Nguyên Liệu 12/02/2015 07:44

Công bố tên doanh nghiệp vận tải “chây ì” giảm giá cước

FICA - Các đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện những doanh nghiệp vận tải kê khai với tỷ lệ giảm giá còn thấp hoặc có đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định chưa điều chỉnh giảm giá.

Chiều 11/2, Bộ Tài chính công bố kết quả kiểm tra thực hiện quy định về quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô tại 3 khu ực Bắc, Trung, Nam. Để kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong việc thực hiện kê khai giảm giá cước, thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thành lập bổ sung 3 đoàn kiểm tra liên ngành tại 40 đơn vị kinh doanh vận tải tại các địa phương có lượng hành khách sử dụng taxi và các tuyến vận tải cố định bằng ô tô lớn tại 3 khu vực miền Bắc (Hà Nội); miền Trung (Đà Nẵng); miền Nam (gồm: TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai).

Trong đó tại Hà Nội, đoàn kiểm tra kiểm tra 20 doanh nghiệp, TPHCM là 8 donah nghiệp. Tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, đoàn kiểm tra kiểm tra 4 doanh nghiệp tại mỗi địa phương, còn lại là kiểm tra doanh  nghiệp tại Đà Nẵng. Đoàn kiểm tra tập trung vào kiểm tra vận tải hành khách bằng taxi (26 đơn vị) và vận tải hành khách tuyến cố định (14 đơn vị).

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: “Các đơn vị được kiểm tra chấp hành đầy đủ quy định về niêm yết giá vé tại nơi bán vé và trên phương tiện theo đúng quy định. Hầu hết các đơn vị được kiểm tra đã thực hiện kê khai giá với cơ quan quản lý Nhà nước, mức giá kê khai tương đối phù hợp với biến động chi phí đầu vào, yếu tố giảm giá nhiên liệu và tỷ trọng chi phí nhiên liệu trong giá thành vận tải. Tuy nhiên, vẫn còn có những đơn vị kê khai với tỷ lệ giảm giá còn thấp hoặc còn có đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định chưa điều chỉnh giảm giá”.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn 4 hãng taxi giảm giá chưa tương ứng và 2 hãng vận tải theo tuyến cố định chưa giảm giá cước.

Sau đợt kiểm tra này, đối với các đơn vị kê khai giá với mức giảm giá chưa phù hợp với biến động giảm giá xăng dầu và chi phí đầu vào, Bộ Tài chính có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính địa phương có văn bản yêu cầu các đơn vị này tiếp tục thực hiện kê khai giảm giá.

Chẳng hạn, tại Hà Nội, có  3 doanh nghiệp taxi giảm giá còn hạn chế, cần giảm tiếp là: Công ty TNHH Mạnh Trường Bình,  Công ty CP dịch vụ hàng không Sân bay Nội Bài,  HTX Vận tải Nội Bài; 2 doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định cũng cần giảm giá tiếp là Chi nhánh Công ty TNHH Hoàng Long và Xí nghiệp Xe khách nam Hà Nội.

Tại Đà Nẵng, Công ty Cổ phần xe khách và Dịch vụ thương mại Đà Nẵng cũng cần giảm tiếp giá cước. Với Công ty CP taxi Mai Linh miền Trung, mức giảm từ km thứ 0,6 đến km thứ 30 của công ty là chưa phù hợp với mức giảm giá nhiên liệu trong thời kỳ này. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu đơn vị tính toán giảm giá phù hợp. Đơn vị đã cam kết giảm giá.

Đáng chú ý, đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với  HTX vận tải đường bộ TP.Thủ Dầu Một (tại Bình Dương) về hành vi kê khai giá cước không hợp lý, chưa kịp thời, chưa đúng quy định, thiếu bảng giải trình chi tiết các khoản chi phí vận tải kèm theo hồ sơ kê khai giá cước, vi phạm quy định. Theo đó, Đoàn kiểm tra đã đề nghị làm thủ tục chuyển trường hợp này sang Thanh tra Bộ Tài chính ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, qua kiểm tra, các đoàn đã phát hiện tình trạng “chạy kê khai” ở các hãng vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh. Để xảy ra tình trạng này là do có tỉnh kiểm tra kê khai giá cước chặt chẽ nhưng có tỉnh quản lý chưa chặt. Do đó, nhiều hãng vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh chuyển sang kê khai giá cước ở tỉnh kiểm tra chưa chặt chẽ để giảm giá ít hơn.

“Bộ Tài đã chính đề nghị cơ quan chức năng địa phương thường xuyên phối hợp kiểm tra, rà soát việc kê khai giá của doanh nghiệp vận tải để hạn chế tình trạng này”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Liên quan đến việc quản lý giá cước vận tải liên tỉnh, đường dài, theo phản ánh của báo chí, nhiều hãng xe tăng phụ thu vô tội vạ, không đúng mức giá đã đăng ký với cơ quan quản lý, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay: Tất cả các doanh nghiệp phải thực hiện và kê khai giá cước theo qui định và chỉ được bán vé sau khi đã kê khai với cơ quan quản lý. Hiện nay, các tỉnh, thành đều chỉ đạo niêm yết giá, trên các tuyến vận tải đều có đường dây nóng, việc xử lý vi phạm giá cước sẽ thông qua đường dây nóng này.

“Vận tải hành khách tuyến liên tỉnh ở Trung ương do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, và ở các địa phương do các Sở, các doanh nghiệp vận tải và các bến xe. Bộ đã có văn bản chỉ đạo các bến xe niêm yết danh sách các đơnvị giảm giá, chưa giảm giá” – bà Thu Hiền nói.

Cũng theo bà Hiền, tại Mỹ Đình có trên 200 tuyến vận tải. Theo thông tin báo chí nêu thì mới đạt 58% doanh nghiệp (DN) giảm giá, ngay sau đó, các đoàn kiểm tra đã đến bến xe làm rõ điều này. Đến nay đã có văn bản gửi đến các địa phương yêu cầu rà soát các DN đó để giảm giá. Đến chiều 9/2, số DN giảm giá đã cao. Tỷ lệ DN giảm giá tại Hà Nội hiện nay là 91/99 DN taxi; Còn tỷ lệ số lượng phương tiện giảm giá cước là 97%; tuyến cố định 42/61 đã giảm nhưng tỷ lệ số xe giảm là 91%. “Có thể số DN còn lại chưa giảm giá là do họ đã giữ ổn định trong thời gian dài hoặc hoạt động yếu”, bà Hiền cho hay.

An Hạ

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *