Nguyên Liệu 03/11/2014 07:23

Vũ khí giá rẻ của gạo Việt: 'Thất thủ' trước Myanmar?

Gạo Việt Nam mất lợi thế giá rẻ khi Myanmar cũng chọn vũ khí này. Không những thế, họ còn tấn công các thị trường gạo cấp cao.

Myanmar mới là đối thủ đáng gờm

 

Cùng một loại gạo nhưng giá gạo Việt Nam đang thấp hơn của Campuchia 30-50 USD/tấn. Đối thủ mới của gạo Việt Nam trên thị trường xuất khẩu 10 năm trước chỉ đủ sức trồng lúa để ăn, nhưng trong 3-4 năm tham gia xuất khẩu gạo, nước này đã có hệ thống khách hàng ở 34 quốc gia từ Á sang Âu.

 

Dù vậy, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển Nông thôn, Đại học Cần Thơ, Myanmar - quốc gia đang nổi lên như một hiện tượng về xuất khẩu gạo, mới là đối thủ đáng gờm nhất của gạo Việt Nam.

 

Thế mạnh của Myanmar chính là diện tích đất nông nghiệp rộng lớn (hơn 18 triệu ha -PV), trong đó diện tích đất trồng lúa khoảng 7 triệu ha, gấp 1,75 lần so với diện tích đất lúa của Việt Nam.

 

Theo ước tính của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), sản lượng lúa năm 2014 của Myanmar đạt 29,5 triệu tấn (khoảng 18,9 triệu tấn gạo), tăng 2,5% so với 28,77 triệu tấn năm 2013. Còn Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng lúa niên vụ 2013-2014 (tháng 1-12/2014) đạt 18,68 triệu tấn (khoảng 11,96 triệu tấn gạo) và xuất khẩu gạo đạt 1,3 triệu tấn.

 

Ngoài ra, chi phí nhân công của Myanmar rẻ hơn Việt nam nên giá thành sản xuất lúa gạo của nước này cũng cạnh tranh so với Việt Nam.

Gạo Việt Nam mất đi lợi thế giá rẻ khi cạnh tranh với Myanmar
Gạo Việt Nam mất đi lợi thế giá rẻ khi cạnh tranh với Myanmar

 

"Bởi những lợi thế này nên khi tham gia xuất khẩu gạo, Myanmar sử dụng vũ khí giá rẻ, vốn là lợi thế của gạo Việt Nam. Hiện Myanmar có sự tăng trưởng mạnh về sản lượng gạo xuất khẩu và mức giá hầu như thấp nhất thế giới.

 

Các thị trường truyền thống của gạo Việt Nam đang bị thu hẹp dần bởi Myanmar mà Việt Nam không thể chạy đua để giảm giá tiếp vì giá gạo Việt Nam không thể thấp hơn được nữa. Với mức giá hiện nay, nông dân Việt đã chẳng lời lãi được bao nhiêu", PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ cho biết.

Không chỉ dùng vũ khí giá rẻ để tấn công thị trường gạo thông thường, Myanmar còn đang chen chân vào những thị trường xuất khẩu gạo cao cấp như Nhật Bản, EU, Singapore... Ông Đệ cho rằng, Myanmar có khả năng làm điều này bởi diện tích lúa mùa của nước này lớn, chất lượng cao hơn giống lúa cao sản của Việt Nam.

 

"Đất đai Myanmar rộng, không khai thác quá mức tới 3 vụ liên tục nhiều năm như Việt Nam. Họ ít sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu nên chất lượng gạo tốt, chi phí đầu vào thấp hơn Việt Nam. Với thị trường gạo cao cấp, Myanmar sử dụng lợi thế cạnh tranh về chất lượng khi dựa vào lúa mùa truyền thống, còn với thị trường gạo cấp thấp họ cạnh tranh bằng giá rẻ", ông Đệ chỉ rõ.

 

Trong khi đó, GS.TS Bùi Chí Bửu cho biết, cách nâng cao giá trị gạo của Myanmar là liên doanh với công ty kinh doanh lương thực nước ngoài để sản xuất lúa gạo. Tháng 9/2013, tập đoàn Mitsui của Nhật Bản đã thành lập liên doanh với và Tập đoàn Kinh doanh Nông nghiệp Công cộng Myanmar để chuyên sản xuất và xuất khẩu gạo sang nước thứ ba. Dự kiến, Mitsui sẽ đầu tư 100 triệu USD cho liên doanh này, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho việc sản xuất gạo với chất lượng cao ở Myanmar.

 

Không chỉ có Mitsui, hàng loạt các công ty kinh doanh nông nghiệp nước ngoài, trong đó có Wilmar của Singapore hay Cargill và DuPont Pioneer của Mỹ cũng tìm kiếm các cơ hội trong các lĩnh vực như sản xuất lúa gạo, chăn nuôi gia súc và cung cấp phân bón tại thị trường đầy tiềm năng này.

 

"Campuchia cũng sử dụng cách thức này để thúc đẩy ngành nông nghiệp, chứ một mình họ không làm nổi. Các công ty lương thực của Việt Nam cũng sang Campuchia làm ăn. Việt Nam phải mua gạo cao cấp của Campuchia, mỗi năm gần 1 triệu tấn, chất lượng rất ngon", GS.TS Bùi Chí Bửu cho biết.

 

Việt Nam độc quyền nên thua kém?

 

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), nguyên nhân chính khiến ngành xuất khẩu gạo của Campuchia, Myanmar vươn lên mạnh mẽ chính là vì các quốc gia này để cho các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh gạo.

 

"Phải xem doanh nghiệp xuất khẩu là doanh nghiệp nào. Người xuất khẩu gạo ở Việt Nam là hai tổng công ty lương thực miền bắc và miền nam (Vinafood 1 và Vinafood 2), đó là những người ăn lương nhà nước. Hai tổng công ty này là hai cơ quan nhà nước vửa vời, xuất khẩu gạo để kiểm soát độc quyền chứ không phải làm kinh doanh, họ không có uy tín để đòi giá cao.

 

Bán gạo giá thấp các công ty này vẫn được hưởng lợi, còn thiệt thòi họ đẩy cho tư nhân, cho nông dân. Nếu là công ty tư nhân họ không thể làm thế được, họ phải kinh doanh thật, cạnh tranh, bươn chải, tìm kiếm từng đồng lợi nhuận, nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm. Chính vì thế Campuchia, Myanmar vươn lên được", PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho biết.

 

Cũng theo ông Nam, khâu xúc tiến thương mại, vốn là điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam, được Myanmar, Campuchia làm tốt. Trong khi đó, hoạt động này ở Việt Nam được giao cho cơ quan nhà nước.

 

"Họ làm chỉ để hoàn thành nhiệm vụ, được đề bạt chứ không phải tìm kiếm lợi nhuận", ông thẳng thắn.

 

Về chiến lược để nâng cao giá trị của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ cho rằng, Việt Nam cần đi vào chất lượng, thương hiệu để có thị trường ổn định, bán được giá cao hơn, chứ không thể chạy theo số lượng như những năm qua.

 

Theo Thành Luân

Đất Việt

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *