Tiêu Dùng 07/12/2014 09:28

Hàng Thái: Nỗi ám ảnh quay trở lại

Một cửa hàng nhỏ chuyên bán hàng tiêu dùng Thái Lan, từ bàn chải, kem đánh răng, dầu gội, xà phòng thơm đến áo quần, tất, khăn giấy,... tại Thanh Xuân Bắc (Hà Nội) mỗi ngày đạt doanh thu tới 5 triệu đồng.

Hàng Thái đang hàng ngày âm thầm tấn công thị trường nội địa. Điều này khiến DN Việt sợ hãi.
 
Len lỏi khắp nơi
 
Chất lượng tốt, kiểu dáng, mẫu mã khá bắt mắt và nhất là giá cả hợp lý là những ưu thế nổi trội, khiến hàng tiêu dùng Thái Lan “có đất sống” tại Việt Nam. Ngoài các cửa hàng chuyên về hàng Thái mọc lên ngày càng nhiều, len lỏi vào tận các khu dân cư, thì hàng Thái Lan còn có mặt ở hầu hết các chợ lớn nhỏ, cửa hàng tiện ích hay siêu thị, trung tâm thương mại...
 
Hàng mỹ phẩm Thái Lan được nhiều người Việt ưa chuộng
Hàng mỹ phẩm Thái Lan được nhiều người Việt ưa chuộng
 

Tóm lại, đến nay hàng hóa của Thái Lan đã hiện diện trên tất cả các kênh phân phối tại thị trường Việt Nam.

Tại các thành phố lớn, các loại trái cây Thái Lan như bòn bon, măng cụt, me, nhãn... bày bán tràn ngập và được khá đông khách lựa chọn, mặc dù hàng trong nước không hề thiếu, giá cũng rẻ hơn.

Trong các siêu thị, người tiêu dùng dễ dàng thấy những mặt hàng thông dụng nhất, như mì gói, cũng có xuất xứ từ Thái Lan, với đủ chủng loại từ mì chay, mặn đến mì ly, mì tô. Đồ hộp cũng tràn ngập: trái cây đóng hộp, nước trái cây ép, sữa chua men sống, thịt bò, lợn, cá đóng hộp có đến hàng chục thương hiệu khác nhau, giá không chênh nhiều so với hàng Việt.

Thống kê mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy, trong số các mặt hàng nhập khẩu (tính về số lượng), hàng xuất xứ từ Thái Lan đang đứng thứ hai, chỉ sau hàng Trung Quốc.

Cụ thể, sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 9.000 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác. Đặc biệt, riêng hàng điện tử, điện lạnh đã chiếm đến 70% thị phần. Đáng chú ý, dù Việt Nam có thế mạnh về trái cây nhiệt đới, nhưng cũng bị hoa quả Thái Lan đánh bật khi chiếm tới 40% thị phần nội địa.

Mới đây, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan đã chi gần 880 triệu USD mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam với 19 trung tâm trên cả nước. Trước đó, BJC đã hợp tác với Family Mart để phát triển hệ thống bán lẻ dưới dạng cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam. Ngoài ra, hệ thống bán lẻ Central Group trong tháng 4/2014 cũng bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam bằng một trung tâm mua sắm tại Hà Nội, mang tên Robins.

Doanh nghiệp Việt sợ hãi

Với lợi thế lượng hàng hóa phong phú, chất lượng tốt, được người Việt ưa chuộng từ lâu; lại cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á, sắp bước vào giai đoạn mở cửa thị trường, giảm thuế theo cam kết gia nhập AFTA, hàng Thái Lan được cho là có cơ hội phát triển tốt tại Việt Nam.
 
Hàng mỹ phẩm Thái Lan được nhiều người Việt ưa chuộng
Mỗi năm vài lần, Thái Lan lại tổ chức hội chợ bán hàng Thái tại Việt Nam, thu hút rất đông người tiêu dùng Việt đến mua sắm - điều mà nhiều DN sản xuất hàng tiêu dùng trong nước thèm muốn
 

Sự phủ sóng của hàng Thái Lan tạo thêm cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn, song lại đẩy DN Việt Nam trước nguy cơ mất phần lớn thị phần. Nếu hàng tiêu dùng Thái Lan có chất lượng cao và ổn định, thì ngược lại, điểm yếu nhất của hàng Việt Nam chính là chất lượng không ổn định, hay đánh mất niềm tin của người tiêu dùng.

Không ít DN Việt Nam đã nhìn ra điều này và cảm thấy lo ngại với sự lấn sân của hàng Thái, song vẫn chưa biết đối phó ra sao.

Ông Nguyễn Song Tùng, giám đốc công ty TNHH sản xuất hàng gia dụng châu Âu (Hà Nội) nhận xét, hàng Việt Nam khó có thể cạnh tranh nổi với hàng Thái. Lý do: DN Thái đã sản xuất hàng tiêu dùng lâu năm, được nhiều đối tác nước ngoài chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm. Hơn nữa, họ lại chủ động được nguyên liệu, công nghệ nên kiểm soát chất lượng và giá thành rất tốt. Đây là điều đáng lo ngại.

Theo ông Suthichart Chirathivat, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Group, thì ngành bán lẻ Thái Lan đã trưởng thành và có lợi thế hơn hẳn các nhà bán lẻ ngoại khác.

Việc cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành vào năm 2015, sẽ cho phép các tập đoàn lớn Thái Lan mở rộng thị trường, đặc biệt là tại các nước như Việt Nam và Indonesia cũng như châu Âu, ông Suthichart Chirathivat nói.

Trước bối cảnh này, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, bà Đinh Thị Mỹ Loan, cũng cảnh báo, chẳng bao lâu nữa, hàng Thái Lan sẽ thay thế hàng Trung Quốc tại thị trường Việt Nam.

Theo bà Loan, đối sách quan trọng nhất để cạnh tranh với hàng nước ngoài nói chung, hàng Thái Lan nói riêng là DN Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức hiệu quả các chuỗi phân phối.

Ông Douglas Jackson - Giám đốc điều hành khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Tập đoàn Tư vấn Quản trị Boston Consulting Group (BCG), còn cho rằng, các công ty hoạt động trong thị trường mới nổi đang ngày càng mạnh hơn và là đối thủ cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia trong khu vực. DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với các công ty này từ Thái Lan. Chẳng hạn, một số tập đoàn thực phẩm của Thái cạnh tranh ngang ngửa với các tập đoàn đa quốc gia tên tuổi trên thế giới như Nestle... Với tài chính tốt và am hiểu tâm lý người tiêu dùng trong khu vực, các công ty này sẽ vượt mặt DN Việt Nam ngay tại thị trường Việt Nam, ông lo ngại.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, ĐH Quốc gia Hà Nội, khuyến cáo, lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam thường mơ mộng, chỉ thích hướng tới các tập đoàn lớn của châu Âu hay Bắc Mỹ mà ít quan tâm đến những tập đoàn ở các nước ngang hàng với ta. Tuy nhiên, đây chính là đối thủ khiến doanh nghiệp Việt Nam thất bại trong hội nhập, ông Thành cảnh báo.

Theo Trần Thủy

Vietnamnet
Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *