Doanh nghiệp 13/05/2019 22:38

Phải chấm dứt kiểm tra chuyên ngành kiểu cho có, hành doanh nghiệp trong năm nay

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị Giám sát các giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu được tổ chức tại Hà Nội hôm nay 13/5.

Phải chấm dứt kiểm tra chuyên ngành kiểu cho có, hành doanh nghiệp trong năm nay  - 1

Phó Thủ tướng yêu cầu năm nay phải chấm dứt kiểm tra chuyên ngành kiểu cho có, hành doanh nghiệp.

Tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao hoạt động của ngành hải quan trong thời gian qua, nhất là ứng dụng điện tử hóa thông quan. Tuy nhiên, hiện thủ tục hải quan vẫn còn nặng nề, liên quan nhiều bộ, ngành, chưa giải phóng được hàng, khiến thông quan nhanh nhưng hàng giao chậm.

Lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, khâu nào tư nhân có thể làm được thì để tư nhân đảm nhiệm, đảm bảo độc lập, khách quan.

Phó Thủ tướng cho biết, hiện có bộ chưa bỏ được chức năng "vừa đá bóng, thổi còi" (vừa ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm tra), phối hợp hạn chế; cổng thông tin một cửa quốc gia bị nghẽn, quán tải, cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu, chi phí không chính thức còn rất cao... Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ các ngành tiếp tục rà soát các khuôn khổ pháp lý.

"Doanh nghiệp phản ánh những chuyện rất nhỏ, nhỏ với các đồng chí nhưng với doanh nghiệp là chuyện lớn lắm. Một doanh nghiệp đã lớn, cộng lại nhiều doanh nghiệp còn lớn hơn. Vì vậy, các bộ ngành cần tiếp tục rà soát, đơn giản, cắt giảm các quy trình thủ tục kiểm tra chuyên ngành không cần thiết'', Phó Thủ tướng nêu rõ.

Tại Hội nghị, đại diện của Tổng cục Hải quan hiện nay, số lượng thủ tục hành chính triển khai mới chưa đáp ứng mục tiêu đề ra theo kế hoạch.

Việc triển khai một số nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng còn chậm. Tiến độ phát triển, nâng cấp hạ tầng mạng, thiết bị không theo kịp tốc độ triển khai các thủ tục nên dẫn đến một số thời điểm hệ thống quá tải vì năng lực không đáp ứng kịp với lượng giao dịch phát sinh trên hệ thống.

Chưa kể, mô hình cơ chế một cửa quốc gia đang nửa tập trung, nửa phân tán. Số thủ tục được các bộ, ngành thao tác trực tiếp trên cổng thông tin một cửa quốc gia chiếm tỷ lệ thấp 10,9%. 89,1% thủ tục còn lại chỉ tiếp nhận thông tin và trả kết quả qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, các thao tác nghiệp vụ được thực hiện tại hệ thống chuyên ngành, khả năng hỗ trợ DN còn yếu, chưa kịp thời do số lượng cán bộ nghiệp vụ thiếu.

Đại diện Bộ Công Thương thừa nhận, khái niệm hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành và hoạt động kiểm tra chuyên ngành trong các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa thống nhất dẫn đến việc các cơ quan, tổ chức đưa ra những số liệu thống kê trong các báo cáo khác nhau và không tách biệt giữa hàng hóa là đối tượng kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa là đối tượng quản lý chuyên ngành (số lượng mặt hàng gắn mã HS là đối tượng quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương lớn hơn rất nhiều so với mặt hàng là đối tượng kiểm tra chuyên ngành).

Đại diện một DN Nhật Bản chia sẻ, nhiều khó khăn liên quan tới thủ tục hành chính. Cụ thể liên quan tới điều 44, khoản 4, của Nghị định 69/2018 về nội dung quy định việc tiêu huỷ các phế liệu, phế thải, phế phẩm nếu có chỉ được phép thực hiện sau khi có văn bản cho phép của Sở TN&MT, phải được sự giám sát của cơ quan hải quan. Trong trường hợp không được phép tiêu huỷ ở Việt Nam thì phải được tái xuất.

"Với DN có chất thải nguy hại, khi DN hoạt động đã đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại, ký kết với DN thu gom đủ điều kiện cấp phép của Sở TN&MT. Thế nhưng cuối năm khi phát sinh chất thải nguy hại, cơ quan hải quan lại yêu cầu DN phải xin phép tới Sở TN&MT, mặc dù bên thu gom có giấy phép rồi".

Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: Thời gian tới, các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục phải cải cách, rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định với mục tiêu đơn giản, cắt giảm, công bố công khai rõ ràng cái quy chuẩn, danh mục mã HS. Các bộ cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa

Đối với những việc liên quan tới Bộ Tài chính, bà Mai khẳng định: Tổng cục Hải quan là trung tâm kết nối các bộ ngành, quy trình nghiệp vụ thống nhất các bộ ngành nên nhiều việc phải làm.

"Về công nghệ, đúng phản ánh của DN, có những hạn chế nhất định. Chúng tôi sẽ xây dựng đề án tổng thể cải cách công nghệ thông tin theo hướng tập trung, trực tiếp, khắc phục tình trạng lỗi, chậm", bà Mai nhấn mạnh.

An Linh

Phải chấm dứt kiểm tra chuyên ngành kiểu cho có, hành doanh nghiệp trong năm nay  - 2

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *