Doanh nghiệp 10/02/2023 10:20

Sudico thiếu vốn để thực hiện tham vọng triển khai đồng loạt dự án

Sudico sở hữu quỹ đất lớn, nhưng do tiềm lực tài chính hạn chế, pháp lý chưa hoàn thiện, dẫn tới dự án chậm triển khai kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn thấp trong nhiều năm và không có đủ tiền trả cổ tức cho cổ đông.

Trong năm 2023, CTCP Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã: SJS) dự kiến đẩy mạnh triển khai hàng loạt  dự án. Trong đó, Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh sẽ đầu tư thêm 813 tỷ đồng; Dự án Khu nhà ở Văn La đầu tư thêm 410 tỷ đồng; Dự án Khu phức hợp Sudico - Đà Nẵng dự kiến đầu tư thêm 289 tỷ đồng; Dự án Khu dân cư Thịnh Lang dự kiến đầu tư 363 tỷ đồng… Tổng số tiền dự kiến đầu tư thêm vào dự án hiện hữu, đồng thời phát triển dự án mới là 2.786 tỷ đồng.

Được biết, tính tới ngày 30/9/2022, Sudico chỉ sở hữu 141,52 tỷ đồng gồm tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 2,1% tổng tài sản và thấp hơn nhiều so với nhu cầu sử dụng vốn để đầu tư trong năm 2023.

Thêm nữa, tới hạn thanh toán cổ tức ngày 30/12/2022, Sudico thông báo tiếp tục kéo dài thời gian thanh toán cổ tức 10% năm 2016 lần thứ 8, từ ngày 30/12/2022 sang 30/6/2023, đồng thời cũng kéo dài thời gian trả cổ tức 10% năm 2017 lần thứ 4, từ ngày 30/12/2022 sang 30/6/2023.

Sudico cho biết, trong trường hợp thu xếp được nguồn tiền đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, Công ty sẽ thực hiện thanh toán cổ tức bằng tiền năm 2016 và năm 2017 cho cổ đông sớm hơn thời gian dự kiến.

Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua, gần tới ngày chia cổ tức năm 2016 và năm 2017, Sudico lại kéo dài thời gian và khất lần với cổ đông với lý do chưa thu xếp được nguồn tiền.

(Ảnh minh họa).

Có thể thấy, lượng tiền mặt hạn chế, nhu cầu sử dụng vốn lớn để triển khai đồng loạt dự án, đòi hỏi Sudico phải huy động thêm nguồn vốn bên ngoài để có thể có nguồn tiền triển khai đồng bộ các dự án.

Ngày 27/4/2022, Tổng công ty Sông Đà đã thoái toàn bộ 36,3% vốn điều lệ tại Sudico, đồng thời Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Đầu tư An Phát mua vào toàn bộ cổ phần nhà nước thoái, nâng sở hữu lên 36,3% vốn điều lệ, trở thành cổ đông lớn nhất tại Sudico.

Tính tới ngày 30/9/2022, cơ cấu cổ đông của Sudico chỉ có 1 cổ đông lớn là Công ty An Phát, còn lại 63,7% thuộc về nhóm cổ đông nhỏ sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.

Theo tìm hiểu, Công ty An Phát là một doanh nghiệp thành lập năm 2016, có trụ sở tại tầng 3, Tòa nhà Lotus, số 2 - Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội). Chủ tịch HĐQT của An Phát là ông Phạm Thành Huy (sinh năm 1977) hiện đang là người đại diện theo pháp luật của CTCP Mặt trời Sông Hồng - doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại TP. Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).

CTCP Mặt trời Sông Hồng là chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Sông Hồng tại xã Mê Linh - xã Tiền Phong (huyện Mê Linh, TP. Hà Nội). Nhiều tài sản liên quan đến dự án này được dùng làm tài sản đảm bảo tại Ngân hàng Việt Á - ngân hàng hiện cũng là chủ nợ chính của Sudico.

Trước đó, hết năm tài chính 2022, Sudico bất ngờ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu giảm 618 tỷ đồng, tương ứng giảm 52,3%, về 563 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 119 tỷ đồng, tương ứng giảm 45,1%, về 145 tỷ đồng.

Sudico từng được biết đến là một công ty bất động sản sở hữu quỹ đất lớn, thành danh nhờ dự án Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì quy mô 36 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng, một trong những dự án lớn nhất Hà Nội những năm đầu thập niên 2000.

Sau thành công của Dự án Đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì, Sudico liên tiếp đầu tư nhiều dự án đô thị, dân cư và du lịch sinh thái lớn khắp cả nước như Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh và phần mở rộng (tổng diện tích 280 ha), Dự án Khu nhà ở Văn La - Văn Khê (12 ha), Dự án Khách sạn Sông Đà - Hạ Long; Dự án Khu dân cư Long Tân - Nhơn Trạch - Đồng Nai (65 ha); Các dự án đang trong quá trình đầu tư như dự án Khu đô thị mới Tiến Xuân (1.115 ha), dự án Hòa Hải - Đà Nẵng (12 ha), dự án Khu du lịch sinh thái Sông Đà Ngọc Vừng (39 ha)…

Năm 2017, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn của Sudico là 2.050,4 tỷ đồng. Trong đó, Dự án Khu đô thị mới Hòa Hải - Đà Nẵng là 1.108,5 tỷ đồng; Dự án Văn La - Văn Khê 482,5 tỷ đồng; Dự án Tiến Xuân 147,3 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị Nam An Khánh mở rộng 100,7 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị Vĩnh Thanh - Nhơn Trạch (Đồng Nai) 84,7 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị Thịnh Lang – Hoà Bình 7,5 tỷ đồng; dự án Mở rộng phía Đông Nam Khu dân cư Bắc đường Trần Hưng Đạo 119,1 tỷ đồng và Dự án Bắc Châu Giang, Phủ Lý, Hà Nam 21,3 tỷ đồng.

Gần 5 năm sau, tính tới ngày 30/9/2022, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của Sudico là 2.248,7 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu Dự án Hòa Hải - Đà Nẵng 1.230,8 tỷ đồng; Dự án Văn La - Văn Khê 538,9 tỷ đồng; Dự án Tiến Xuân 156,3 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị Nam An Khánh mở rộng 109 tỷ đồng; dự án Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì 177,2 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị Thịnh Lang - Hòa Bình 36,5 tỷ đồng; Dự án Bắc Châu Giang, Phủ Lý, Hà Nam 21,3 tỷ đồng.

Có thể thấy, không ít dự án trong nhiều năm vẫn chưa có dấu hiệu đẩy mạnh triển khai.

Theo Duy Bắc 

Đầu Tư 

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *