Nguyên Liệu 15/01/2015 16:01

Doanh nghiệp thép Việt Nam “lo sốt vó” vì hàng Trung Quốc

FICA - Lượng thép thành phẩm và bán thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam năm 2014 ước đạt hơn 5,3 triệu tấn, tăng 66,1% về lượng và tăng 51,8% về giá trị so với năm 2013; chiếm 38,8% trong tổng lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam (năm 2013, chiếm 27,6%).

Tổng cục Hải quan cho biết, mới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có công văn gửi Bộ Công Thương liên quan đến tình hình xuất nhập khẩu thép giữa các nước Asean – Trung Quốc. Trong đó có thư của Hội đồng Gang thép Đông Nam Á (AISC) gửi Vụ Kinh tế và Thương mại Quốc tế (Bộ Thương mại Trung Quốc) Vụ Đàm phán thương mại (Bộ Thương mại Thái Lan) và Phó tổng thư ký của Ban Thư ký ASEAN nêu rõ, sự tràn vào ồ ạt của thép xuất khẩu từ Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng đến các công nghiệp thép Asean.

Theo VSA, lượng thép thành phẩm và bán thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam năm 2014 ước đạt hơn 5,3 triệu tấn, tăng 66,1% về lượng và tăng 51,8% về giá trị so với năm 2013.

Lượng thép từ quốc gia láng giềng này chiếm 38,8% trong tổng lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam (năm 2013, chiếm 27,6%).

Đáng chú ý là một lượng lớn thép chứa nguyên tố hợp kim vi lượng (0,0008% Bo) được khai là thép hợp kim nhập khẩu vào Việt Nam với thuế suất bằng 0%, thực chất là thép xây dựng trong nước đã sản xuất được.

Trước đó, tại kỳ họp lần thứ 9 của AISC tổ chức tại Singapore hồi tháng 11/2014, một nội dung được đề cập đó là việc sản phẩm thép Trung Quốc xuất khẩu ồ ạt vào thị trường các nước Asean đã làm cho sản xuất thép của Asean phải đối mặt với vô vàn khó khăn.

Theo AISC, kể từ khi chính thức thi hành Hiệp định thương mại tự do Asean – Trung Quốc (ACFTA) trong tháng 1/2010, các công nghiệp thép Asean đã bị tổn hại nghiêm trọng.

Năm 2012, xuất khẩu thép từ Trung Quốc vào Asean là 12,6 triệu tấn, đến năm 2013 đã tăng lên là 15,7 triệu tấn. Thị phần sản phẩm thép từ Trung Quốc so với tổng lượng nhập khẩu thép từ Asean đã tăng đáng kể, từ 10% trong năm 2009 lên 17% năm 2010 và đến năm 2013 là 29%.

 AISC cũng nêu rõ, chính phủ Trung Quốc, trong nỗ lực giảm tác động đến môi trường sản xuất thép trong nước, đang khuyến khích xuất khẩu thép giá trị gia tăng thấp và thúc đẩy xuất khẩu thép giá trị cao thông qua áp đặt thuế xuất khẩu cũng như đưa ra chính sách hoàn thuế.

Vấn đề đã được AISC nêu với Hiệp hội Gang thép Trung Quốc (CISA) trong đối thoại thường niên, nhưng tới nay CISA không thực hiện gì cụ thể để giải quyết vấn đề.

AISC khẳng định, xuất khẩu sản phẩm thép từ Trung Quốc tới Asean tăng mạnh kể từ khi chính thức thực hiện ACFTA từ tháng 1/2010.

Xuất khẩu như vậy là cạnh tranh trực tiếp không công bằng với các sản phẩm thép tương tự được sản xuất tại các nước Asean. Bởi các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang lợi dụng các lỗ hổng trong biểu thuế và cơ chế hoàn thuế cho xuất khẩu sản phẩm thép từ Trung Quốc và bán phá giá sản phẩm vào thị trường Asean.

Vì vậy, AISC yêu cầu Chính phủ Trung Quốc có hành động phù hợp nhằm thực hiện tự nguyện hạn chế xuất khẩu thép của mình; đồng thời xem xét lại thuế xuất khẩu và chính sách hoàn thuế của mình đối với lĩnh vực thép.

AISC khẳng định, nếu không các nước bị ảnh hưởng sẽ có thể thực hiện một loạt các giải pháp thương mại cần thiết.

Về phía VSA, Hiệp hội này cũng đã đề nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đề xuất sự việc nêu trên tới các cơ quan hữu quan của Trung Quốc và Hội đồng các nước Asean, đồng thời tìm kiếm giải pháp hỗ trợ ngành sản xuất gang thép của các nước Asean.

Bích Diệp

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *