Nguyên Liệu 19/01/2015 11:07

“Giá bán lẻ xăng ở Lý Sơn cao hơn quy định hơn 4.000 đồng là dễ hiểu”

FICA - Hiệp hội Xăng dầu cho biết, tại Lý Sơn từ trước đến nay việc bán xăng giá cao được UBND huyện cho phép, vì đặc thù giá bán gồm cả chi phí vận chuyển từ đất liền ra đảo và các công đoạn hao hụt do bơm rót nhiều lần.

Ảnh: Bích Diệp

Theo phản ánh báo chí, hiện giá bán xăng trên địa bàn đảo Lý Sơn đang cao hơn nhiều so với trên đất liền. Cụ thể, xăng RON 95 có giá bán lẻ 23.000 đồng/lít; giá bán tại đại lý là 21.200 đồng/lít; trong khi quy định của nhà nước, mức giá bán lẻ mặt hàng này tại Lý Sơn là 18.840 đồng/lít.

Trước hiện tượng này, Hiệp hội Xăng dầu (Vinpa) mới đây đã có lý giải riêng. Theo đó, Hiệp hội cho biết, huyện đảo Lý Sơn có diện tích 9,97 km2, dân số 21.587 người trong đó 50% cư dân làm nghề biển và 50% canh tác nông nghiệp (trồng hành tỏi và buôn bán nhỏ). Phương tiện giao thông chính tại huyện đảo là xe máy với 14.000 chiếc và 50 xe ô tô các loại. Số lượng tàu thuyền gồm 440 chiếc. Với số phương tiện trên, lượng nhiên liệu tiêu thu tại đảo năm 2014 đạt 650 m3 xăng, 700 m3 dầu diesel và 15 m3 dầu hỏa.

Hiện ở Lý Sơn có 2 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh xăng dầu: DNTN xăng dầu Nhiên Phường và DNTN xăng dầu Xiêm Thi.

Tại Lý Sơn từ trước đến nay việc bán xăng giá cao được UBND huyện cho phép, vì đặc thù (giá bán gồm cả chi phí vận chuyển từ đất liền ra đảo và các công đoạn hao hụt do bơm rót nhiều lần).

Từ đất liền ra đảo là 15 hải lý (28 km) lại không có hệ thống cảng xuất nhập xăng dầu tại đất liền nên các doanh nghiệp xăng dầu phải nhập hàng từ các đầu mối tại Cảng Sa Kỳ và vận chuyển ra đảo bằng tàu nhỏ tự đóng, dung tích từ 5-10 nghìn lít. Xe ô tô xi tec bơm xăng dầu xuống ghe/tàu cho doanh nghiệp xăng dàu mua để tự vận chuyển ra đảo, sau đó doanh nghiệp xăng dầu tiếp tục bơm lên bồn chứa/xe téc và vận chuyển về nhập vào cửa hàng bán lẻ trên đảo.

Thực tế vì không phải là doanh nghiệp phục vụ công ích nên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên đảo đều phải tính toán và đảm bảo hiệu quả kinh doanh (có lợi nhuận). Do đó, việc giá xăng ở huyện đảo bị đội giá so với đất liền cũng là điều dễ hiểu – Vinpa nhận xét.

Theo Vinpa, để giá bán xăng dầu của đảo Lý Sơn thực hiện đúng quy định Nhà nước và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương cần có cơ chế chính sách trợ cước vận chuyển từ đất liền ra đảo như áp dụng đối với mặt hàng dầu hỏa cho miền núi trước đây hoặc chỉ đạo cho các địa phương dùng ngân sách địa phương để bù cước phí phát sinh từ đất liền ra đảo.

Bích Diệp

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *