Nguyên Liệu 22/02/2015 09:18

Hiệp hội Xăng dầu “than khó” giùm doanh nghiệp

FICA - Ông Phan Thế Ruệ cho biết, giá dầu giảm mạnh liên tục gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp đầu mối và hệ thống bán lẻ. Do khó có thể dự báo được giá dầu, đặc biệt giá dầu ngày một giảm sâu, không nhích lên được vì vậy càng nhập vào, càng bán, càng lỗ.

Theo đánh giá của Vinpa, thị trường xăng dầu trong nước năm 2014 không mấy sáng sủa
 
Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) cho biết, thị trường xăng dầu Việt Nam vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Năm 2014, sản xuất sản phẩm xăng dầu trong nước mới đáp ứng 30% nhu cầu, phải nhập khẩu 70%. 
 
Ngay từ đầu năm 2014, không ai dự báo và đưa ra cảnh báo nào về sự giảm sút bất thường của giá dầu mỏ thế giới. Giá dầu mỏ bắt đầu giảm từ 111 USD/thùng xuống xung quanh 100 USD/thùng rồi 90 USD/thùng, 80 USD, 70 USD và 60 USD/thùng vào giữa tháng 11 năm 2014, dưới 60 USD/thùng, 50 USD/thùng vào tháng 12 năm 2014 – tình trạng giảm bất thường kể từ năm 2008. Trong khi đó, Việt Nam đang tổ chức thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ. 
 
Tính đến ngày 31/12/2014, đã có 12 lần giảm giá xăng với tổng giá trị 7.760 đ/lít; lần có mức giảm lớn nhất là 2.050 đ/lít. Tình hình tổ chức bán lẻ xăng dầu trong lúc giá dầu giảm mạnh liên tục gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp đầu mối và hệ thống bán lẻ.
 
Ông Ruệ cho rằng, do khó có thể dự báo được giá dầu, đặc biệt giá dầu ngày một giảm sâu, không nhích lên được vì vậy càng nhập vào, càng bán, càng lỗ. Mặt khác một số quy định của Nghị định 83 như quy định định mức chi phí 1.050 đồng/lít – theo Chủ tịch Vinpa, là chưa phù hợp với thực tế, nhiều doanh nghiệp đã phải vận dụng ở mức cao để tăng bán ra, chống chọi với thua lỗ. 
 
Ông Ruệ cũng cho biết, kết thúc năm 2014, tuy chưa có số liệu chính thức nhưng nhu cầu xăng dầu trong nước đã giảm khá lớn so với năm 2013. Nhiều doanh nghiệp xăng dầu bị thua lỗ, một số doanh nghiệp cầm chừng, nguy cơ giảm sút sản lượng bán ra của nhiều doanh nghiệp là hiện hữu. Tóm lại, thị trường xăng dầu trong nước năm 2014 không mấy sáng sủa; nhiều doanh nghiệp xăng dầu gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, kinh doanh không có hiệu quả.
 
Cơ chế mới chỉ quen với đối phó giá dầu tăng
 
Bước sang năm 2015, nhiều dự báo giá hàng hóa cơ bản có xu hướng tụt dốc do nhu cầu tiêu dùng giảm sút; nhu cầu dầu thô tiếp tục giảm ở các nước mới nổi và các nước công nghiệp phát triển. Cuộc chiến dầu lửa vẫn tiếp tục, chưa thấy có hồi kết.
 
Có chuyên gia dự báo nhu cầu dầu thô sẽ giảm 40%, trong khi nguồn cung vẫn tăng do Mỹ tăng dự trữ, tiếp tục chương trình khai thác dầu đá phiến. Nga không có động thái giảm sản lượng, Saudi Arabia và tổ chức OPEC chưa thay đổi lập trường không cắt giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu vì vậy càng thúc đẩy cung vượt xa cầu. 
 
 
Trong năm 2015, nếu hết quý I hoặc quý II, nếu “các ông vua dầu lửa” vẫn quyết theo đuổi mục tiêu của mình sẽ khiến thị trường dầu mỏ thế giới vào tình trạng hỗn loạn và tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới. 
 
Theo một quan chức hàng đầu của OPEC thì giá dầu mỏ có thể tăng trở lại vào thời gian ngắn nhất. Đây là động thái mới nhất nhưng lại ít lòng tin vào tín hiệu này. Dự báo giá dầu thô sẽ quay trở lại mức 60 USD – 80 USD/thùng trong năm 2015 là dự báo có lý nếu các ông trùm dầu mỏ ngồi lại với nhau để lập lại trật tự thị trường năm 2015.
 
Theo ông Ruệ, chính sách, cơ chế của thị trường xăng dầu của Việt Nam bấy lâu nay đã quen và chỉ đối phó với giá dầu tăng, chứ chưa có cách xử lý, đối phó với giá dầu thế giới giảm bất thường như thời gian qua. Khi giá dầu thế giới tăng, giảm bất thường đều tác động kể cả tích cực, tiêu cực đến kinh tế vì nước ta vừa xuất khẩu dầu thô vừa nhập khẩu sản phẩm xăng dầu.
 
Dự báo 100 USD/thùng để làm căn cứ vận hành nền kinh tế mở của Quốc hội đúng với nửa đầu năm 2014, song từ giữa năm 2014 giá dầu giảm liên tục đến tháng 12/2014 đã giảm hơn 50%, vì vậy nhiệm vụ dự báo tương đối chính xác giá dầu năm 2015 là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nhưng cũng cực kỳ khó khăn. Cho dù kịch bản nảo thì mục tiêu bảo vệ cán cân thu chi ngân sách, an ninh năng lượng, ổn định kinh tế vĩ mô, quyền lợi của nhà nước, quyền lợi người tiêu dùng, quyền lợi của doanh nghiệp phải được cân bằng và thị trường xăng dầu Việt Nam phải ổn định, bền vững cạnh tranh lành mạnh.
 
Bích Diệp
Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *