Nguyên Liệu 11/06/2014 14:19

Nghị định cá tra: Vài ngày nữa có hiệu lực nhưng vẫn thiếu cơ sở thực hiện

FICA - Cộng đồng doanh nghiệp và cả người nuôi cá tra đều đang lo lắng và chờ đợi Thông tư hướng dẫn Nghị định của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn.

 

Nghị định số 36/2014/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định) về nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá tra vừa được Chính phủ ban hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 20/6/2014 nhằm quản lý và phát triển ổn định ngành cá tra Việt Nam trên toàn chuỗi sản xuất. 

Nghị định ra đời với kỳ vọng sau khi ban hành và đưa vào thực hiện, ngành cá tra Việt Nam sẽ có chuyển biến tích cực hơn hẳn…

Chưa có thông tư hướng dẫn

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep), nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự quan ngại khi chỉ còn ít ngày nữa là Nghị định có hiệu lực (ngày 20/6/2014), trong khi chưa có đủ các yếu tố và cơ sở để thực hiện, nhất là trong thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu, phí thẩm định và tiêu chuẩn bắt buộc đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu

Cộng đồng doanh nghiệp và cả người nuôi đều đang lo lắng và chờ đợi Thông tư hướng dẫn Nghị định của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn ban hành, đặc biệt là thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu.

Vasep cho biết, ngay khi Nghị định được ban hành, nhiều doanh nghiệp cá tra đã bày tỏ quan ngại về quy định “đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra” có thể vi phạm nguyên tắc đảm bảo bí mật kinh doanh, và có thể gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Theo các doanh nghiệp và thông lệ kinh doanh, hợp đồng kinh tế là bí mật kinh doanh của từng cá nhân, từng công ty, gồm những điều khoản không được tiết lộ. Do vậy, việc chia sẻ thông tin với một Hiệp hội (bên thứ 3) là bất hợp lý.

Trong khi đó, không có điều khoản nào quy định trách nhiệm bảo mật của Hiệp hội Cá tra Việt Nam (đơn vị được Nghị định giao việc đăng ký, thẩm định hợp đồng xuất khẩu), cũng như trách nhiệm bồi thường nếu thông tin trong hợp đồng bị tiết lộ gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cho biết thêm, để đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra, doanh nghiệp cần chuẩn bị khá nhiều giấy tờ một cách chính xác và nguồn nhân lực để thực hiện công việc này, vì vậy sẽ gây tốn kém thêm thời gian và chi phí trong khi xu hướng của nhà nước đang nỗ lực giảm các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp để tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.

Trong thời gian từ đây đến 20/6/2014, nếu Bộ Tài Chính vẫn chưa có quy định về cách tính giá sàn, quy định về mức phí thì việc đăng ký và thẩm định hợp đồng xuất khẩu tuân thủ mua nguyên liệu cao hơn giá sàn vẫn chưa đủ cơ sở để thực hiện.

Trường hợp doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu cá tra tự nuôi thì theo quy định chưa phải nộp Giấy đăng ký nuôi cá tra thương phẩm thì cũng không có cơ sở để chứng minh là nguyên liệu tự nuôi để được thẩm định trước khi xuất khẩu.

Ngoài ra, doanh nghiệp cá tra đang rất băn khoăn, liệu quy định việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu với Hiệp hội cá Tra Việt Nam (tại Cần Thơ) là theo “từng Hợp đồng xuất khẩu” hay “từng container, từng lần xuất khẩu” hay theo “tháng, quý”? Giải pháp như thế nào để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ở các Tỉnh xa Cần Thơ. 

Tồn tại 2 giá sàn

Bên cạnh đó, Vasep cũng cho biết, theo thống kê về nguồn nguyên liệu cá tra hiện nay ở ĐBSCL, có 70% do các doanh nghiệp nuôi và tự nuôi, 30% của người nuôi đơn lẻ và thực tế nhiều vùng nuôi của doanh nghiệp đã đạt các chứng nhận VietGAP cũng như các chứng nhận quốc tế tương đương.  

Tuy nhiên, theo Nghị định, trước ngày 31/12/2015, các lô hàng nguyên liệu cá tra chưa có chứng nhận VietGap vẫn được chấp nhận cho xuất khẩu nên thực tế trên thị trường sẽ tồn tại 2 loại nguyên liệu: có chứng nhận VietGap và không có chứng nhận VietGap với giá thành khác nhau và sẽ tương ứng có hai giá sàn nguyên liệu khác nhau.

Vasep cho rằng, việc quy định hai giá sàn khác nhau sẽ khó cho việc kiểm tra tuân thủ giá sàn, còn nếu quy về một giá sàn thấp hoặc cao để áp dụng cho việc thẩm định đều sẽ có thể gây bất lợi cho người nuôi cũng như khó khăn cho cơ quan công bố giá sàn nguyên liệu cá tra trong thời điểm hiện nay.  

Ngoài ra, nhiều chủ doanh nghiệp và các chuyên gia trong ngành còn có ý kiến đề nghị Chính phủ và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cần sớm bổ sung các ràng buộc có tính hệ thống với các nội dung quy định về bảo vệ nguồn gen gốc và đàn cá tra bố mẹ, về chất lượng cá tra giống, về kiểm soát chất lượng thức ăn nuôi cá tra, về quản lý dịch bệnh, về tín dụng ưu đãi cho người nuôi và chế biến, về đầu tư Nhà nước đối với các hạ tầng nuôi, chế biến cá tra...

 

Phương Dung

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *