Tiêu Dùng 30/08/2014 20:18

Hàng Việt chưa thể đẩy lùi hàng Thái!

Việt Nam đang là thị trường màu mỡ mà các doanh nghiệp Thái Lan muốn hướng đến. Trong kim ngạch thương mại 2 chiều, mức nhập siêu cao đang nghiêng về phía Việt Nam.

Nhập siêu nghiêng hẳn về Việt Nam
 
Theo số liệu mà ông Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng phòng VCCI-TP.HCM đưa ra tại buổi giao lưu trưng bày sản phẩm giữa doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan ngày 27.8, năm 2013 kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước đạt 9,5 tỉ USD. Các mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan chủ yếu là chất dệt nguyên liệu, linh kiện và phụ tùng ô tô, xe máy, các loại vải, xăng dầu, điện gia dụng, hóa chất, vật liệu...
 
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Thái Lan đạt 5 tỉ USD. Trong đó Việt Nam nhập khẩu từ Thái trên 3 tỉ USD và xuất khẩu sang Thái là 2 tỉ USD.
 
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan là điện thoại di động, dầu thô, sắt thép, phương tiện vận tải, thủy sản, phụ tùng các loại...
 
Riêng ngành dệt may, kim ngạch thương mại song phương 2013 giữa 2 nước đạt trên 405 triệu USD. Cụ thể, các sản phẩm dệt may mà Việt Nam xuất khẩu đạt 45,7 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu các loại vải, sợi... từ Thái Lan đạt trên 360 triệu USD.
 
Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 140 triệu USD hàng dệt may từ Thái Lan. Xuất khẩu chỉ đạt 20 triệu USD. Kim ngạch thương mại song phương của ngành này đạt trên 160 triệu USD.
 
Mục tiêu của 2 nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại 2 chiều tăng lên 20% và đưa ra kim ngạch song phương đạt 15 tỉ USD vào năm 2020.
Mặc dù kim ngạch thương mại đều tăng tuy nhiên chưa cân xứng với tiềm năng hai bên. Việt Nam còn nhập siêu nhiều từ Thái Lan. Trong khi đó,  mong muốn xuất siêu còn khá “e ấp”. 
 
 Sự đổ bộ của hàng Thái "đe dọa" các doanh nghiệp nội địa lẫn các nhà bán lẻ khác - Ảnh: TL
 
Sự "đe dọa" mang tính hệ thống 
 
Hiện nay, không khó để người tiêu dùng tìm mua những mặt hàng có xuất xứ từ Thái Lan từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm... Thực tế cho thấy, nhiều người tiêu dùng Việt có thiện cảm với hàng Thái bởi chất lượng và mẫu mã đẹp, hợp túi tiền. 
 
Từ lâu, hàng hóa Thái Lan bằng mọi cách đã len lỏi vào thị trường Việt, bằng nhiều con đường như quảng bá thương hiệu, hàng xách tay, hàng do các doanh nghiệp FDI như Unilever nhập về bày bán trong các siêu thị và nay đến lượt sự đổ bộ của chuỗi cung ứng, đại lý bán lẻ.
 
Tập đoàn BJC đã thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua việc mở nhà máy sản xuất chai thủy tinh, lon đựng đồ uống. Tập đoàn này còn nắm cổ phần tại Công ty Thái An, chuyên phân phối, xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng và hãng giấy Cellox...
 
Tháng 6.2013, BJC mua lại hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart của Nhật tại Việt Nam và đổi tên thành B’mart. Số cửa hàng tiện lợi của B'mart tăng nhanh chóng. Tháng 5.2014 hệ thống này có 44 cửa hàng thì hiện tại đã có đến 75 cửa hàng tại TP.HCM. 
 
Hồi đầu năm 2014, nhà bán lẻ lớn của Thái Lan là Central cũng đã khai trương trung tâm Thương mại Robins tại Hà Nội. Trung tâm thứ 2 tại Crescent Mall (TP.HCM) sắp được đưa vào hoạt đông trong tháng 11 tới. 
Gần đây, Tập đoàn Berli Jucker - Thái Lan đã mua lại toàn bộ hệ thống bán sỉ Metro Cash&Carry ở Việt Nam thuộc Metro Group (Đức), dấy lên những mối lo ngại về thị trường hàng tiêu dùng trong nước.
 
Tiếp quản 19 trung tâm Metro Việt Nam từ năm 2015, BJC đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới cửa hàng, hệ thống cung cấp. Hiện Metro chiếm khoảng 22% thị phần tạp hóa tại Việt Nam.
 
Sự kiện Metro dường như đã gióng thêm một hồi chuông nữa đối với các doanh nghiệp Việt Nam trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt ngay trên sân nhà, khi mà ngưỡng cửa AEC (cộng đồng kinh tế ASEAN) đang tới rất gần (2015), tiếp theo sau sẽ là TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương).
 
Tại buổi họp báo công bố Vietnam CEO Forum 2014 (28.8), ông Phạm Phú Trường - Phó chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn, cũng nói sự việc Metro bị mua lại càng cho thấy rõ thị trường Việt Nam đang bị cạnh tranh ngầm rất gay gắt. Vấn đề lúc này đối với các CEO, doanh nghiệp Việt Nam là làm thế nào để tồn tại giữa biển lớn. 
 
Theo ban chỉ đạo Vietnam CEO Forum 2014, trước khi diễn ra diễn đàn, các câu lạc bộ và hiệp hội doanh nghiệp đã tổ chức các buổi toạ đàm giới thiệu, trao đổi chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về AEC, TPP. Mục tiêu là tìm cách thay đổi tư duy và cách tiếp cận của các CEO trong bối cảnh bất ổn về kinh tế chính trị trên toàn cầu. Chia sẻ của những CEO nhiều trải nghiệm chắc hẳn rất có giá trị đối với các doanh nghiệm nhỏ và vừa (SMEs) về mặt định hướng, động viên. 
 
Theo Anh Thư - Phan Diệu
Một thế giới
Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *