Nguyên Liệu 11/05/2014 12:13

Cá tra Việt Nam đã "tấn công" 126 thị trường thế giới

FICA - Trong khi xuất khẩu cá tra sang hai thị trường quan trọng nhất là EU vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc và thị trường Mỹ có khả năng sẽ chậm lại trong thời gian tới, thì tại thị trường Brazil, tốc độ nhập khẩu cá tra đã lên cao nhất trong 3 tháng đầu năm.

 

Cá tra hàng GTGT có tăng đáng kể nhưng vẫn chỉ chiếm một tỉ trong rất nhỏ trong cơ cấu hàng cá tra xuất khẩu.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho thấy, kết thúc quý I/2014, xuất khẩu cá tra đã tăng 5,2% so với cùng kỳ, đạt 388,49 triệu USD. Cá tra được xuất khẩu sang 126 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng so với 123 thị trường nhập khẩu của cùng kỳ năm 2013.

Vasep cho biết, mặc dù, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến cá tra Việt Nam rất năng động nhưng xuất khẩu mặt hàng này vẫn mới chỉ dừng lại ở phân khúc xuất khẩu philê đông lạnh. Xuất khẩu cá tra philê đông lạnh trong quí I/2014 đạt 405 triệu USD, chiếm 99% tỷ trọng xuất khẩu cá tra Việt Nam, tăng 4,9% so với quý I/2013.

Trong khi đó, xuất khẩu cá tra hàng giá trị gia tăng vẫn chiếm một tỷ trọng rất nhỏ và chỉ có những doanh nghiệp lớn mới tham gia sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này.

Mặc dù vậy, theo ghi nhận của Vasep, xuất khẩu cá tra hàng giá trị gia tăng đã tăng mạnh trong quý đầu năm nay. Trong quý I/2014, xuất khẩu cá tra hàng GTGT đạt 3,55 triệu USD, chiếm 1% tỷ trọng xuất khẩu cá tra Việt Nam, tăng 54,9% so với cùng kỳ năm 2013. Đây cũng là mức tăng trưởng cao của mặt hàng này trong những năm gần đây.

Ba tháng đầu năm, Brazil là thị trường nhập khẩu cá tra có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 8 thị trường nhập khẩu hàng đầu cá tra Việt Nam.

Vasep giải thích, cá tra vào thị trường Brazil tăng một phần do nước này đang giảm nhập khẩu cá minh thái Alaska. Cá minh thái Alaska hiện vẫn đứng đầu xuất khẩu vào thị trường này trong 3 tháng đầu năm còn cá tra hiện đứng thứ 2, nhưng lại có tốc độ tăng cao nhất trong nhóm hàng cá thịt trắng. Với đà tăng trưởng xuất khẩu này, Vasep lạc quan, cá tra có thể sẽ soán ngôi vị của cá minh thái Alaska.

Tất nhiên, xuất khẩu cá tra sang EU và Mỹ vẫn giữ vai trò quan trọng, góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cá tra chung. Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất, chiếm 20,5% tổng kim ngạch, với giá trị đạt gần 84 triệu USD, tiếp đến là thị trường EU với giá trị đạt 83 triệu USD, chiếm 20,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Mỹ và EU hiện là 2 thị trường có tỷ trọng xuất khẩu cá tra gần tương đương nhau. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra sang EU vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, trong khi thị trường Mỹ có khả năng sẽ nhập khẩu cá tra chậm lại trong thời gian tới.

Tại thị trường Mỹ, trong quý đầu năm đã có 2 sự kiện tác động tới cá tra Việt Nam. Ngày 7/2/2014, Tổng Thống Obama đã chính thức ký quyết định ban hành Luật Nông trại 2014, trong đó có nội dung chuyển chức năng giám sát cá da trơn, trong đó có cá tra của Việt Nam, từ Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).

Mặc dù, Farm Bill chưa ảnh hưởng đến DN cá tra trong năm nay nhưng cũng là một trở ngại đối với cá tra trong tương lai gần.

Ngày 31/3/2014, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9) vụ kiện chống bán phá giá cá tra tại thị trường Hoa Kỳ áp dụng đối với các lô hàng xuất khẩu trong giai đoạn từ 1/8/2011- 31/7/2012. Hầu hết các doanh nghiệp đều bị áp mức thuế cao, chính vì vậy chỉ có một số doanh nghiệp có mức thuế suất thấp vẫn xuất khẩu cá tra vào thị trường này.

Bích Diệp

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *