không phù hợp.
 
Năng suất của EVN
 
 
Dư luận yêu cầu rằng EVN phải tìm mọi cách để giảm giá thành sản phẩm, qua đó giảm lỗ. Đây là yêu cầu hoàn toàn chính đáng.
 
Thực tế, không dưới một lần tại các phiên họp Chính phủ gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc đến vấn đề năng suất lao động của EVN. Tới ngày 22/1 vừa qua, chủ trì cuộc họp liên bộ về quản lý điều hành kinh tế vĩ mô, Thủ tướng đã yêu cầu EVN chỉ đạo ngay việc rà soát để giảm mạnh chi phí giá điện nhằm giảm giá thành, nhất là vấn đề giảm hao hụt điện năng và tăng năng suất lao động.
 
“Ngay trong năm 2015, EVN phải tạo ra được chuyển biến, có con số cụ thể và công bố công khai việc giảm chi phí giá thành sản xuất điện”, Thủ tướng yêu cầu.
 
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng ngay cả khi chi phí  đã được EVN giảm đến mức tối đa, thì giá thành của điện vẫn nhiều khả năng sẽ cao hơn giá bán. WB khẳng định, ngay cả khi đã thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí, như xử lý các tài sản không thiết yếu, cắt giảm lao động, cải tạo các nhà máy điện cũ và tăng năng suất lao động, thì cũng không đủ để giải quyết các thách thức về tài chính của EVN. Giá điện vẫn là “nút thắt” quan trọng nhất.
 
Tóm lại, EVN hoàn toàn có khả năng và sẽ phải giảm chi phí giá thành sản xuất điện, nhưng việc điều chỉnh giá điện vẫn là việc phải làm.
 
Lúc nào và bao nhiêu?
 
Dư luận và nhiều chuyên gia có lý khi đặt ra câu hỏi về thời điểm điều chỉnh giá điện và mức điều chỉnh, ngay cả khi lạm phát đang được kiểm soát ở mức thấp.
 
Nếu điện đột ngột tăng giá trong những thời điểm nhạy cảm, chẳng hạn trước Tết nguyên đán, nó có thể ảnh hưởng mạnh tới những thành quả ổn định vĩ mô mà chúng ta phải rất nỗ lực suốt thời gian dài vừa qua mới đạt được. Và nếu mức điều chỉnh không phù hợp, sẽ làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào cam kết, quyết tâm ổn định vĩ mô của Chính phủ và điều này sẽ gây ra những hệ lụy khó lường.
 
Đây hẳn là lý do khiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ liên quan chưa cho phép tăng giá điện trước Tết Nguyên đán, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để đưa ra phương án điều chỉnh phù hợp, tính toán kỹ các tình huống tác động của giá điện đến tăng trưởng kinh tế, trình Thủ tướng xem xét, quyết định vào tháng 3/2015.
 
Mặt khác, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Chính phủ là khi điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu, phải có chính sách hỗ trợ các đối tượng yếu thế như người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
 
Giá thị trường và độc quyền
 
Một điều khá “ngang trái” là các chuyên gia cũng như dư luận đều phản đối gay gắt vị thế độc quyền của EVN, nhưng trên thực tế, giá điện dưới giá thành đang củng cố vị thế độc quyền của EVN. Không một doanh nghiệp nào có thể cạnh tranh nổi với EVN đang được bù lỗ. Muốn phá vị thế của “ông lớn” này, thị trường điện phải có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư khác và giá cả - đi cùng với lợi nhuận – là yếu tố quyết định.
 
Nhìn rộng hơn, việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đã được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Trong Thông điệp đầu năm mới 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ, để thực hiện tốt đột phá chiến lược này, phải tập trung giải quyết hai vấn đề quan trọng có liên quan chặt chẽ với nhau là thực hiện giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, xóa bỏ tình trạng độc quyền doanh nghiệp.
 
Còn nhiều giải pháp khác phải làm để xóa bỏ vị thế  độc quyền của EVN, nhưng thực hiện cơ chế giá thị trường, tạo môi trường cạnh tranh để thu hút thêm các nhà đầu tư khác xem ra là giải pháp căn cơ, bền vững và lành mạnh nhất. Ngược lại, khi tình trạng độc quyền được xóa bỏ, có cạnh tranh, Nhà nước thậm chí còn có thể trao quyền định giá điện cho thị trường và cho người tiêu dùng.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, trước khi thực hiện giá thị trường, cần phải xóa bỏ tình trạng độc quyền của EVN. Phân tích ở trên cho thấy, giải pháp khả thi nhất là thực hiện cùng một lúc hai nhiệm vụ đó.
 
Giá điện và dư luận
 
Dễ hiểu vì sao và phải thừa nhận một thực tế rằng các đề xuất tăng giá nói chung dễ bị phản ứng hơn là đề xuất giảm giá, từ giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế hay giáo dục, giá cước vận tải… đều như vậy. Ngay các chính sách liên quan cũng được quy định theo hướng: Giảm giá dễ hơn là tăng giá, quy trình tăng giá phức tạp, kín kẽ hơn là giảm giá.
 
Nếu chỉ nhìn ở tác động trực tiếp thì phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải có vẻ phi lý. Người dân sẽ phải bỏ tiền nhiều hơn cho giá điện, vậy có lợi ở chỗ nào.
 
Câu hỏi nói trên thật ra không mới. Còn nhớ việc chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang một nền kinh tế thị trường đã diễn ra khó khăn, “vật vã” như thế nào. Vì thoạt nhìn, từ chỗ được Nhà nước bao cấp toàn bộ, cái gì cũng Nhà nước lo, chuyển sang cơ chế mua bán sòng phẳng, ai cũng lo phải chịu thiệt.
 
Nhưng rồi thực tế đã chứng minh rằng việc từ bỏ bao cấp là hiển nhiên đúng đắn: Trao quyền lực cho thị trường, không chỉ Nhà nước “rảnh tay” hơn để làm những việc khác, mà xã hội cũng có nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn để người tiêu dùng lựa chọn. Giá điện và thị trường điện cũng vậy. Nếu giá điện không phù hợp, hậu quả có thể nhìn thấy trước trong tương lai gần, là chúng ta sẽ không thể có đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển.
 
Không thể trách dư luận và người tiêu dùng “khó tính”, chưa thông cảm hay chưa chia sẻ với ngành Điện. Thay vào đó, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần giải thích kiên trì hơn, rõ ràng hơn.
 
Theo Hà Chính
Chinhphu.vn
Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *