Doanh nghiệp 27/03/2018 08:14

Taxi truyền thống lo Grab “nguy hiểm” hơn sau khi Uber “biến mất”

Từng là hai “tay to” trong cuộc đua giành thị phần tại Việt Nam, nay Uber chính thức “về tay” Grab dự báo sẽ gây nhiều xáo trộn thị trường.

Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho rằng Grab có thể sẽ càng nguy hiểm hơn vì giờ đây Grab đang ở vị trí thống lĩnh thị trường và gần đi đến “độc quyền”.
Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho rằng Grab có thể sẽ càng nguy hiểm hơn vì giờ đây Grab đang ở vị trí thống lĩnh thị trường và gần đi đến “độc quyền”.

Ngày 26/3, Grab chính thức thông báo việc hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á.

Phía Grab khẳng định, đây là thỏa thuận sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực. Theo đó, Grab sẽ tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Cùng ngày, lái xe cũng như người dùng Uber cũng nhận được thông báo về việc sẽ “xoá sổ” phần mềm từ hãng này. Uber cho biết sẽ chính thức chuyển đổi các dịch vụ của mình sang nền tảng công nghệ của Grab từ ngày 4/8/2018.

Từng là hai “tay to” trong cuộc đua giành thị phần tại Việt Nam, nay Uber chính thức “về tay” Grab dự báo sẽ gây nhiều xáo trộn thị trường.

Phía Grab cũng khẳng định với thương vụ mua lại Uber, Grab sẽ tiếp tục củng cố vị trí hàng đầu của mình với vai trò là nền tảng hiệu quả nhất khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp taxi truyền thống lại lo vị thế gần như “độc quyền” của Grab trong lĩnh vực vận tải hành khách khách bằng ứng dụng công nghệ.

Nói với Dân trí, ông Trương Đình Quý, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) cho rằng có thể sẽ càng nguy hiểm hơn vì giờ đây Grab đang ở vị trí thống lĩnh thị trường và gần đi đến “độc quyền”.

Bên cạnh đó theo ông Quý, Grab còn có tiềm lực tài chính mạnh khiến họ có thể sử dụng chiến lược giá huỷ diệt, rất nguy hiểm với doanh nghiệp Việt Nam. “Lúc đó chúng ta mất hẳn đi các doanh nghiệp mà lẽ ra họ có thể được đầu tư xây dựng một cách tốt đẹp”, ông Quý nói.

Vị này cũng cho rằng, thời gian qua, doanh nghiệp vận tải khó khăn là vì điều kiện kinh doanh bất bình đẳng. Khi được cởi trói khỏi những điều kiện này thì doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn. “Tôi nghĩ không một doanh nghiệp Việt Nam nào đòi hỏi sự bảo hộ, họ chỉ cần được cạnh tranh công bằng thôi”, Phó Tổng giám đốc Vinasun nhấn mạnh.

Liệu có hết thời đi “xe ngon giá rẻ”?

Dù làm cơ quan quản lý “đau đầu” và không khiến hãng taxi truyền thống lao đao, song không thể phủ nhận Uber và Grab đã mang lại những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn đối với người dùng.

Khi tếp nhận thông tin "sáp nhập", không ít người dùng tại Việt Nam bày tỏ lo lắng sẽ hết thời được đi “xe ngon giá rẻ”. Rõ ràng lo lắng này là có cơ sở bởi việc cạnh tranh giảm đi, Grab cũng sẽ bớt lý do gì để tung chiêu khuyến mại “mạnh tay”.

Trên website chính thức thông tin về giá cước khi Uber gia nhập Grab, Grab cho biết, giá chuyến đi của GrabCar và GrabBike vẫn dựa theo hành trình di chuyển. Mặc dù vậy, một số người dùng vẫn “tiếc nuối” Uber vì cho rằng nhiều thời điểm, Uber “rẻ” hơn Grab…

"Xuất hiện của Uber, Grab vừa qua đã có tác động rất lớn thúc đẩy cạnh tranh, đổi mới dịch vụ ngành vận tải taxi và là một phần tiền đề cho các cải cách về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này. Hy vọng rằng sự thâu tóm, độc quyền về một ông lớn không làm giảm sức ép cạnh tranh, đảm bảo được quyền lợi cho người tiêu dùng. Nếu không, đó lại là một tín hiệu xấu từ doanh nghiệp”, một chuyên gia nhận xét khi Uber "về chung nhà" với Grab.

Nguyễn Khánh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *