Tiêu Dùng 23/12/2014 15:33

“Rượu xách tay không thể coi hàng giả”

FICA – Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam Lê Thế Bảo cho rằng, thông tin tỷ lệ rượu giả, rượu nhái đạt 40%-50% là không đúng bản chất vì rượu mua từ các cửa hàng miễn thuế, xách tay từ nước ngoài đem về không nộp, sau đó đem bán ra thị trường, đây không phải là hàng giả.

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch VATAP phát biểu tại hội thảo

Sáng nay (23/12), Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) tổ chức hội thảo cập nhập tình hình đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái trước thềm Tết Nguyên đán 2015.

Chủ tịch Hiệp hội VATAP, ông Lê Thế Bảo nhận định, nạn buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt vào thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Tại Việt Nam vấn nạn hàng giả, hàng nhái khá nghiêm trọng, theo tính toán của VATAP, trị giá hàng giả, hàng nhái, hàng buôn lậu, hàng gian lận thương mại, trốn thuế là nghiêm trọng, là vấn nạn của đất nước.

Về tình hình hàng giả, hàng nhái, nhất là mặt hàng rượu ngoại nhập - mặt hàng phổ biến trong dịp tết. Ông Bảo cho biết, trước đây có thông tin tỷ lệ rượu giả, rượu nhái đạt 40%-50% là không đúng bản chất, do những loại rượu nào Nhà nước qui định dán tem mà không có tem theo qui định đều bị liệt vào hàng giả.

Ông Bảo giải thích, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại rượu mua từ các cửa hàng miễn thuế, xách tay từ nước ngoài đem về không nộp, sau đó đem bán ra thị trường, đây không phải là hàng giả. Tuy nhiên ông Bảo cho rằng không chỉ rượu, các mặt hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế cần được giải quyết triệt để nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp chân chính.

Ông Đàm Thanh Thế, Hàm Vụ trưởng – Thư ký Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho biết  đây là vấn đề mà Chính phủ rất quan tâm và đã thành lập Ban chỉ đạo để triển khai các biện pháp ngăn chặn đẩy lùi tệ nạn này.

Ông Thế nhấn mạnh các đơn vị liên quan cần phải phối hợp chặc chẽ để triển khai đồng bộ các giải pháp, bên cạnh đó phải vận động, tuyên truyền sâu rộng để người dân không tiếp tay, bao che và mua bán các hàng gian, hàng giả để loại bỏ vấn đề này.

Theo thông tin từ tổ chức Hải quan thế giới, tổng giao dịch hàng giả trên thị trường thế giới năm 2010 (tổng giá trị hàng hóa lưu chuyển hai chiều) là 37.000 tỉ USD, trong đó có tới 2.000 tỉ USD giá trị làm giả, cứ 10 sản phẩm thì có 1 sản phẩm làm giả.

Bích Diệp

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *