Nguyên Liệu 24/05/2014 16:45

Vì sao Hậu Giang vẫn còn tồn đọng gần 30 ngàn tấn lúa Đông xuân?

Sự tắc trách từ nhiều phía đang khiến những người nông dân ở Hậu Giang phải đối mặt với khó khăn.

Để giúp nông dân Đồng bằng sông Cửu Long bán được lúa trong vụ Đông xuân 2013- 2014, Chính phủ đã có chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo. Trong khi nhiều nơi nông dân được hưởng lợi từ chính sách này, thì nông dân tỉnh Hậu Giang vẫn mòn mỏi chờ đợi.  Chỉ đến khi chương trình thu mua tạm trữ kết thúc, chính quyền và nông dân trong tỉnh mới biết rằng hoạt động thu mua tạm trữ đã không được thực hiện, dẫn đến tình trạng trên địa bàn còn tồn đọng gần 30 ngàn tấn lúa Đông xuân.

Kiểm tra và bảo quản 5 tấn lúa để ở hiên nhà là công việc mỗi ngày của bà Đặng Thị Bông ở xã Vị Thắng huyện Vị Thủy tỉnh Hậu Giang trong gần 2 tháng nay. Tuy rất cần tiền để trả nợ và trang trải việc gia đình nhưng bà Bông cũng không có cách nào để bán lúa.

Cũng giống như bà Bông, nhiều hộ nông dân ở tỉnh Hậu Giang giờ đây vẫn còn tồn đọng một lượng lớn lúa Đông xuân trong nhà vì rất ít thương lái tìm đến hỏi mua.

Theo thống kê mới đây của tỉnh Hậu Giang đến nay toàn tỉnh vẫn còn 30 ngàn tấn lúa tồn đọng trong dân. Việc này đáng ra đã được giải quyết phần nào nếu chính sách thu mua tạm trữ được thực hiện tốt.

Trước đó, theo chỉ đạo của Chính phủ về việc thu mua tạm trữ lúa cho dân, Hiệp hội lương thực  Việt Nam đã phân bổ cho 2 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang và Công ty TNHH Đầu tư Đại Phát thu mua  9 ngàn tấn quy gạo. Nhưng cả 2 doanh nghiệp này đều không thực hiện việc thu mua tạm trữ do khó khăn về vốn và không đáp ứng được yêu cầu cho vay của các ngân hàng. Chính vì lẽ đó mà Hiệp hội lương thực  Việt Nam đã rút lại chỉ tiêu này. Tuy nhiên, trong suốt quá trình này các cơ quan quản lý của tỉnh Hậu Giang không hề hay biết.

Ông Võ Văn Thắng – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang nói: “Sau khi được Hiệp hội cho phép tạm trữ, 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang và Công ty TNHH Đầu tư Đại Phát đã đơn phương báo cáo cho Hiệp hội và Hiệp hội chuyển chỉ tiêu cho tỉnh Bạc Liêu.”

Ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết thêm: “Nếu tỉnh có thông tin, trao đổi thông tin này sớm với Hiệp hội thì chúng tôi sẽ lựa chọn một số doanh nghiệp khác tham gia, nhưng rất tiếc thông tin 2 chiều giữa Hiệp hội và tỉnh không được thông suốt”.

Đến nay khi việc thu mua tạm trữ đã kết thúc thì chính quyền mới phát hiện sự việc. Trong cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh đã đề nghị các ngành liên quan, cùng các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ thu mua tạm trữ nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì không hoàn thành trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nhanh chóng xây dựng kế hoạch giải quyết gần 30.000 tấn lúa Đông xuân còn tồn đọng và lúa Hè thu 2014 sắp thu hoạch trong dân.

Tuy nhiên, qua vụ việc này cho thấy: Một chính sách tốt của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nông dân lại không phát huy hiệu quả ở một địa phương do sự tắc trách từ nhiều phía. Trách nhiệm của các bên liên quan có thể được làm rõ trong thời gian sắp tới. Thế  nhưng khó khăn trước mắt mà những người nông dân ở Hậu Giang đang phải đối mặt là hết sức rõ ràng.

Theo Tấn Phong

VOV

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *