Nguyên Liệu 14/07/2014 06:37

Nông sản Việt ở đâu, về đâu?

Nông dân làm ra sản phẩm chỉ mong bán được, nhưng thị trường không đơn giản như vậy. Nếu lệ thuộc vào bất cứ thị trường nào, cả ngành nông nghiệp sẽ không còn chỗ đứng.

Đến thời điểm này, nông sản Việt Nam còn nằm cuối bảng về chất lượng, không có thương hiệu, không có thị trường. Nông sản Việt vẫn nằm ngoài rìa của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo các chuyên gia, khi đi vào chuỗi toàn cầu, đi vào chế biến sâu thì toàn hệ thống phải vào cuộc, trong đó vai trò của nhà nước và doanh nghiệp mang tính quyết định. GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, khiếm khuyết lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay là nhà nước chưa phát huy được vai trò điều tiết.

Thực trạng của ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam cho thấy, mối quan hệ giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà nước còn một khoảng cách khá xa. Doanh nghiệp không liên kết tổ chức sản xuất với nông dân, họ chỉ mua những thứ mà họ có nhu cầu. Nông dân không thể tự sản xuất, tự chế biến và tìm kiếm thị trường. Còn nhà nước chưa tổ chức được chuỗi giá trị nông sản.

“Lâu nay việc tổ chức tiêu thụ nông sản vẫn theo kiểu chắp vá. Sản phẩm làm ra để mặc cho thương lái thâu tóm. Không thoát được vòng lẩn quẩn được mùa – rớt giá, được giá – mất mùa”, GS.TS Võ Tòng Xuân nhận định.

Nâng cao chất lượng, xây dựng chuỗi cung ứng, nông sản Việt sẽ đứng vững ở bất cứ thị trường nào (ảnh: L.Nguyễn)

Thị trường Trung Quốc không ổn định

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Tỷ trọng xuất khẩu của nhóm hàng nông sản, thủy sản (bao gồm cả gạo) chiếm tỷ trọng hơn 31% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc và chiếm gần 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Nhận định về quan hệ mậu dịch với Trung Quốc, chuyên gia kinh tế, TS. Phạm Chi Lan cho rằng, ít nhiều Việt Nam đã bị lệ thuộc về một số mặt. Theo TS. Phạm Chi Lan, những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là những mặt hàng về nguyên liệu và nông sản, lâu nay chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc với một khối lượng rất lớn.

Thực tế cho thấy, giá trị xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc tăng từ 1,5 tỷ USD từ năm 2000 tăng lên 13,3 tỷ USD năm 2013. Nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc với tỷ trọng lớn như gạo, cao su, trái cây…; trong đó riêng lúa gạo và cao su, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 40%.

Đặc biệt, đối với các sản phẩm nông sản khác như thanh long, bột sắn, dưa hấu, vải thiều thị trường Trung Quốc chiếm tới 80 – 90% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam.

Điều này đặt ra vấn đề, một khi Trung Quốc cố tình không nhập, nhất là với các loại nông sản tươi sống có thời gian bảo quản ngắn sẽ gây tổn thất rất lớn cho Việt Nam, nhiều doanh nghiệp thậm chí phá sản.

Về nhập khẩu, Việt Nam cũng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ Trung Quốc về cây, con giống, phân bón, thức ăn gia súc… Theo số liệu của Việt Nam, chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc khối lượng 37 tỷ USD. Nếu tính theo số liệu của Trung Quốc thì con số này lên tới 42 tỷ USD.

Chính vì điều này, cùng với căng thẳng của tình hình Biển Đông, trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam gặp khó khăn đột ngột, trao đổi nông sản giữa hai nước Việt – Trung gặp trở ngại, kim ngạch xuất khẩu giảm sút.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã nhận định rằng, thị trường Trung Quốc gần đây cho thấy đang đứng trước nguy cơ không ổn định.

Tìm đường “thoát”

Theo các chuyên gia, trong tình hình khó khăn như hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng buộc phải thay đổi mạnh mẽ để trụ vững, dứt khoát phải thoát khỏi lệ thuộc từ Trung Quốc.

Để làm được điều này, TS. Phạm Chi Lan cho rằng, Việt Nam phải nghiêm túc rà soát lại quan hệ thương mại, quan hệ kinh tế nói chung với các nước, đặc biệt là với Trung Quốc. Qua đó, thực hiện các bước đi cần thiết để tăng khả năng cạnh tranh, tăng tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.

Về xuất khẩu, Việt Nam phải tích cực tìm kiếm thị trường thay thế. Đối với nông sản, phải xây dựng được chuỗi cung ứng, mà trước tiên phải nâng cao được chất lượng và quy trình bảo quản, tăng chế biến sâu nhằm thích ứng với yêu cầu của nhiều thị trường khác nhau.

Trung Quốc là thị trường lớn, nhưng không đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao nên dù Việt Nam có xuất nhiều cũng không đem lại giá trị lớn. Trung Quốc có thể ồ ạt nhập khẩu từ Việt Nam nhưng cũng có thể đóng cửa bất cứ lúc nào. Đây là thị trường có thể đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tức thời chứ không phù hợp để làm ăn lâu dài.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù gì đi nữa thì Việt Nam cũng phải tiếp tục “làm ăn” với Trung Quốc. Để tránh phụ thuộc, bị động các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chấm dứt xuất khẩu tiểu ngạch, đừng nhìn vào cái lợi trước mắt mà “hạ thấp” chính mình. Các doanh nghiệp cần phải tỉnh táo để thương thảo những hợp đồng kinh tế rõ ràng.

Ngay bây giờ các nhà sản xuất trong nước phải tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, với lợi thế về nguồn cung cộng với chất lượng, Việt Nam dễ dàng giành thế chủ động đàm phán để cung ứng sản phẩm cho thị trường hơn 1,3 tỷ dân. Có như vậy chúng ta mới tạo ra được mối quan hệ thương mại công bằng, nâng cao giá trị sản phẩm, tránh bị ép giá.

Việc nâng cao chất lượng sản phẩm cũng giúp các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam dễ dàng xâm nhập vào các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, Nhật Bản. Các thị trường này đòi hỏi tiêu chuẩn, chất lượng rất cao, bước đầu sẽ gây khó khăn cho Việt Nam nhưng đây là động lực để chúng ta đầu tư công nghệ, kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị của ngành nông nghiệp.

Còn về lâu về dài, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, Việt Nam phải bắt tay ngay vào việc tái cơ cấu tổng thể nền nông nghiệp. Việc tái cơ cấu này nhiều địa phương đã làm nhưng còn mang tính manh mún, không có gì đột phá. “Trước tiên phải thay đổi tư duy từ cấp quản lý cao nhất, phải nghĩ đúng mới đưa ra được hành động đúng”, GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Theo Lê Nguyễn
Tổ quốc

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *