Nguyên Liệu 10/01/2018 14:54

“Chưa có ai phàn nàn cũng như hỏng hóc xe do sử dụng xăng E5”

Đó là khẳng định của đại diện của Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Bộ Khoa học và Công nghệ tại toạ đàm về xăng sinh học E5 được tổ chức sáng nay (10/1).


Việt Nam là nước thứ 60 có sử dụng Ethanol là một thành phần trong xăng (ít nhất là 5%)

Việt Nam là nước thứ 60 có sử dụng Ethanol là một thành phần trong xăng (ít nhất là 5%)

Sẽ “khai tử” cả xăng A95?

Tại toạ đàm, ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam là nước thứ 60 có sử dụng Ethanol là một thành phần trong xăng (ít nhất là 5%).

Trước đó, từ năm 70 Brazil đã phổ cập. Năm 2003, ở Thái Lan đã thay thế xăng E5 ở tất cả các đô thị. Mỹ và các nước châu Âu đều ban hành luật, sắc lệnh về sử dụng nhiên liệu sinh học.

Theo ông Cường, trên cơ sở tính toán khả năng cung cầu, thử nghiệm trên các loại động cơ có kết quả, Bộ Công Thương đã cùng với các bộ, ngành, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu lớn cũng như lấy ý kiến của VAMA, các cơ sở sản xuất chế tạo phương tiện động cơ để đưa ra lộ trình áp dụng tỷ lệ nhiên liệu phối trộn.

“Nếu đúng tinh thần của Quyết định 53 về tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu, kể cả xăng A95 và 92 đều phải trộn ít nhất 5%”, ông Cường nói.

Vị này cũng cho biết, khi triển khai toàn bộ xăng E5 ở Đà Nẵng, Quang Nam, Quảng Ngãi, Cần Thơ thì không xảy ra phàn nàn nào của người tiêu dùng về chất lượng.

Trả lời câu hỏi xăng A95 bao giờ sẽ được phối trộn E5, ông Cường cho biết, việc chỉ mới thay thế A92 bằng xăng E5 mà chưa thay xăng A95 thể hiện sự thận trọng của Chính phủ và các cơ quan chức năng.

“Chúng tôi cũng chưa đưa ra lộ trình thay thế xăng A95. Hiện vẫn còn những ý kiến, luồng dư luận chưa hiểu rõ bản chất, ý nghĩa của loại nhiên liệu này”, ông Cường nói.

Chưa có bất kỳ vụ việc nào hỏng hóc do sử dụng xăng E5

Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cũng khẳng định, theo kết quả khảo sát trong các thành viên trong hiệp hội cho thấy xăng E5 cơ bản không ảnh hưởng đối với những xe sản xuất từ 1997.

“Đối với các loại xe sản xuất trước 1997 có thể có một số ảnh hưởng nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng, độ an toàn của xe”, ông Tuấn nói.

Cụ thể theo ông Tuấn, trong sách hướng dẫn sử dụng của Toyota Nhật Bản, dòng xe sản xuất từ 1997 tới nay đều có thể sử dụng E5, không ảnh hưởng tới chất lượng của xe.

Đối với những dòng xe bán tại Việt Nam chỉ khuyến cáo không sử dụng xăng pha chì và xăng methanol. Vì vậy, có thể khẳng định dùng xăng E5 không ảnh hưởng đến động cơ xe. Đối với những dòng xe trước 1997 có thể ảnh hưởng tới động cơ nhưng không tới mức ảnh hưởng tới tính an toàn của động cơ.

Ông Tuấn cũng khuyến cáo nếu sử dụng động cơ có phát ra tiếng gõ máy nhẹ khi tăng tốc hay leo dốc thì nên hỏi lại nhà sản xuất. Tuy nhiên, đây cũng là hiện tượng hoàn toàn bình thường.

Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiêu chuẩn Nguyễn Văn Khôi (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, theo báo cáo tính đến thời điểm này, chưa có vụ việc nào hỏng hóc do sử dụng xăng E5.

Tăng giá xăng A95 để buộc người dân chuyển dùng xăng E5?

Trả lời câu hỏi này tại toạ đàm, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) khẳng định Chính phủ không ép dùng xăng E5 mà chỉ khuyến khích bằng giá và thuế.

Ông Cường cũng cho biết, nhiều nước áp dụng ưu đãi về thuế, phí để khuyến khích sản phẩm thân thiện môi trường. Giữa xăng khoáng RON 92 và xăng E5 RON 92 trước kia, Chính phủ dùng chính sách thuế phí để tạo độ chênh. Thời điểm chênh cao nhất là khoảng 1.000 đồng, có lúc chỉ còn 300 đồng… Bình quân là chênh 500 đồng. Khi giá xăng khoảng 15 nghìn đồng/lít, nếu giảm 500 đồng thì giảm được khoảng 3,3%. Như vậy, chúng ta phải sử dụng 95% xăng nền (xăng khoáng 92), đưa thêm 5% Ethanol vào và giá giảm 3,3%.

“Nhìn chung nếu so sánh xăng 95 hiện nay và E5 là không cùng hệ và không hợp lý. So sánh như thế không khác gì so sánh vận động viên lặn và bơi ông nào nhanh hơn”, ông Cường ví von.

Nguyễn Khánh

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *