Doanh nghiệp 26/01/2021 17:50

Ngành sân bay có thể phục hồi hoàn toàn vào năm 2022?

Theo SSI, Covid-19 vẫn là rủi ro lớn nhất. Đà phục hồi và tăng trưởng của thị trường hàng không nội địa Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu quả kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ, vì các đợt bùng phát toàn cầu vẫn đang tăng và có nguy cơ xảy ra cả các ca lây nhiễm từ nước ngoài/ biến thể virus.

Hình minh hoạ.

Nhóm chuyên gia phân tích SSI Reseach vừa đưa ra tại báo cáo mới nhất về triển vọng ngành sân bay năm 2021. Theo đó, chuyên gia SSI Research cho rằng sản lượng ngành sân bay ước tính sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2022, khi hoạt động du lịch dần bình thường trở lại.

Hiện nay, tình hình COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới khiến tốc độ phục hồi thị trường quốc tế là chưa thể dự báo. Trong khi Chính phủ Việt Nam vẫn giữ nguyên chính sách thắt chặt biên giới và yêu cầu cách ly nghiêm ngặt đến hết tháng 6 năm 2021.

Tuy nhiên theo SSI, hiệu quả của vắc xin sẽ là yếu tố quyết định cho việc nới lỏng chính sách bảo hộ và nối lại hoạt động du lịch quốc tế. SSI ước tính sản lượng khách quốc tế sẽ đạt 12 triệu lượt khách vào năm 2021, tăng 100% so với cùng kỳ năm trước, tương đương với 34% mức trước COVID.

Cũng theo SSI, thị trường nội địa vẫn là nguồn thu chính của ngành, ít nhất cho đến hết tháng 6 năm nay do nhu cầu công tác hay du lịch của người dân đều phục hồi mạnh mẽ. Phân khúc này ước đạt sẽ phục hồi về mức trước Covid là 73 triệu lượt khách vào năm 2021, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, vận chuyển hàng hóa có thể tăng chậm, nhưng có khả năng khôi phục từ nửa cuối năm, khi các chuyến bay quốc tế phục hồi và các hãng hàng không chuyển một phần đội bay sang vận chuyển hàng hóa để tận dụng giá vận chuyển hàng không cao vào thời điểm hiện tại.

Mặt khác, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã chấp thuận đưa B737 Max vào hoạt động thương mại từ năm 2021 sau một năm tạm ngừng. Quyết định này giúp tăng công suất của nhiều hãng hàng không trong vài năm tới vì B737 Max chiếm 80% đơn hàng của Boeing hiện tại. Sau khi ngừng hoạt động trên toàn cầu từ tháng 3/2019 do hai vụ tai nạn liên quan đến hệ thống MCAS bị lỗi, ngành hàng không toàn cầu phải đối mặt với tình trạng giảm công suất. Trong 11 tháng đầu năm 2020, Boeing chỉ bàn giao 118 chiếc máy bay mới, bằng khoảng 30% so với số lượng bàn giao năm trước.

Trước đó, ngành sân bay đã trải qua một năm không mấy tích cực vì Covid-19. Sản lượng hành khách qua sân bay năm 2020 giảm 43% so với cùng kỳ còn 66 triệu lượt khách, theo Cục Hàng không Việt Nam (CAAV). Điều này đã ngăn chặn đà tăng trưởng của ngành hàng không, đây là ngành đã tăng trưởng nhanh chóng trong 5 năm qua với tỷ lệ CAGR về hành khách ở 18,3% so với cùng kỳ. Covid-19 đã kéo sản lượng hành khách trở lại mức năm 2015.

Cả cung và cầu trên thị trường quốc tế đều giảm do chính sách thắt chặt biên giới và các yêu cầu cách ly nghiêm ngặt của Việt Nam. Từ tháng 3/2020, Việt Nam đã hạn chế nhập cư vào Việt Nam và áp dụng biện pháp cách ly 14 ngày đối với khách đến - dẫn đến lượng hành khách nhập cảnh rất thấp trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 12/2020 (khoảng vài nghìn lượt mỗi tháng, chủ yếu là từ các chuyến bay hồi hương). Khi các quốc gia lân cận áp dụng lệnh cách ly 14 ngày, nhu cầu đi lại quốc tế cũng rất hạn chế. Do đó, tổng lượng khách quốc tế chỉ đạt 7,5 triệu lượt khách, giảm -82% so với cùng kỳ.

Nguyễn Khánh

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *