Tiêu Dùng 07/06/2015 11:18

Công nghệ sạch, thực phẩm vẫn bẩn

Cho dù các cơ quan chức năng đã nhập cuộc nhưng đến nay câu chuyện tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản nói chung và thực phẩm nói riêng vẫn là nỗi lo thường trực của người tiêu dùng.

Đáng nói là, các viện, trung tâm nghiên cứu đều khẳng định có khá nhiều công nghệ sạch có thể bảo quản thực phẩm đảm bảo độ an toàn, thân thiện, song, thực phẩm bẩn vẫn tồn tại như một thách thức. Vì đâu có nghịch lý này?
 
 
Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm 
Ảnh: Baclieu.online
 
Lo ngay ngáy
 
Trong những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm, tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản nói chung và thực phẩm nói riêng luôn là nỗi ám ảnh của cả xã hội, nhất là đối với người dân sống ở thành phố lớn. 
 
Lo lắng, bất an với bữa cơm hằng ngày, do ăn gì cũng lo thực phẩm bị tẩm hóa chất, bơm tạp chất, chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật… nhiều người tiêu dùng đã tìm cách đối phó bằng nhiều giải pháp khác nhau. Theo chị Huỳnh Thu Hà, ở phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội, trước đây gia đình chị hay mua đồ ăn, thực phẩm ở chợ gần nhà, siêu thị, nhưng khoảng ba năm trở lại đây, do lo ngại các loại thực phẩm, rau củ quả không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chị Hà thường xuyên nhờ người nhà ở quê gửi lên rồi để tủ lạnh ăn dần. "Đồ mua ở  quê biết rõ nguồn gốc nên nỗi lo về thực phẩm tẩm hóa chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật giảm đi nhiều”- chị Hà chia sẻ.
 
Với những người ít có điều kiện như chị Hà thì lại có giải pháp khác. Cũng như nhiều người, bà Nguyễn Lan Anh, ở phố Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân, Hà Nội đã tận dụng khoảng không trên sân thượng nhà mình để trồng rau sạch. Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng hiện nay vẫn đang phải "sống chung với lũ”, vẫn phải mua thực phẩm ngoài chợ bất kể có những nguy cơ về sức khỏe hay không. 
 
Theo giới chuyên gia ngành thực phẩm, hiện nay, nhiều người dân vì lợi nhuận trước mắt đã bất chấp những khuyến cáo của nhà khoa học, nhà quản lý, vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản thực phẩm một cách tràn lan, bừa bãi. Thậm chí nhiều hộ kinh doanh sử dụng một số chất bảo quản bị cấm hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
 
Tình trạng lạm dụng chất cấm trong bảo quản và chế biến thức ăn là một trong những nguyên nhân khiến cho xã hội ngày nay xuất hiện nhiều căn bệnh lạ, nguy hiểm, nan y.
Thế nhưng có một  nghịch lý là, Nhà nước và đội ngũ các nhà khoa học đã phải bỏ ra bao nhiêu công sức, tiền của để tìm ra những công nghệ, chất bảo quản thân thiện với con người như:  chế phẩm  Nisin, công nghệ bảo quản bằng màng cho trái cây… Tuy nhiên, dường như những công nghệ này đang rất xa vời với nhà sản xuất (?)
 
 
Người tiêu dùng vẫn không an tâm khi mua thực phẩm
 
Không thiếu công nghệ, nhưng…
 
PGS.TS Chu Văn Thiện, nguyên Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch lý giải: Không phải chúng ta thiếu công nghệ mà do chúng ta chưa áp dụng đồng bộ trong sản xuất nên dẫn đến hiện tượng nông sản và thực phẩm kém chất lượng vẫn khó kiểm soát. Cũng theo PGS.TS. Thiện, để giải quyết tận gốc hiện tượng này cần có giải pháp đồng bộ từ việc hình thành các cơ sở sản xuất, chế biến phân phối tập trung. Ở đó có sự kiểm soát nghiêm ngặt về thuốc, công nghệ bảo chế biến thực phẩm.
 
Nhiều chuyên gia trong ngành cũng chỉ ra rằng, sở dĩ công nghệ bảo quản đã có nhưng chưa được áp dụng vào sản xuất là do liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu tư sản xuất manh mún, thiếu tập trung đã tồn tại lâu nay và cũng là yếu tố gây nên thực trạng khó áp dụng công nghệ đồng bộ vào sản xuất chế biến.
 
Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Cty cổ phần Thực vật An Giang - một trong những doanh nghiệp đi đầu trong phát triển nông nghiệp theo kiểu quy mô công nghiệp, chia sẻ: Mỗi khâu sản xuất đều cần yếu tố kỹ thuật và khoa học do vậy nếu hệ thống không đồng đồng bộ thì một mình doanh nghiệp khó có thể thực hiện.
 
Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa, theo ông Nguyễn Viết Long, cán bộ phụ trách đào tạo và thông tin tuyên truyền Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch: Chúng ta chưa đẩy mạnh khâu đào tạo thông tin tuyên truyền để người dân nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc sản xuất hàng hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Từ đó họ hiểu về những tác dụng của công nghệ cũng như tác hại các chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, liều lượng cho phép...  Bởi vậy, giới chuyên gia cho rằng, để có nền kinh tế nông nghiêp hiệu quả, sản phẩm an toàn với sức khỏe con người,  không dừng lại ở câu chuyện thiếu công nghệ mà nguyên nhân chính là bởi, chúng ta chưa có giải pháp đồng bộ từ khâu sản xuất, chế biến, phân phối hàng hóa, tiêu thụ. Hay nói khác đi  cần phải phát triển quy mô sản xuất hàng hóa tập trung, theo chuỗi giá trị. Có như vậy chúng ta mới đảm  bảo an toàn chất lượng nông sản khi ra thị trường và tới tay mỗi người tiêu dùng.
 
 
Một số vụ thực phẩm bẩn bị phát hiện 
trong vòng 5 tháng qua
 
Sáng 9-1, Công an tỉnh Bắc Ninh đã kiểm tra, phát hiện xe ôtô chở 500kg lòng lợn và da lợn bốc mùi hôi thối. Ngày 15-1, Chi Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra đột xuất cả 3 cơ sở. Tại 1 cơ sở đã thu giữ 20.740kg măng ngâm hóa chất. 2 cơ sở còn lại, đoàn kiểm tra đã thu giữ lần lượt 5.060 kg và 17.920kg măng ngâm hóa chất. Ngày 30-1, Đội 2 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49 Công an Hà Nội) phối hợp với Công an phường Long Biên phát hiện vụ việc nầm lợn nhập lậu đang phân hủy. Cụ thể, thu giữ một thùng xốp có 80kg nầm lợn và không chứng minh được nguồn gốc, chuyên chở bằng xe máy. Tiếp tục kiểm tra tại kiốt của người này, thu giữ thêm 6 thùng xốp đựng nầm lợn. Tổng trọng lượng nầm lợn bị phát hiện là 510kg.
 
Tính từ đầu năm tới hết tháng 5, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Quảng Nam) đã bắt quả tang 11 vụ cố tình đưa nước vào trâu, bò trước khi giết mổ. Trong đó có 1 lò mổ ở xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên bị bắt quả tang giết thịt 6 con bò bị bơm nước và chuẩn bị giết thêm 9 con khác vừa bị bơm nước.
 
Theo Quyết Tiến
Đại Đoàn Kết
Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *