Doanh nghiệp 13/04/2015 08:09

Soi Dự án WB3 có dấu hiệu nhúng chàm

Louis Berger (Mỹ) là nhà thầu tư vấn cho Dự án WB3 bị Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là có dấu hiệu tham nhũng.

“Chết đuối” nơi đọi đèn

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư vào giữa tuần này, một lãnh đạo Thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết, hiện Bộ đã nhận được thông tin chính thức về vụ Công ty tư vấn Louis Berger bị WB cấm đấu thầu các dự án sử dụng vốn WB trong thời gian 1 năm. Tuy nhiên, ông này từ chối cung cấp thêm bất kỳ thông tin về vụ việc này.

Soi Dự án WB3 có dấu hiệu nhúng chàm
Dự án WB3 được triển khai tại 33 tỉnh miền Bắc và miền Trung

Trước đó, vào đầu tháng 2/2015, WB đã phát thông cáo nêu rõ, Louis Berger và công ty mẹ - Berger Group Holdings, Inc bị cấm tham gia đấu thầu 1 năm do có hành vi hối lộ các quan chức tại hai công trình sử dụng vốn vay của WB tại Việt Nam là Dự án WB3 và Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng.

Ông Lê Xuân Sinh, Phó chánh thanh tra Bộ Xây dựng, người từng giữa chức vụ Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 6, Bộ GTVT – đơn vị trực tiếp quản lý Dự án WB3 cho biết, việc Louis Berger bị WB trừng phạt là khá bất ngờ, bởi việc lựa chọn các nhà thầu tư vấn lớn như Louis Berger đều phải qua quá trình thẩm định gắt gao của chính WB. Theo thông lệ, chỉ khi có thư không phản đối của WB, chủ đầu tư mới bắt đầu ký hợp đồng chính thức với nhà thầu.

“Việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn cho Dự án WB3 đã thực hiện xong, trước khi tôi làm tổng giám đốc. Trong quá trình thực hiện, tôi không phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào từ Louis Berger”, ông Sinh khẳng định.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Louis Berger được chọn là nhà thầu tư vấn chính tại Dự án WB3. Đây là dự án sử dụng vốn vay của WB và vốn viện trợ không hoàn lại của Bộ Phát triển Vương quốc Anh (DFID).

Dự án có tổng mức đầu tư là 167,51 triệu USD, trong đó, vốn vay của WB là 100 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của DFID là 25 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam là 42,65 triệu USD. Mục tiêu của Dự án là nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn tại 33 tỉnh phía Bắc và miền Trung với thời gian thực hiện là 5 năm (2007 – 2011). Tuy nhiên, do thời gian thi công kéo dài, nên phải đến hết năm 2013, Dự án mới chính thức được hoàn thành, bao gồm thời gian thực hiện theo hiệp định gốc và hiệp định bổ sung.

Tại phần hiệp định gốc Dự án WB3, Louis Berger đóng vai trò tư vấn cố vấn, được tuyển chọn qua hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế theo phương thức dựa vào chất lượng và chi phí (QCBS).

Tổng giá trị hợp đồng mà Louis Berger ký với Ban Quản lý dự án 6 là 3,705 triệu USD (53,5 tỷ đồng) trong thời gian 2008 - 2012. Giá trúng thầu này thấp hơn khoảng 1 triệu USD so với giá gói thầu được phê duyệt. Trên thực tế, cho đến khi thanh lý hợp đồng, Louis Berger cũng chỉ được thanh toán khoảng 2,5 triệu USD. Ngoài giá trị hợp đồng này là khá nhỏ; tính chất công việc tư vấn tại Dự án là đơn giản (giám sát việc xây dựng các tuyến đường cấp thấp) so với những hợp đồng tư vấn “khủng” mà Louis Berger từng nhận được khắp nơi trên thế giới.  “Đối với nhà thầu tư vấn, hành vi này coi như xóa sạch uy tín tích cóp được qua nhiều năm qua”, một chuyên gia cho biết.

Những “hạt sạn” tại Dự án WB3

Cần phải nói thêm rằng, Louis Berger không phải là nhà thầu duy nhất bị WB, hoặc Bộ GTVT xử phạt do có những hành vi không được phép (chủ yếu là hành vi thông thầu) trong quá trình triển khai Dự án WB3.

Cụ thể, trong quá trình thực hiện hợp đồng gốc đã có 39 nhà thầu tại 7 tỉnh bị phạt 20 triệu đồng, bị cấm tham gia đấu thầu 1 - 3 năm các dự án sử dụng vốn WB và 1 năm các dự án do Bộ GTVT quản lý. Trong giai đoạn hiệp định bổ sung có thêm 26 nhà thầu nữa bị cấm tham gia đấu thầu các dự án WB trong thời hạn 1 năm.

“Đây là các nhà thầu dân doanh nhỏ, hiểu biết về pháp lý, điều kiện đấu thầu còn hạn chế. Riêng Louis Berger với tư cách là nhà thầu tư vấn nổi tiếng thế giới bị phạt là trường hợp rất đặc biệt”, một chuyên gia giao thông đánh giá

Được biết, Dự án WB3 cũng vừa được Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán sau khi dự án này kết thúc vào giữa năm 2014.

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, Dự án đã cơ bản bám sát các mục tiêu đề ra. Cụ thể, sau 6 năm thực hiện tại 13 tỉnh được kiểm toán, đã có 1.269 km đường giao thông nông thôn được cải tạo nâng cấp, 9.414 km đường được bảo trì. Dự án đã hỗ trợ các tỉnh mở nhiều khóa đào tạo, tập huấn cho 4.255 lượt cán bộ trong việc lập kế hoạch, ngân sách, bảo dưỡng đường giao thông nông thôn…

Mặc dù vậy, theo Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành, vẫn còn không ít những sai sót đáng tiếc ở một số khâu quan trọng, ít nhiều làm giảm hiệu quả đầu tư của Dự án. Trong đó, sai sót tập trung nhiều nhất tại khâu chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ trong quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Để xử lý các sai sót nói trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý về tài chính 6,82 tỷ đồng, gồm giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 6,38 tỷ đồng, thu hồi về ngân sách nhà nước 0,44 tỷ đồng. Kiểm toán cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án 6, một số ban quản lý dự án địa phương tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai sót trong việc tổ chức, quản lý, thực hiện Dự án.

Theo Anh Minh

Báo Đầu tư

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *