Doanh nghiệp 10/01/2018 08:34

Phó Thủ tướng “truy” các bộ chậm cải cách thủ tục “hành”... doanh nghiệp!

“Có những Bộ ban hành 50% danh mục để kiểm tra chuyên ngành nhưng lại không có tiêu chuẩn, quy chuẩn nên muốn làm gì thì làm, kiểm tra thế nào cũng được. Đây là bày ra thủ tục để “hành” doanh nghiệp chứ đâu phải vì lợi ích quốc gia. Không phải chỉ là tháo gỡ khó khăn mà còn phải tạo thuận lợi thương mại” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Sáng nay (9/1), tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ hai của Ủy ban chỉ đạo Quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại.

“Truy” trách nhiệm lãnh đạo!

Tại phiên họp, bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính - đưa ra thông tin đến hết năm 2017 các bộ ngành mới hoàn thành 18/22 thủ tục, trong đó mới chỉ đưa vào triển khai 8 thủ tục. Các thủ tục còn lại phải đến hết quý I/2018 mới chính thực được thực hiện trên cơ chế một cửa quốc gia; chưa hoàn thành xây dựng quy trình cho 108 thủ tục còn lại đã đăng ký trong năm 2017.

Đối với công tác kiểm tra chuyên ngành, bà Mai cho biết, tiến độ triển khai sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu còn rất chậm. Hiện còn tồn tại 13/87 văn bản (chiếm 15%) chưa hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung. Một số văn bản hiện nay bất cập, một số sửa đổi, bổ sung nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá kết quả còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu cắt giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Trên 130 thủ tục dự kiến làm trong năm 2017 nhưng tới quý I/2018 mới chỉ có 25 thủ tục hoàn thành, mới đạt 19%, tức là mới làm được 1 phần việc, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi “độ trễ” này do đâu?

“Trong chỉ đạo điều hành, có bao nhiêu Bộ chưa hoàn thành công việc? Là Bộ nào phải nói rõ để truy trách nhiệm Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ đó sẽ truy trách nhiệm của bộ phận, cán bộ phụ trách phần việc này. Lãnh đạo Bộ phải vào cuộc, Bộ trưởng phải vào cuộc chứ không thể giao cho Thứ trưởng rồi Thứ trưởng lại giao cho ông phụ trách cải cách hành chính” - Phó Thủ tướng gay gắt.

Ngay tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ “truy” lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) về sự chậm trễ và yêu cầu báo cáo, nhưng cán bộ Bộ này cho biết Thứ trưởng phụ trách có việc bận nên không có mặt. Phó Thủ tướng nhắc nhở: “Đây là việc quan trọng liên quan đến Bộ NN&PTNT mà lãnh đạo không đi họp thì tiếp thu gì? Việc gì bận hơn việc này?”.

Bày thủ tục để “hành” doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - cho biết, hiện đang có tình trạng 50% danh mục kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy chuẩn, tiêu chuẩn. Việc này gây khó khăn cho doanh nghiệp và kéo dài thời gian thông quan, đơn cử như Bộ Công Thương, Y tế, NN&PTNT.

Bị nhắc tên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ này đã rất nỗ lực trong công cải cách thủ tục về cơ chế một cửa. Theo ông Khánh, kiểm tra chuyên ngành không phải là lí do kéo dài thời gian thông quan, rất hiếm áp dụng cho xuất khẩu nên thông tin Tổng cục Hải quan đưa ra chưa xác đáng.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng, có một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp không tìm hiểu các quy định thủ tục nên đi đâu cũng kêu khó, đồng thời bác bỏ việc 50% danh mục kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương nhưng không có tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Đối chất với lãnh đạo Bộ Công Thương về việc này, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tái khẳng định, từ 2016 có 50% danh mục kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương nhưng không có quy chuẩn, tiêu chuẩn. Năm 2017, Tổng cục Hải quan đã báo cáo việc này và Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương nhưng đến nay vẫn không thấy có thông tin.

Cuộc họp của Ủy ban chỉ đạo Quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, sáng 9/1.
Cuộc họp của Ủy ban chỉ đạo Quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, sáng 9/1.

Trước tình hình nói trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, số lượng lô hàng kiểm tra chuyên ngành, đến nay vẫn kiểm tra khoảng 30-35%, trong khi mục tiêu kéo xuống còn 15%. Trong 12 Bộ thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa thì thủ tục ở Bộ Công Thương, NN&PTNT và Y tế là nhiều nhất, chậm nhất và các doanh nghiệp cũng “kêu ca” ở 3 Bộ này nhiều nhất.

“Nghịch lý là số lượng lô hàng kiểm tra chuyên ngành rất lớn nhưng hiệu lực kiểm tra chuyên ngành rất kém (chỉ 0,14%), mục tiêu để ngăn chặn gian lận thương mại không thấy đâu, một số việc bỏ sót, một số việc khác thì Bộ nào cũng nhúng tay vào rất chồng chéo. Có những mặt hàng 3 Bộ cùng kiểm tra, sinh ra bao nhiêu thủ tục” - Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, các hạn chế đã và đang gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, tạo thêm gánh nặng về chi phí, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Một số trường hợp thậm chí còn làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Các bộ chỉ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, còn việc kiểm tra thì cho các thành phần kinh tế làm hoặc theo hình thức PPP, các bộ không thể cứ “níu giữ” lợi ích của mình!

“Ban hành 50% danh mục để kiểm tra chuyên ngành nhưng lại không có tiêu chuẩn, quy chuẩn, nên muốn làm gì thì làm, kiểm tra thế nào cũng được. Đây là bày ra thủ tục để “hành” doanh nghiệp chứ đâu phải vì lợi ích quốc gia.” - Phó Thủ tướng cho hay.

Phó Thủ tướng yêu cầu, năm 2018 phải chấm dứt việc có kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định để kiểm tra, chấm dứt việc một mặt hàng phải chịu sự quản lý và kiểm tra của nhiều bộ ngành khách nhau. 12 bộ phải có sự rà soát cụ thể và loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành trong bộ mình, ngành mình quản lý và báo cáo chậm nhất là trong quý II/2018.

Lãnh đạo Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh “không phải chỉ là tháo gỡ khó khăn mà còn phải tạo thuận lợi thương mại”, tạo môi trường cạnh tranh, minh bạch để nhiều tổ chức được tham gia hoạt động, xóa bỏ vị thế độc quyền của một số tổ chức được các bộ quản lý chuyên ngành chỉ định như hiện nay. Áp dụng thông lệ quốc tế, đơn giản thủ tục hành chính, chuyển mạnh sang hậu kiểm, công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra chuyên ngành...

Châu Như Quỳnh

 
 
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *