Nguyên Liệu 17/08/2015 07:21

Kịch bản đen tối: Giá dầu có thể rớt xuống 10 USD/thùng?

Giá dầu sẽ có thể giảm về mức 10 USD/thùng nếu OPEC vẫn tiếp tục cuộc chiến giành thị phần trên thị trường dầu mỏ với các đối thủ.

Đó là nhận định của ông Gary Shilling, Chủ tịch Công ty tư vấn A. Gary Shilling. Ông chỉ ra hiện OPEC và các đối thủ đang trong một cuộc giằng co để xem ai sẽ phải giảm sản lượng trước.

Ông Seth Kleinman, chiến lược gia về thị trường năng lượng tại Citigroup cũng dự báo giá dầu sẽ tiếp tục giảm trong những phiên tới.

Kich ban den toi: Gia dau co the rot xuong 10 USD/thung?
Giá dầu có thể bị đẩy về mức 10 USD/thúng nếu cuộc chiến thị phần vẫn tiếp diễn

Các quốc gia xuất khẩu dầu thuộc OPEC vẫn tiếp tục duy trì sản lượng ở mức cao kỷ lục để giữ thị phần. Các công ty dầu đá phiến Mỹ cũng không giảm sản lượng bất chấp giá dầu hạ sâu. Citigroup chỉ ra thị trường dầu đang dư cung và tình trạng này sẽ tiếp diễn trong những tháng tới.

Thông thường vào mùa hè giá xăng dầu sẽ tăng khi người Mỹ lái xe đi nghỉ còn các nước Trung Đông sử dụng nhiều điều hòa nhiệt độ. Tuy nhiên năm nay, dù nhu cầu xăng dầu của người Mỹ tăng khi kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt và giá xăng dầu thấp, giá xăng dầu vẫn hạ.

Tính từ đầu tháng 6 đến nay, giá dầu giao kỳ hạn tại Mỹ đã giảm 30%. Mức hạ của giá dầu trong mùa hè như vậy cao nhất tính từ năm 1983.

Nguồn cung dầu từ Mỹ hiện đang rất dồi dào. Tính đến tháng trước, trung bình mỗi ngày Mỹ cung ra thị trường 9,7 triệu thùng dầu, mức cao nhất trong 8 năm.

Khi thị trường dầu Mỹ đang dư thừa quá nhiều nguồn cung, chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama lần đầu tiên đã chấp thuận cho các công ty xuất khẩu dầu sang Mexico. Giá dầu thấp đang “ăn” vào lợi nhuận của các công ty năng lượng Mỹ và khiến hàng ngàn người Mỹ mất việc.

Thượng nghị sỹ các bang sản xuất nhiều dầu mỏ tại Mỹ đã gây sức ép buộc chính phủ Mỹ đưa ra quyết định trên. Trước tiên, giấy phép xuất khẩu dầu sang Mexico có thời hạn 2 năm, sau đó việc gia hạn sẽ được tính toán dựa trên điều kiện thị trường.

Giá dầu giảm mạnh đang khiến các quốc gia mà nguồn thu ngân sách chủ yếu phụ thuộc vào việc xuất khẩu dầu và khí đốt bị thiệt hại nặng nề.

Với sản lượng kỷ lục 10,564 triệu thùng/ngày, Saudi Arabia từ chối giảm sản lượng dầu lửa, góp phần đẩy giá dầu giảm sâu. Tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy đến cuối năm nay, thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia có thể lên mức khoảng 140 tỷ USD, tương đương 20% GDP. Xét đến việc một thời gian dài nước này luôn có thặng dư, thì mức thâm hụt này quá lớn.

Trong thông báo mới nhất của mình, Standard & Poor đã hạ mức triển vọng tín dụng của Saudi Arabia xuống mức “tiêu cực”.Tổ chức này đánh giá kinh tế Saudi Arabia quá phụ thuộc vào dầu mỏ.

Đối với Nga, do ảnh hưởng của giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt của phương Tây, trong quý II vừa qua, GDP của Nga giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Kinh tế Nga có dấu hiệu giảm tốc mạnh hơn sau khi giảm 2,2% trong quý I, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Nga. Đây là quý suy giảm mạnh nhất của Nga kể từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 – 2009.

Ngoài ra, theo tính toán của các nhà phân tích, nếu giá dầu rớt xuống 40 USD/thùng, nguồn vốn của nước Nga bị thâm hụt gần 600 tỷ rúp và tỷ lệ nợ xấu tăng gấp 2 lần. Đồng rúp giảm xuống còn 65 đồng đổi một USD vào cuối năm 2015, khiến kinh tế Nga bị suy giảm tới 5% trong năm nay và 1% vào năm 2016.

Theo An Nhiên (Tổng hợp)
Đất Việt

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *