Nguyên Liệu 01/12/2013 09:19

Ngành mía đường VN: Đơn độc trong cuộc chiến về giá!

Sau bài viết “Niên vụ mía đường 2013 - 2014 : Nội xuất khó khăn, ngoại nhập dễ dàng” đăng trên số 94 ra ngày 22/11/2013, và “Nhập khẩu 30.000 tấn đường sản xuất tại Lào của Hoàng Anh Gia Lai : Khó quản tái xuất đường” trong số báo 95, ra ngày 27/11/2013, DĐDN tiếp tục thông tin tới bạn đọc sự thật về giá mía đường ở thị trường nội địa cùng quan điểm của các chuyên gia và DN trong ngành mía đường về vụ việc Cty CP Hoàng Anh Gia Lai đề nghị nhập khẩu 30.000 tấn đường thô đang được dư luận quan tâm.

 

Ghe chở đường Thái Lan neo đậu sẵn bên kia sông thuộc Pekchray, Kothom, Kandal (Campuchia), sau đó chuyển sang ghe nhỏ tập kết tại các nhà kho ở xã Khánh An, huyện An Phú (An Giang) rồi đưa đi tiêu thụ trong nước.

Qua phân tích của ông Đoàn Xuân Hòa - Phó cục chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối thuộc Bộ Nông nghiệp – PTNT, hiện giá mua mía ở Thái Lan và một số quốc gia phát triển mạnh trong ngành mía đường như Ấn Độ, Brazil chỉ khoảng trên dưới 30 USD/tấn, diện tích vùng nguyên liệu lớn và tập trung, các chi phí về vật tư nông nghiệp đều thấp và ngành mía đường lại được các chính sách nông nghiệp bảo hộ về thuế nên đã cấu thành giá đường thấp. Trong khi ở VN, giá thu mua mía của nông dân được các nhà máy chế biến bảo hộ với giá mía thu mua 50 USD/tấn. Vùng nguyên liệu manh mún, các chi phí vật tư nông nghiệp cao lại không đưa cơ giới hóa vao canh tác… được xem là một trong những nguyên nhân chính làm cho giá thành phẩm cao, làm giảm sức cạnh tranh của ngành mía đường VN về giá trên thương trường.

Nỗi oan về giá

Trao đổi với DĐDN, ông Hòa cho biết, phát triển của ngành mía đường VN là hướng tới nông dân. Bài toán quan trọng nhất mà ngành mía đường phải thực hiện chính là nguồn nguyên liệu. Chính vì vậy, trong niên vụ 2012 - 2013 vừa qua, dù giá đường xuống thấp hơn những năm trước tới 3.000 đồng/kg, lãi suất tín dụng của ngân hàng vẫn đang đứng ở ngưỡng cao, nhưng các nhà máy chế biến đường vẫn đảm bảo giá thu mua mía ổn định bình quân khoảng 1 triệu đồng/tấn. Và đây được xem là giá cao nhất trong khu vực. Bởi nếu không mua với giá này, người trồng mía sẽ quay lưng với nhà máy và chuyển sang trồng các loại cây khác. Nhà máy sẽ đóng cửa do không có nguyên liệu để sản xuất. Và kịch bản sau đó là hàng trăm ngàn công nhân thất nghiệp, Nhà nước phải chi hàng tỉ USD để nhập khẩu đường, còn nông dân lại lay hoay trong điệp khúc “trồng - chặt” - câu chuyện hiện hữu ở các tỉnh thành  ĐBSCL.

Ông Hòa cũng không đồng tình khi có dư luận cho rằng ngành mía đường VN phải cạnh tranh về giá với đường nhập lậu của Thái Lan khi cho rằng giá đường của Thái Lan hiện đang chào bán ở mức 12.500 - 12.700 đồng/kg. Và như vậy mỗi năm, theo tính toán, người tiêu dùng trong nước đang phải “trút hầu bao” trả thêm hơn 4.000 tỉ đồng do khoản chênh lệch về giá đường ? “Không thể so sánh khập khểnh như vậy bởi sản phẩm sản xuất ra từ các nhà máy đường trong nước đều phải chịu các khoản thuế theo quy định của nhà nước, trong khi đường Thái Lan qua VN là hàng nhập lậu, trốn thuế đáng bị phê phán và truy cứu trách nhiệm theo luật hiện hành. Ham giá rẻ, chẳng lẽ chúng ta vận động người dân mua hàng trốn thuế” - ông Hòa nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm này, ông Đỗ Thanh Liêm - Tổng giám đốc Cty CP mía đường Khánh Hòa cho rằng, không thể lấy giá bán trên thị trường thế giới hoặc giá đường nhập lậu của Thái Lan để so sánh với giá đường VN. Như vậy là không chính xác và oan cho ngành mía đường VN. Bởi đây là giá giao dịch trên thế giới và là giá thặng dư, bao gồm cả giá thừa, tồn kho. Hiện ngay tại Thái Lan, chính sách điều hành giá đường đang hỗ trợ đắc lực cho nông dân và các nhà máy đường. Họ có chiến lược XK và duy trì 3 loại quota khác nhau. Để XK, họ có nhiều mức thuế để hỗ trợ nhằm giải quyết đường tồn dư. Giải phóng hàng tồn kho nhanh nhất của Thái Lan chính là thẩm lậu sang thị trường VN. Thực tế, người tiêu dùng tại Thái Lan vẫn phải mua đường giá cao theo sự điều hành của Chính phủ, phần chênh lệch về giá sẽ được Chính phủ tái đầu tư lại cho khâu nghiên cứu giống và hỗ trợ nông dân.

Trầy trật hàng tồn kho

Việc nhập đường do HAGL sản xuất tại Lào đưa vào VN sẽ gây mất ổn định thị trường và ảnh hưởng đến lợi ích của người trồng mía trong nước

Theo thông tin từ Hiệp hội mía đường VN (VSSA), hàng ngày trên tuyến quốc lộ 1A đoạn đi ngang qua tỉnh Vĩnh Long để vào TP HCM có khoảng 20 xe vận chuyển với gần 1.000 tấn đường lậu đi qua để tiêu thụ trong nước. Ước tính mỗi năm lượng đường nhập lậu lên tới 500.000 tấn đường, bằng 1/3 sản lượng đường của 40 nhà máy sản xuất đường trong nước. Với giá rẻ do trốn thuế nên đường nhập lậu có nhiều ưu thế cạnh tranh mạnh với giá đường nội địa và đẩy ngành mía đường VN tăng thêm sức ép khi lượng cung đã vượt cầu, tồn kho cao. Giải quyết bài toán đường tồn kho mà VSSA nhắm đến là xuất sang thị trường Trung Quốc. Tuy được phép là xuất tiểu ngạch qua cửa khẩu phụ tại Bản Vược, Bát Xát của tỉnh Lào Cai nhưng thực chất là xuất theo dạng cư dân biên giới thông thương hàng hóa và do các DN vùng biên đảm trách.

Nay trước việc HAGL cũng đang đề nghị Chính phủ cho phép Cty CP đường Biên Hòa nhập về 30.000 tấn đường thô của HAGL để tinh chế và xuất vào cửa khẩu phụ mà các DN thành viên của VSSA đang “trầy trật” xuất đã không nhận được sự đồng tình từ phía VSSA.

Theo ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch VSSA, đường do HAGL sản xuất tại Lào có giá rẻ là do diện tích vùng nguyên liệu được giao hẳn cho DN, qua đó họ có thể yên tâm đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất, từ đó giảm thiểu chi phí nhân công, thu hoạch, chăm sóc. Ở góc độ khác, đường sản xuất tại Lào bán đi các nước dễ hơn ở VN do Lào là nước kém phát triển, đang được Cộng đồng chung Châu Âu đưa vào nhóm nước ưu đãi thuế quan nhập khẩu EBA từ tháng 3/2011. Do vậy, thay vì khai thác lợi thế từ kênh tiêu thụ được miễn thuế và không giới hạn quota thì việc HAGL đề nghị Chính phủ xin xuất vào thị trường VN chính là làm khó cho các nhà máy đường trong nước.

Rõ ràng việc nhập đường do HAGL sản xuất tại Lào đưa vào VN sớm hay muộn cũng sẽ gây mất ổn định thị trường và làm ảnh hưởng đến lợi ích của người trồng mía trong nước. Thực tế, ngành Hải quan cũng đã phát hiện nhiều DN trục lợi bằng cách lợi dụng cơ chế ưu đãi thuế quan để nhập khẩu đường về, sau đó lại bán thẳng ra thị trường nội địa.        

Ông Đỗ Thanh Liêm - Tổng giám đốc Cty CP mía đường Khánh Hòa: Nên đưa HAGL vào hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2014

Hàng năm VN buộc phải nhập khẩu hàng chục ngàn tấn đường theo cam kết WTO, thay vì phải nhập khẩu đường từ các quốc gia khác, nếu được thì từ năm 2014 nên đưa cấp hạn ngạch để nhập khẩu đường do HAGL sản xuất cũng là một giải pháp hỗ trợ cho DN Việt đầu tư ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch VSSA: Sao lại đi vào ngõ hẹp

Với lợi thế về giá rẻ, đường do HAGL sản xuất có thể xuất trực tiếp từ Lào sang thị trường Châu Âu và Trung Quốc, chứ không cần phải về VN để rồi theo “ngõ hẹp” như cách tính hiện nay. Bởi thực tế giữa Lào với các nước Châu Âu, Trung Quốc cũng có nhiều chính sách rất tốt, do đó HAGL cũng có thể thu lợi nhuận tối đa khi XK trực tiếp.

 

Theo Quốc Chánh
DĐDN

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *