Doanh nghiệp 18/06/2018 16:00

Nghị định 116 về quản lý xe hơi vẫn chưa hết ‘lời vào tiếng ra’

Trong khi Bộ Giao thông Vận tải nói các ý kiến về Nghị định 116 là chưa có cơ sở thì một số tổ chức nước ngoài tiếp tục có văn bản gửi phía Việt Nam bày tỏ sự “rất quan ngại” về những điều kiện quản lý đối với mặt hàng ô tô.

Xe lắp ráp trong nước đang có ưu thế hơn xe nhập khẩu 

Cụ thể, phía Mỹ tiếp tục cho rằng một số điều khoản của Nghị định 116 đặc biệt là quy định về giấy chứng nhận kiểm loại (VTA) và thử nghiệm theo lô cần phải xem xét lại.

Phía Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp Quốc gia về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam (TBT) mới đây cũng nhận được đề nghị làm việc song phương với hai phái đoàn gồm Mỹ và Canada tại Thụy Sỹ xoay quanh một số điểm quy định tại Nghị định 116 của Chính và Thông tư 03 của Bộ Giao thông Vận tải.

Câu hỏi mà các phái đoàn này đặt ra là: Phía Việt Nam có ý định thông báo việc thi hành Nghị định 116 và Thông tư số 03 cho WTO hay không? Việt Nam có kế hoạch nào về việc sửa đổi, hoãn hay tạm dừng thi hành Nghị định 116 không?

Theo nguồn tin của Dân trí, liên quan đến Nghị định 116 về lắp ráp sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh bảo hành, sửa chữa ô tô, sáng ngày 18/6, Chính phủ cũng có cuộc họp với các bộ ngành có liên quan.

Trước đó, trong văn bản mới nhất gửi Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 116, hầu hết các doanh nghiệp FDI đều có phản ứng với các quy định liên quan đến giấy chứng nhận kiểu loại ô tô (VTA) và kiểm tra theo lô.

Các doanh nghiệp này đều cho rằng không có cơ quan, tổ chức nào cấp ra loại giấy đó cho xe nhập khẩu vào thị trường Việt Nam và việc kiểm tra theo lô mất thời gian lên đến hai tháng và chi phí mất tới 10.000 USD. Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông Vận tải, kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, các kiến nghị trên của doanh nghiệp là chưa chính xác.

Cụ thể, đối với giấy chứng nhận kiểu loại ô tô (VTA), theo Bộ Giao thông Vận tải, việc doanh nghiệp nhập khẩu phải cung cấp VTA khi nhập khẩu sẽ là một trong những căn cứ ban đầu để cơ quan kiểm tra chất lượng tiến hành kiểm tra và chứng nhận về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.

Việc kiểm tra này nhằm hạn chế các sản phẩm kém chất lượng từ nước ngoài (sản phẩm không có một cơ quan, tổ chức độc lập nào xác nhận kiểu loại ô tô đó đảm bảo chất lượng theo quy định), nhằm bảo vệ người tiêu dùng; đồng thời cũng tạo sự bình đẳng trong quản lý chất lượng với ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước.

Liên quan đến kiến nghị kiểm tra xe theo từng lô làm kéo dài thời gian cũng như chi phí tốn kém lên tới 10.000 USD, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng, thông tin phản ánh như vậy là chưa chính xác. Bởi Nghị định 116 và Thông tư 03 quy định mỗi lô hàng ô tô nhập khẩu phải kiểm tra, thử nghiệm mẫu đại diện cho từng kiểu loại. Việc kiểm tra này nhằm đảm bảo sự chặt chẽ về chất lượng, qua đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, nếu không có quy định này sẽ dẫn đến một số nguy cơ cũng như kẽ hở cho doanh nghiệp nhập khẩu về Việt Nam hàng hóa kém chất lượng so với lô hàng đã đạt chuẩn lần đầu. Điều này còn gây nguy cơ gian lận về chất lượng, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Điển hình như trường hợp Công ty Ford Việt Nam đã nhập khẩu về Việt Nam 4 kiểu loại xe khác nhau và khi kiểm tra khí thải từng lô thì có 2/4 kiểu loại không đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4, nên đã buộc phải tái xuất ra nước ngoài.

Hàng năm, các doanh nghiệp nhập khẩu về thị trường khoảng 300.000 xe. Đây là khối lượng nhập khá lớn với mỗi lô sản phẩm lên đến hàng trăm xe, thậm chí hàng nghìn xe. Do vậy, nếu không kiểm tra kỹ thì sẽ rất khó kiểm soát được vấn đề chất lượng theo quy định. Do đó, cơ quan này bảo lưu quan điểm không xem xét đối với kiến nghị này với lý do đảm bảo sự đồng nhất về chất lượng ô tô nhập khẩu, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, đồng thời tạo sự bình đẳng giữa xe nhập khẩu với ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước.

Đến thời điểm hiện nay, Dân Trí ghi nhận chưa có yếu tố nào cho thấy phía Việt Nam sẽ dừng hay sửa lại Nghị định 116 liên quan đến những vấn đề mà tổ chức nước ngoài phản ánh kể trên.

H.Anh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *