Nguyên Liệu 08/06/2014 11:53

Phụ thuộc TQ, 'vua lúa' miền Tây tự thoái vị

Những người từng được suy tôn là “vua lúa” tại miền Tây Nam bộ cũng vừa quyết định từ bỏ cây lúa do thu nhập thấp và bấp bênh.

Trao đổi trên báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Lợi Đức - người từng được suy tôn là "vua lúa" tại miền Tây Nam Bộ cho biết, ông đang tìm cách thoát khỏi cây lúa,  chuyển 71ha trồng lúa ba vụ ở Vĩnh Gia này thành khu nuôi bò tập trung, dự kiến có đến hàng ngàn con.

 

Thị trường xuất khẩu gạo teo tóp

 

Theo ông Nguyễn Lợi Đức, sản xuất lúa đang gặp nhiều bất lợi, dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhưng nông dân vẫn bị cuốn trong vòng luẩn quẩn rớt giá - thua lỗ. Hơn nữa, Việt Nam tuy là nước có lượng gạo hàng đầu thế giới nhưng thị trường xuất khẩu không ổn định, một số thị trường truyền thống đang teo tóp lại, phụ thuộc vào xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc.

 

"Nguyên do xuất khẩu gạo đang bị cạnh tranh bởi Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan... Chưa kể Myanmar và Campuchia cũng đang đẩy mạnh phát triển trồng lúa để tăng xuất khẩu. Nếu không sớm tìm cách lo liệu để tự cứu mình, chắc chắn thời gian tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn", ông Nguyễn Lợi Đức nói.

 

Trả lời câu hỏi: "Phải chăng cây lúa không còn giữ được nông dân", ông Đức nêu quan điểm, trồng lúa cứ mãi nghèo, những hộ ít ruộng gặp cảnh khốn khó phải bán đất, cầm cố hay cho thuê đất rồi lên các khu công nghiệp ở miền Đông kiếm sống. Tại nông thôn, những công việc làm thuê thu nhập thấp lại không ổn định, khiến thanh niên cũng bỏ đi tha phương mưu sinh dẫn tới thiếu lao động nghiêm trọng.

 

Ông Nguyễn Lợi Đức với khu trang trại nuôi bò vừa mới hình thành trên 71ha đất vốn chuyên canh lúa - Ảnh: TTO
Ông Nguyễn Lợi Đức với khu trang trại nuôi bò vừa mới hình thành trên 71ha đất vốn chuyên canh lúa - Ảnh: TTO

 

"Điều đáng lo hơn là trồng lúa cao sản luân vụ qua nhiều năm làm đất ruộng dần bị chai đi, canh tác tốn khá nhiều phân thuốc, từ đó dẫn tới dịch bệnh thường xuyên lại càng phải tiếp tục dùng thêm nhiều phân hóa học, thuốc phòng trừ sâu bệnh.

 

Cái vòng luẩn quẩn ấy khiến trồng lúa bây giờ phải sử dụng nhiều vật tư làm đội chi phí sản xuất lên, trong khi năng suất lại có chiều hướng giảm khiến nhiều nông dân, trong đó có tôi, phải tính toán chuyển hướng chứ không thể bám mãi cây lúa", ông Đức nói.

 

Ông Nguyễn Lợi Đức cũng cho biết, nông dân luôn muốn hợp tác với doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp lại không chủ động liên kết.

Trong khi nông dân muốn trồng những sản phẩm đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn nhưng sau đó sản phẩm lại bí đầu ra do daonh nghiệp không đảm bảo tiêu thụ ổn định. Đồng thời giá bán các giống gạo chất lượng cũng chỉ ở mức gần như lúa thường.

 

Làn sóng bỏ ruộng tràn lan

 

Việc nông dân bỏ ruộng đã diễn ra từ lâu thậm chí hiện tượng  này là đã trở thành làn sóng diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước.

 

Cụ thể, tại An Giang, ngay cả những nơi đất trù phú nhưng đang có hiện tượng người dân không chịu trồng lúa mà cho thuê đất hoặc phá bỏ lúa lên ao, đào vuông nuôi thủy sản hoặc chuyển qua trồng nhiều loại cây trái khác.

 

Theo ông Trần Văn Mì, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, tình trạng thuê mướn đất trồng lúa đang có xu hướng ngày càng phổ biến, xuất phát từ nhu cầu thực tế.

 

Người dân ở Thanh Hóa bỏ ruộng hoang để chăn trâu, bò
Người dân ở Thanh Hóa bỏ ruộng hoang để chăn trâu, bò

 

Mới đây qua thống kê, toàn huyện có 43.000ha đất lúa, trong đó chỉ hơn 60% hộ trực canh, số còn lại chủ yếu cho thuê đất canh tác và xã nào cũng có việc cho thuê mướn đất. Những hộ cho thuê phần lớn ít đất, sản xuất không hiệu quả, thiếu vốn và điều kiện sản xuất, muốn chuyển đổi nghề, tìm kiếm cơ hội mưu sinh khác.

 

Ông Lê Văn Ngon, ấp Khánh Lợi cho biết: “Trồng lúa cứ bị thua lỗ mãi, thu nhập không đủ sống nên bà con mình đành phải bỏ lúa”.

 

Ông Ngon kể gia đình ông có 15 công ruộng, vụ nào lúa trúng mùa được giá may ra mỗi công cho lãi vài trăm ngàn đồng. Mấy năm gần đây giá lúa cứ bấp bênh, hễ cứ ngay đợt thu hoạch rộ thì rớt giá nên liên tục lỗ lã.

 

Hồi đầu năm nay thấy nghề nuôi cá lóc cho mức lãi tương đối hấp dẫn, hàng trăm hộ nông dân trong xã ùn ùn bỏ lúa chuyển qua đào ao nuôi cá, ông quyết định bán bớt năm công ruộng cho một hộ khác đang tìm mua đất để đào ao nuôi cá lóc. Với số tiền bán đất và số đất còn lại ông đào một ao nuôi và hơn 50 ô ương cá lóc giống.

 

“Vừa rồi thu hoạch bán 40 tấn cá, bán mấy đợt cá giống lãi được 160 triệu đồng. Chỉ năm tháng mà lợi nhuận cao gấp bốn lần so với tôi trồng lúa suốt cả năm trước đây”, ông Ngon cho hay.

 

Ông Nguyễn Quốc Khái, ấp Khánh Hòa, cũng bày tỏ: “Cây lúa không đảm bảo cuộc sống thì nông dân phải tính cách làm ăn khác, chứ không lẽ cứ ôm đất với cây lúa mà... chịu chết”.

 

Không chỉ khu vực ĐBSCL, ngoài miền Bắc có tới hơn 42.000 hộ bỏ ruộng, trả ruộng.

 

Theo Hà Anh

Đất Việt

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *