Doanh nghiệp 09/05/2015 14:26

Quyền lực của SCIC tại Vinamilk?

Trong những ngày gần đây, sức nóng tại Đại hội cổ đông Vinamilk đã làm tốn giấy mực của giới truyền thông. Rất nhiều câu hỏi của nhà đầu tư, chuyên gia xung quanh quyền lực của SCIC đến đâu tại DN đã cổ phần?

Tại đại hội, cổ đông đã thông qua việc phát hành và niêm yết 200 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, cổ đông không nhất trí biểu quyết thông qua việc chia tách hai chức danh Tổng Giám đốc và Chủ tịch HĐQT và kiến nghị của SCIC bao gồm bầu thêm thành viên độc lập vào HĐQT, trưởng ban kiểm soát phải làm việc chuyên trách tại Cty, sửa đổi toàn bộ điều lệ Cty...

Lo ngại của cổ đông

Sở dĩ có điều này, bởi theo báo cáo tại đại hội cổ đông, bà Mai Kiều Liên sẽ không đại diện vốn của SCIC mà chỉ đại diện cho nhóm cổ đông, vì theo quy định đã tới tuổi nghỉ hưu. Rất nhiều cổ đông tỏ ra lo ngại, nếu chỉ đại diện cho cổ đông, cùng với việc tách hai chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc, thì bà Liên sẽ không còn là Chủ tịch HĐQT. Và khi bà Liên không còn đại diện cho phần vốn nhà nước, SCIC sẽ cử người khác thay thế.

Theo lý giải của ông Ngô Đức Đoàn - Tổng Giám đốc Cty Kiểm toán AASC - Bộ Tài chính, thì hiệu quả kinh doanh của một DN phụ thuộc không nhỏ vào ban lãnh đạo. Các cổ đông nhìn thấy dưới sự lãnh đạo của Ban tổng giám đốc, mà điều hanh trực tiếp là bà Liên đã phát triển nhanh, bền vững trong suốt thời gian qua. Năm 2014, lợi nhuận sau thuế của Vinamilk 6.068 tỉ đồng, cao nhất trong các DN sữa của VN. Quí 1/2015, lợi nhuận sau thuế 1.884 tỷ đồng tăng 10%, vượt qua cả lợi nhuận của những ngân hàng lớn của VN… Đây chính là những lý do vì sao cổ đông mong muốn Ban Giám đốc hiện tại tiếp tục chèo lái con thuyền Vinamilk.

Những đề xuất của SCIC có trái luật?

Nhìn vào cơ cấu cổ đông, chúng ta thấy SCIC, đơn vị quản lý vốn Nhà nước, hiện đang sở hữu 45,05% vốn tại Vinamilk.  Với vị trí này, SCIC đã hưởng lợi không ít từ Vinamilk trong nhiều năm qua. Cổ tức bằng tiền mà SCIC nhận được từ Vinamilk chiếm tỷ lệ cao trong lợi nhuận ròng hàng năm. Theo báo cáo tài chính của Vinamilk, năm 2014 số tiền mà Cty trả cổ tức cho SCIC là 1.502 tỷ đồng, tương ứng 30% tổng lợi nhuận của SCIC năm 2014.

Dư luận đã không ít lần lên tiếng về việc thoái bớt vốn Nhà nước tại Vinamilk, lấy tiền đó đầu tư cho y tế, giáo dục hay cơ sở hạ tầng bởi sữa không phải là lĩnh vực Nhà nước cần nắm quyền kiểm soát chi phối.

Trở lại việc SCIC đề xuất bao gồm bầu thêm một thành viên vào HĐQT, Trưởng ban kiểm soát phải làm việc chuyên trách tại Cty, sửa đổi Điều lệ Cty… Theo luật sư Nguyễn Văn Hải - Giám đốc Cty luật Ánh Dương, SCIC đã vi phạm qui định về quản trị của DN, bởi theo qui định mới của Luật DN được thông qua, đó là cổ đông phải đại diện cho ít nhất 51% vốn mới được đề xuất và biểu quyết thông qua việc sửa đổi điều lệ hay bầu nhân sự vào HĐQT của Cty.

Theo báo cáo tài chính của Vinamilk, năm 2014 số tiền mà Cty trả cổ tức cho SCIC là 1.502 tỷ đồng, tương ứng 30% tổng lợi nhuận của SCIC năm 2014.

Luật DN sửa đổi cũng qui định việc bầu một thành viên vào HĐQT của Cty cổ phần, cổ đông ít nhất phải nắm giữ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết. Điều lệ Cty, thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát phải  do đại hội cổ đông bầu ra, việc bãi miễn họ (nếu chưa hết nhiệm kỳ) cũng phải do đại hội cổ đông  thực hiện. 

Được biết, SCIC đã mời đại diện một số tổ chức nước ngoài đang sở hữu tỷ lệ lớn cổ phiếu Vinamilk ra Hà Nội họp nhằm tranh thủ sự ủng hộ của họ. SCIC muốn tranh thủ khối ngoại là các DN lớn hiện sở hữu tới 49% cổ phần. Và nếu khối ngoại kết hợp với SCIC thì tỷ lệ vốn của cả hai cộng lại chiếm tới 90%. Tuy nhiên, khối ngọai dường như không có phản ứng gì với những đề xuất của SCIC.

Làm gì để hài hòa được quyền lợi của các cổ đông, tiếp tục tận dụng được nguồn lực tại Vinamilk để đóng góp cho ngân sách và góp phần bình ổn thị trường sữa… là những câu hỏi đặt lên bàn trước các cổ đông lớn của Vinamilk mà đại diện phần vốn Nhà nước là SCIC.

Theo các chuyên gia nếu không hài hòa được mối quan hệ này, quản lý vốn Nhà nước của SCIC sẽ gặp không ít khó khăn thách thức. Đơn cử, trước đây, SCIC và Cty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) đã không có tiếng nói chung. AGPPS muốn phát triển mảng lúa gạo để tạo thành chuỗi giá trị khép kín, hỗ trợ cho việc thúc đẩy phân phối thuốc bảo vệ thực vật thông qua mô hình cánh đồng mẫu lớn. SCIC lại không ủng hộ mà còn vận động các cổ đông khác phản đối chiến lược này của AGPPS.

 

Vì “cơm không lành canh không ngọt” AGPPS đã kiến nghị lên cơ quan quản lý và xin chuyển vốn Nhà nước từ SCIC về UBND tỉnh An Giang. Thế là “xôi hỏng bỏng không”, bài học nhãn tiền còn đó, chả lẽ SCIC chưa cảnh tỉnh? Nên chăng SCIC cần làm đúng chức năng của mình, đó là tập trung vào mục tiêu thoái vốn khỏi các DN làm ăn không hiệu quả, thu hồi vốn cho Nhà nước... thay vì “thọc” sâu vào quản trị DN kinh doanh có hiệu quả.

 
 
 
Theo Hà Phương
Diễn đàn doanh nghiệp
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *