Tiêu Dùng 09/02/2014 13:26

Giá trông giữ xe tại các đền, chùa tăng tới 100%

FICA - Trong dịp lễ Tết, giá trông giữ xe ô tô, xe máy tại các đền, chùa tăng cao từ 40-100%, dịch vụ bún phở cũng tăng 40% so ngày thường.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 1/2014 chỉ tăng 0,69% so với tháng 12/2013. So với mức tăng của tháng 1 (tháng giáp Tết Nguyên đán) trong giai đoạn từ năm 2003-2014 thì mức tăng tháng 1/2014 chỉ tăng cao hơn so với tháng 1/2009 nhưng thấp hơn so với nhiều năm trở lại đây.

Giá cả thị trường sau ngày 15/1, đã tiếp tục nhích lên và có những biến động trái chiều nhau: một số loại hàng hóa, dịch vụ cơ bản do Nhà nước định giá được giữ ổn định (điện, xăng dầu, dịch vụ giáo dục...). Trong khi đó, một số hàng hóa có giá giảm như giá gas giảm khoảng 8,53% đến 8,85% đầu tháng 1 và giảm tiếp 4,4% từ 1/2/2014, giá xi măng giảm từ 30.000-40.000 đồng/tấn tại các nhà máy.

Một số hàng hoá, dịch vụ cơ bản khác điện, xăng dầu, than cho sản xuất điện... được Nhà nước tiếp tục giữ ổn định giá trong tháng Tết.

Riêng với xăng dầu, ngày 27/1/2014 Bộ Tài chính có Công văn yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giảm giá bán tối thiểu 331 đồng/lít đối với dầu diezel; giữ ổn định giá các mặt hàng xăng và giá dầu hỏa, dầu madut.

 

Trong ngày hôm qua, báo cáo được Bộ Tài chính công bố cho thấy, vào những ngày cận Tết (từ ngày 28 đến 30 tháng Chạp), nếu so sánh giá hàng hoá với khoảng thời gian trước Tết ông Công, ông Táo thì giá hàng hóa cơ bản ổn định do nguồn cung dồi dào, sức mua không tăng cao.

Theo quy luật, nhu cầu tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ dịp Tết Nguyên đán của các tầng lớp dân cư có xu hướng tăng, nên ngay từ giữa tháng 1/2014, thị trường hàng hoá dịch vụ phục vụ Tết đã bắt đầu hoạt động sôi động, tuy nhiên, sức mua Tết Giáp Ngọ 2014 thấp hơn so với cùng kỳ Tết Quý Tỵ 2013, tăng 15%-20% so ngày thường tại các đô thị lớn, 10%-15% tại nông thôn.

Do ảnh hưởng tình hình kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng cân nhắc trong chi tiêu, tập trung vào các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống; sức mua tăng tập trung vào các ngày 23 tháng chạp, 28, 29, 30 Âm lịch; siêu thị, trung tâm thương mại thu hút khách đông khách hàng do phát huy lợi thế về vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa rõ ràng, giá cả bình ổn.

Giá cả thị trường trong cả nước tất cả các nhóm hàng cơ bản ổn định, riêng nhóm thực phẩm tươi sống (thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy hải sản) tăng nhẹ vào những ngày 29, 30 và mùng 3,4 Âm Lịch theo quy luật Tết hàng năm. Trên địa bàn cả nước, không địa phương nào xảy ra hiện tượng thiếu hàng gây sốt giá.

Cũng theo Bộ Tài chính, giá thực phẩm rau, củ, quả tương đối ổn định hoặc tăng nhẹ; giá một số loại trái cây bày mâm ngũ quả như chuối xanh, thanh long... tăng cao trong những ngày cận Tết do sức mua tăng cao. Giá hoa tươi cũng có xu hướng tăng vào những ngày cận Tết nhưng mức tăng không có quá cao.

Đồng thời nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc chương trình bình ổn giá bình ổn và thấp hơn giá thị trường khoảng 5%-10%. Thậm chí, nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh còn thực hiện các chương trình giảm giá cho nhiều loại hàng hóa như: gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, đồ dùng gia đình... Tuy nhiên, ở các chợ dân sinh trong phạm vi cả nước, lượng hàng hóa dồi dào nhưng giá vẫn tăng.

Sau khi nghỉ Tết ngày Mùng 1, 2 và 3, ngày Mùng 4 Tết, một số siêu thị lớn có hệ thống trong cả nước (Coopmart, Fivemart...) đã mở cửa khai trương bán hàng; hệ thống chợ dân sinh ở nhiều nơi cũng bắt đầu bán hàng. Từ ngày mồng 5,6 Tết trở đi hệ thống các cửa hàng thương mại, các chợ dân sinh mở cửa bán hàng nhiều hơn.

Đặc điểm của thị trường những ngày sau Tết là: lượng hàng hóa vẫn nhiều, nhưng khối lượng người mua chưa đông, sức mua vẫn thấp. Hàng hóa được mua, bán chủ yếu tập trung vào các mặt hàng như: thủy sản, thịt gia súc, thịt gia cầm, rau củ quả. Về giá cả cơ bản vẫn giữ bình ổn giá như những ngày trước Tết, một số hàng hóa, dịch vụ giá tăng cao như: trông giữ ô tô xe máy (tại các đền, chùa) tăng từ 40%-100%, dịch vụ bún phở tăng 40% so ngày thường.

Giá cước vận tải bằng đường bộ về cơ bản ổn định, tuy nhiên một số đơn vị kê khai tăng giá chiều đông khách từ 15%-60% so với giá vé bán ngày thường nhằm bù đắp phần chi phí cho phương tiện chạy chiều rỗng . Đối với chiều vắng khách, các doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh giảm giá vé tàu hỏa, vé máy bay để cạnh tranh thu hút khách, tăng thu. Mức giảm cao nhất lên tới 40%.

Đối với giá cước vận tải đường sắt, chính sách tăng giá chiều đông khách từ 5- 15% tiếp tục được áp dụng và giảm giá tối đa đến 40% chiều vắng khách so với Tết Quý Tỵ 2013. Còn vận tải hàng không, Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, trong dịp Tết tùy theo tình hình thị trường, các mức giá có thể điều chỉnh trong phạm vị 15%.

Bích Diệp

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *