Nguyên Liệu 07/04/2015 07:33

8 điểm “nút cổ chai” chiến lược đối với giá dầu toàn cầu

Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), hơn một nửa sản lượng dầu trên toàn cầu được vận chuyển trên các tuyến đường biển. Trong đó 8 eo biển chiến lược mà các cường quốc buộc phải kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng để đảm bảo "mạch máu đen" thông suốt.

8 điểm “nút cổ chai” chiến lược đối với giá dầu toàn cầu

Dưới đây là danh sách 8 điểm nút quan trọng của giá dầu hiện nay.

1. Eo biển Hormuz: 17 triệu thùng/ngày

Theo EIA, có 17 triệu thùng dầu, chiếm 30% lượng dầu được vận chuyển bằng đường biển, đi qua eo biển Hormuz mỗi ngày. Dầu từ Ả Rập Xê út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Qatar, Iran và Iraq sẽ đi qua eo biển này và hướng về phía châu Á. Eo biển Hormuz đủ lớn để các tàu chở dầu loại lớn nhất trên thế giới có thể đi qua.

Trước đây, Iran từng đe dọa sẽ đóng cửa eo biển này đối với các tàu chở dầu nhằm trừng phạt các quốc gia đã áp đặt lệnh cấm vận lên Iran.

2. Eo biển Malacca: 15,2 triệu thùng/ngày

Eo biển Malacca là con đường biển ngắn nhất nối Ấn Độ Dương và vùng biển phía Nam Trung Quốc cũng như Thái Bình Dương. Năm 2013, EIA ước tính có 15,2 triệu thùng dầu được vận chuyển qua eo biển này mỗi ngày, chủ yếu là dầu mỏ từ Trung Đông vận chuyển tới Indonesia, Trung Quốc và Nhật Bản.

Malacca cũng là 1 trong những eo biển chật hẹp nhất trên thế giới. Phần hẹp nhất của eo biển chỉ rộng 1,7 dặm, tạo thành nút cổ chai cho các tàu vận chuyển qua đây. Cũng bởi vậy, eo biển này là “điểm nóng” về tệ nạn cướp biển, đe dọa lớn tới các tàu thuyền di chuyển qua khu vực này.

3. Mũi Hảo Vọng: 4,9 triệu thùng/ngày

Mặc dù không phải là 1 eo biển, nhưng Mũi Hảo Vọng vẫn là 1 tuyến đường quan trọng đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu. Năm 2013, có khoảng 4,9 triệu thùng dầu được vận chuyển qua đây mỗi ngày, chiếm khoảng 9% tổng lượng dầu mỏ vận chuyển qua đường biển.

Đây cũng là lựa chọn thứ 2 của các tàu chở dầu trong trường hợp kênh đào Suez và eo Bab el-Mandab bị đóng cửa. Tuy nhiên, các chuyến tàu qua Mũi Hảo Vọng sẽ khiến dầu “đội giá” thêm bởi hành trình sẽ dài thêm 2.700 dặm để vận chuyển dầu từ Ả Rập Xê út tới Mỹ.

4. Bab el-Mandab: 3,8 triệu thùng/mỗi ngày

Hiện tại, eo biển Bab el-Mandab đang là khu vực bất ổn nhất trong số các nút thắt vận chuyển chính trên thế giới. Cuối tuần trước, giá dầu thế giới đột ngột tăng mạnh hơn 4% sau khi liên quân Ả Rập Xê út tiến hành các chiến dịch quân sự chống lại quân nổi dậy tại Yemen. Sở dĩ tình hình chiến tranh tại đất nước này có ảnh hưởng mạnh mẽ tới thị trường dầu mỏ toàn cầu là bởi, mỗi ngày có tới 3,8 triệu thùng dầu được vận chuyển qua eo biển Babel-Mandab phía nam Yemen.

Bab – el-Mandab kết nối Biển Đỏ và vịnh Aden với 1 phần của Ấn Độ Dương. Nếu tình hình eo biển này quá bất ổn hoặc bị đóng cửa, các tàu chở dầu buộc phải di chuyển vòng qua phía nam của châu Phi, qua Mũi Hảo Vọng.

Đặc biệt, theo EIA, phần lớn các tuyến đường đi qua kênh đào Suez thì đều phải qua Bab el-Mandab, chính bởi vậy nếu khu vực này bất ổn, nó sẽ tạo tác động kép lên cả 2 khu vực này.

5. Eo biển Danish: 3,3 triệu thùng/ngày
 

Eo biển Danish gồm 1 số eo biển nhỏ, đi qua đảo Danish, là eo biển an toàn nhất trong số các điểm nút mà các tàu chở dầu phải đi qua. Eo biển này nối phía đông vùng biển Baltic tới phía tây biển Bắc. ước tính có khoảng 3,3 triệu thùng dầu qua eo biển này mỗi ngày.

Theo EIA, có khoảng 425 lượng dầu qua vùng biển Danish có nguồn gốc từ Nga và đi về phía Tây.

6. Kênh đào Suez: 3,2 triệu thùng/ngày

Kênh đào Suez đi qua Ai Cập và kết nối biển Đỏ với Địa Trung Hải. Năm 2013, có 3,2 triệu thùng dầu được vận chuyển qua đây mỗi ngày, phần lớn là cho thị trường châu Âu và Bắc Mỹ.

Theo EIA, kênh đào này đã được mở rộng năm 2010 nhằm đủ sức cho khoảng 60% các loại tàu chở dầu có thể đi qua được.

7. Bosporus: 2,9 triệu thùng/ngày

Bosporus là eo biển chia cắt phần thuộc châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ và phần thuộc châu Á của nước này. Eo biển này kết nối biển Đen với Địa Trung Hải. Năm 2013, có khoảng 2,9 triệu thùng dầu được vận chuyển qua đây mỗi ngày, chủ yếu xuất phát từ Nga, Azerbaijan và Kazakhstan.

 
8. Kênh đào Panama: 0,85 triệu thùng/ngày
 

Kênh đào Panama được xem là lối đi tắt, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Con đường này dài 83 km và có ảnh hưởng rất lớn tới việc vận tải dầu thô trên thế giới. Nếu kênh đào này bị đóng cửa, các tàu chở dầu phải chạy vòng qua eo biển Magellan, mũi Sừng và eo Drake (Mar de Hoces) ở cực Nam châu Mỹ.

Theo EIA, kênh đào Panama vận chuyển gần 1,4% sản lượng dầu trên toàn cầu năm 2013. Kênh đào này đang tiếp tục được mở rộng nhằm đủ sức cho phép các tàu chở dầu cỡ lớn hơn đi qua 1 cách dễ dàng.

 
Theo Trịnh Hằng
ĐTCK / Business Insider
Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *