Tiêu Dùng 26/01/2014 07:24

Gia Lai : Nghịch lý vựa rau rớt giá thê thảm, giá chợ vẫn cao

FICA - Trong khi hàng trăm hộ dân ở vựa rau xã An Phú (Pleiku, Gia Lai) đang lao đao khi phải nhổ rau cho bò ăn vì bán không ai mua, thì cách đó chừng 10km giá các loại rau “đổ đi” này ở chợ vẫn cao ngất ngưởng.

Rau làm thức ăn gia súc

Xã An Phú vốn được xem là vựa rau của tỉnh Gia Lai với diện tích đất trồng rau thường xuyên là 1.075 ha. Rau ở đây không chỉ cung cấp cho người dân Gia Lai mà còn cung cấp đi các tỉnh Huế, Quảng Ngãi, Bình Định… Cận Tết, ai cũng ngỡ rằng nhu cầu tiêu dùng tăng cao thì rau sẽ bán được. Nhưng người tính không bằng trời tính, cả nửa tháng nay, bà con trồng rau ở xã An Phú thay vì nhổ rau để bán thì phải bứt cho bò, heo hoặc cày lật úp làm phân.

Tính đến thời điểm hiện tại, một số loại rau tại vườn ở xã An Phú có giá như sau: rau cải cúc giá 1,5 đồng- 200 đồng/bó, bắp cải giá 500 đồng/kg, hành lá 2.000 đồng/kg, cải ngồng 500 đồng/kg, mùi (ngò) bán không được… Giá rẻ đã đành, nhưng người mua thì vừa ít vừa kén chọn khiến nhiều ruộng rau để già ngày bán không được phải nhổ cho gia súc ăn hoặc cày vùi xuống đất.

 

Bà Thinh đang bứt vườn rau cải ngọt cho heo ăn

Có gần 1ha đất, vụ rau tết năm nay gia đình bà Phan Thị Lưỡng (thôn 4, An Phú) đầu tư cả trăm triệu đồng vừa tiền giống và tiền công để trồng rau. Đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 các loại rau như bắp cải, hành lá, cải ngồng, mùi… đến lúc thu hoạch để bán thì bỗng dưng rau bị mất giá, bán không được. Cứ nghĩ rằng, chờ đến những ngày cận Tết thì biết đâu giá sẽ tăng, nhưng ai ngờ càng chờ rau càng quá lứa bán không ai mua. Đến nay, những ruộng rau cải ngọt, bắp cải, mùi, hành lá của gia đình bà Lưỡng thứ thì cho người bứt cho bò ăn, thứ phải nhổ đắp lên bờ.

Bắp cải bán không được để lâu bị nứt

Đang loay hoay nhổ sào hành đắp lên bờ để lấy đất trồng vụ rau khác, bà Lưỡng xót xa: “1kg hành giống giá 60 nghìn đồng, trồng cả tháng mới được 20kg hành lá, đã vậy bán không được hành để già ngày lá tốt vụt thì bị thương lái chê, chỉ mua hành ngắn lá. Gia đình tôi bỏ ra 20 triệu đồng tiền vốn mua hành giống nhưng bây giờ phải nhổ hành đắp lên bờ để lấy đất”. Rồi bà Lưỡng chỉ tay sang ruộng bắp cải và ruộng rau mùi bên cạnh nói tiếp: “Bắp cải người ta chỉ mua loại nhỏ, lớn không mua, bán không được để lâu ngày bắp càng cuốn càng to nên bây giờ phải chặt bỏ đi, ruộng ngò kia cũng vậy, mai tôi phải nhổ để lấy đất. Hàng trăm triệu đồng tiền vốn, rồi công chăm sóc gần 2 tháng nay. Thôi đừng hỏi nữa, hỏi nữa là ngồi khóc luôn con ơi. Năm nay không có Tết rồi”.

Cũng như gia đình bà Lưỡng, hàng trăm hộ trồng rau xã An Phú cũng đang rơi vào tình trạng tương tự khi trồng rau bị lỗ nặng. Bà Nguyễn Thị Thinh (thôn 4) đang loay hoay bứt ruộng cải ngọt cho heo ăn rầu rầu nói: “Bán không được thì bứt cho heo chứ sao. Bỏ tiền, bỏ công ra trồng bây giờ bán không được, Tết đến nơi rồi, làm ăn thua lỗ đâu có tâm trạng mà đi sắm Tết đâu”.

Giá chợ vẫn cao

Cách xã An Phú chỉ chừng 10km, nhưng giá rau ở các chợ trong trung tâm TP Pleiku lại khác xa một trời. Giá rau tại chợ Lớn TP Pleiku như sau: rau cải cúc 5.000 đồng/bó, bắp cải 10.000 đồng/kg, rau cải ngồng 4.000 đồng/bó…

Khi chúng tôi thắc mắc về giá bó rau cải cúc thì một tiểu thương nói như chửi: “Mua một bó rau mà hỏi nhiều, muốn mua rẻ thì tối ra chợ đêm, chợ đêm người ta cho không đấy”.

Ông Ân bên vườn rau mùi chuẩn bị nhổ đi

Khác với tiểu thương trên, một tiểu thương bán rau, củ, thực phẩm trên đường Đồng Tiến (TP Pleiku) giải thích với giá rau như sau: “Gần Tết giá rau tăng thì mình bán tăng thôi. Cái gì cũng tăng cả, thịt, cá cũng tăng nên rau, củ tăng. Nhiều người mua nên giá tăng đó em”.

Bà Lưỡng chua xót khi hành nhổ đi đắp bờ

Người nông dân bỏ bao nhiêu công sức, vốn liếng ra để trồng rau, củ cả tháng trời để trồng rau nhưng phải chịu thua lỗ. Còn người tiêu dùng khi giá rau hạ thấp nhưng vẫn phải mua rau ngoài chợ của tiểu thương về ăn với giá quá cao.

Rau ở chợ Lớn Pleiku giá vẫn cao ngất ngưởng

Ông Võ Hồng Cận- Cán bộ Chi hội Nông dân xã An Phú cho biết, người dân trong xã sống bằng nghề trồng rau nhưng lại không có bất kì một “bảo hiểm” nào cho người dân. Người dân cứ trồng tự phát mà không có sự hướng dẫn của bất kì tổ chức, cơ quan nào nên đã rơi vào tình trạng trên: “Đất ở đây chỉ trồng được rau, mùa mưa thì khó trồng rau, chủ yếu là mùa này nhưng bán lại không được. Năm nay bà con lao đao chẳng có tâm trạng nào mà sắm Tết, nhà nào trồng nhiều thì lỗ nhiều”, ông Cận cho biết thêm.

Thiên Thư

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *