Tiêu Dùng 10/05/2014 07:45

Năm 2020: Tăng thị phần hàng Việt lên 80%

Theo đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020, vừa được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt: Phấn đấu đến năm 2020 thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80%.

Tại nhiều hệ thống siêu thị, hàng nội đã chiếm tỷ trọng lớn

Tại nhiều hệ thống siêu thị, hàng nội đã chiếm tỷ trọng lớn

 

Nhu cầu sử dụng hàng Việt tăng

Số liệu mới nhất của Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho thấy: Đã có 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao; tại nhiều hệ thống siêu thị lớn, hàng hóa sản xuất trong nước đã chiếm tỷ trọng lớn, từ 80- 90%.

Bộ Công Thương đánh giá, mặc dù kinh tế khó khăn, khiến sức mua suy giảm nhưng thị phần của nhiều doanh nghiệp (DN) tại thị trường nội địa lại có xu hướng tăng lên. Thời gian qua, nhiều tập đoàn, tổng công ty đã không ngừng mở rộng các kênh phân phối, nâng cao chất lượng… nhằm tiếp cận người tiêu dùng. Nhiều mặt hàng sản xuất trong nước đã có sức cạnh tranh tốt hơn với hàng ngoại.

Đặc biệt, các DN Việt rất chú trọng tới việc mở rộng thị trường nông thôn, nơi tập trung tới 70% dân số của cả nước và sức tiêu dùng hàng hóa cũng tăng lên. Điển hình như Vinatex, đến nay, DN đã tổ chức hơn 60 đợt bán hàng tới các khu công nghiệp và vùng sâu, vùng xa. Tổng công ty Giấy Việt Nam cũng tham gia ký kết thỏa thuận đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, với 14 Sở Công Thương các tỉnh miền núi phía Bắc…

Bên cạnh đó, nhiều DN trong nước đang không ngừng đổi mới công nghệ, kỹ thuật để cho ra đời nhiều sản phẩm có chất lượng và hàm lượng sáng tạo cao. Theo các chuyên gia kinh tế, quan điểm trước đây của nhiều DN là hàng tốt thì xuất khẩu, hàng bình thường, thậm chí là kém chất lượng thì bán trong nước… đã thay đổi. Nhiều DN đã xác định được vị trí, tầm quan trọng của thị trường nội địa, từ đó có chiến lược bài bản về phân phối, tiếp thị, quảng cáo… và nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm.

Đề án nhằm đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, đồng thời lồng ghép vào chương trình hành động của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị hưởng ứng cuộc vận động, nhằm tạo hiệu ứng cộng hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc.

Bốn nhóm giải pháp nâng cao thị phần hàng Việt

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, để hàng Việt tiếp tục chiếm lĩnh thị trường nội địa, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho hay: Với tổng kinh phí thực hiện khoảng 228,93 tỷ đồng, đề án nhằm mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, 90% người tiêu dùng và DN biết đến Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;  đến năm 2020, trên 70% biết đến nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội xây dựng được kênh truyền thông có chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam”. Phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80% và 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai trên địa bàn chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. 100% các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương đều tổ chức dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam...

Để đạt được mục tiêu, đề án đưa ra 4 nhóm giải pháp: Thứ nhất, giúp thay đổi về nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với hàng Việt Nam; thứ hai, hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng Việt Nam; thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Theo Thúy Hà

Báo Công thương

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *