Tiêu Dùng 24/05/2014 09:47

Bán lẻ tiến vào thị trường nông thôn, cách nào?

Chiếm 68% trong tổng số 90 triệu dân của cả nước, người tiêu dùng tại nông thôn có thu nhập tăng đến 44% và ngày càng nhiều người đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, theo Nielsen, đa số các DN vẫn bỏ ngỏ thị trường đầy tiềm năng này do còn thiếu thông tin và các nghiên cứu kỹ lưỡng về thói quen tiêu dùng nơi đây.

Người tiêu dùng nông thôn, họ là ai?

Nielsen dự đoán tăng trưởng GDP trung bình của cả nước từ năm 2014 đến năm 2018 đạt 5.4%, xuất khẩu chạm mốc 20%,vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cũng rất hứa hẹn khi nhiều nhà sản xuất và đầu tư quốc tế bị thu hút bởi lao động chi phí thấp và thị trường nội địa lớn.

Trong khi cũng theo khảo sát niềm tin người tiêu dùng toàn cầu, quý 1/2014 của Nielsen, người tiêu dùng Việt Nam tự tin về tương lai và là một trong 20 nước lạc quan nhất thế giới. Sự lạc quan này đồng nhất ở mọi khu vực nông thôn. Kinh tế tăng trưởng ổn định, thu nhập của ngưới dân tăng lên sẽ kích thích tiêu dùng. Khi thu nhập của người tiêu dùng tăng lên, họ bắt đầu nâng cấp cuộc sống của mình và con cái, sửa sang nhà cửa, phát triển sự nghiệp và sắm sửa đồ gia dụng như tủ lạnh và máy giặt.

Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều người còn đầu tư cho tương lai của con mình trong nhiều lĩnh vực, cụ thể nhất là giáo dục. Và khi ngày càng nhiều người được tiếp cận thông tin dễ dàng thông qua các thiết bị như điện thoại di động thì sự tò mò và nhu cầu trải nghiệm những điều mới lạ càng tăng lên.

Những mặt hàng đáp ứng nhu cầu phát triển và thay đổi phong cách sống sẽ có nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt là các mặt hàng mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe và vệ sinh nhà cửa. Người tiêu dùng nông thôn hiện nay đang "khát" các sản phẩm mới - có đến77% muốn dùng thử những sản phẩm mới và 95% đánh giá cao sự đa dạng của sản phẩm.

Người tiêu dùng ở nông thôn lắng nghe và tin tưởng vào lời khuyên từ mọi người, kết quả là, quyết định của họ thường bị chi phối và ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác. Thực tế, gần ba phần tư người tiêu dùng nông thôn quan tâm đến những gì người khác nghĩ và hơn 8 trong 10 người (81%) nói rằng họ lắng nghe ý kiến và gợi ý từ người khác, cao hơn nhiều so với 46% người tiêu dùng ở thành thị. Hơn 70% người tiêu dùng ở nông thôn bị ảnh hưởng bởi gợi ý trước khi ra quyết định mua sắm.

Người mua hàng chủ yếu quan tâm tới các sản phẩm như chăm sóc gia đình và cá nhân, thức uống, gia vị và sản phẩm từ sữa ở các cửa hàng thương mại hiện đại còn thực phẩm tươi sống, gia vị thông thường và các vật dụng gia đình thì chủ yếu được mua tại kênh thương mại truyền thống.

Để tiếp cận người tiêu dùng nông thôn

Người tiêu dùng nông thôn đang là đối tượng khách hàng quan trọng của nhiều doanh nghiệp, việc hiểu được họ là ai, họ mua gì, ở đâu, mua như thế nào và nắm bắt phương pháp tiếp cận hiệu quả sẽ là chiến lược quan trọng để thành công.

Đối với nhiều người tiêu dùng nông thôn, tivi là nơi cung cấp thông tin sản phẩm đáng tin cậy, 69% cho biết họ có được thông tin về sản phẩm thông qua các kênh truyền hình.

Ngoài ra, khi tỉ lệ sử dụng internet vẫn còn tương đối thấp, đa số chỉ có những người trẻ mới sử dụng các thiết bị kỹ thuật số. Hơn một nửa số người được hỏi (59%) đã sử dụng máy vi tính thường xuyên hơn so với năm trước và 30% người từ 18 đến 24 tuổi có sử dụng internet.

Cũng theo khảo sát của Nielsen, chợ truyền thống là kênh bán lẻ được ghé thăm nhiều nhất ở nông thôn với 16 lần mua sắm tại đây/tháng, sau đó là chợ phiên (14 lần/tháng) và hàng rong (9 lần/tháng). Người tiêu dùng nông thôn ghé các cửa hàng tạp hóa trung bình 6 đến 9 lần mua sắm/tháng.

Tuy nhiên đối với siêu thị thì tỉ lệ rất thấp - chỉ 1 lần/hai tháng. Chợ truyền thống chiếm tỷ trọng cao trong tiêu dùng tại nông thôn - trung bình hàng tháng một người tiêu dùng chi khoảng 655.200 đồng tại các kênh thương mại truyền thống và chỉ 175.000 đồng (8.30 USD) cho các cửa hàng thương mại hiện đại.

Khi nắm được cách tiếp cận, doanh nghiệp cần mang đến những sản phẩm trung thực và bảo đảm bằng cách giữ vững những cam kết của thương hiệu, hãy chia sẻ ý thức cộng đồng và sự lạc quan của người tiêu dùng nơi đây.

Nên đa dạng hóa các kênh mua sắm và chiến lược phân loại sản phẩm nhằm đáp ứng tính hiếu kỳ của người tiêu dùng nông thôn, cung cấp các giá trị thực, và phát triển ngành hàng bằng cách mang đến sự đẳng cấp và phong cách sống nhất định.

Cuối cùng, doanh nghiệp phải kết nối và chăm sóc những người ủng hộ thương hiệu mình nhằm tận dụng sức mạnh của truyền miệng. Biến mỗi người bán hàng thành một đại sứ thương hiệu, khai thác sức mạnh của truyền hình cùng với quảng cáo kỹ thuật số để kết nối với nhóm người tiêu dùng trẻ, Giám đốc Nghiên cứu Người tiêu dùng của Nielsen Mai Thị Tuyết Hoa kết luận.

Theo L.Tú

Thời báo ngân hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *