Doanh nghiệp 08/11/2018 07:14

Ngân sách thu về hơn 9.000 tỷ đồng từ thoái vốn trong 9 tháng đầu năm

Trong 09 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp đã thoái được 3.772 tỷ đồng, thu về 9.140 tỷ đồng.

Liên quan tới thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trong giai đoạn từ năm 2016 - tháng 9/2018, cả nước đã thoái được 16.463 tỷ đồng, thu về 154.306 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, trong năm 2017 thoái được 9.046 tỷ đồng, thu về 138.327 tỷ đồng, trong đó bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco và 2 khoản thoái vốn của SCIC tại Công ty cổ phần Sữa Vinamilk (thoái cuối năm 2016 là 742 tỷ đồng giá trị sổ sách, thu về 11.286,5 tỷ đồng, thoái năm 2017 là 247 tỷ đồng, thu về 8.990 tỷ đồng).

Riêng trong  9 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp đã thoái được 3.772 tỷ đồng, thu về 9.140 tỷ đồng.

Liên quan tới kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, giai đoạn 2017-2020 cổ phần hóa 127 doanh nghiệp.

Cụ thể, năm 2017 cổ phần hóa 44 doanh nghiệp; Năm 2018 cổ phần hóa 64 doanh nghiệp; Năm 2019 cổ phần hóa 18 doanh nghiệp; Năm 2020 cổ phần hóa 01 doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, ngay trong năm 2019 sẽ có hàng loạt đơn vị phải triển khai cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp với giá trị lớn.

Trong đó, tại Bộ Công Thương cổ phần hoá 2 Tập đoàn kinh tế (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cổ phần hóa Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Tổng công ty Cà phê Việt Nam; Bộ Thông tin và Truyền thông cổ phần hóa Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam trong năm 2019; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm 2019; Tỉnh Đồng Nai cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai trong năm 2019...

Về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC, ông Tiến cho biết, theo quyết định 1232 ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì danh mục doanh nghiệp chuyển giao về SCIC giai đoạn 2017-2020 là 62 doanh nghiệp với tổng giá trị khoảng 11.000 tỷ đồng.

Danh sách 62 doanh nghiệp này bao gồm: 1 Tập đoàn kinh tế là Tập đoàn Dệt may Việt Nam với giá trị vốn nhà nước khoảng 2.600 tỷ đồng; 6 Tổng công ty gồm: Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) với giá trị khoảng 6.300 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng đường thuỷ, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 8, Tổng công ty LICOGI, Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, tính đến hết tháng 7/2018, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh mới hoàn thành chuyển giao 25/62 doanh nghiệp với tổng vốn Nhà nước 953,28 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 2.365 tỷ đồng. Trong đó, năm 2017 đã chuyển giao 21 doanh nghiệp về SCIC với số vốn nhà nước là 821,28 tỷ đồng; 7 tháng đầu năm 2018 chuyển giao 4 doanh nghiệp với số vốn 132 tỷ đồng.

Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 37 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 10.113 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ 14.721 tỷ đồng tại 5 Bộ và 8 UBND tỉnh, thành phố. 

Về giải pháp, đại diện Bộ Tài chính cho biết, cơ quan đại diện chủ sở hữu cần chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện đúng thời gian việc bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về SCIC theo đúng quy định hiện hành. Đối với 37 doanh nghiệp thuộc danh mục bàn giao theo Quyết định số 1232, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm điều chỉnh lại tiến độ bàn giao để hoàn thành bàn giao về SCIC trong năm 2018. 

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *