Doanh nghiệp 13/01/2015 16:32

Ngăn phi công 'nghỉ ốm' bất thường có phạm luật?

“Không đơn giản một hãng hàng không quốc gia phải đặt vấn đề với cơ quan quản lý Nhà nước để giải quyết việc phi công xin nghỉ ốm hàng loạt bất thường. Ngoài Bộ GTVT, chúng tôi cũng báo cáo đầy đủ các cơ quan chức năng liên quan đến an ninh, chính trị...”.

Ông Phạm Ngọc Minh - TGĐ Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines - VNA) cho biết tính chất nghiêm trọng của sự việc lãnh đạo VNA ra Nghị quyết kiến nghị Bộ GTVT hôm 6/1 vừa qua.

VNA có trách nhiệm báo cáo

Việc 117 phi công của VNA viết đơn xin nghỉ ốm bất thường trong đợt Tết Dương lịch vừa qua được Chủ tịch Hội đồng thành viên VNA Phạm Viết Thanh đánh giá là hiện tượng lãn công tập thể có sự chuẩn bị trước.

Vụ việc này đã gây ảnh hưởng, xáo trộn sản xuất kinh doanh của VNA, đe dọa an ninh, an toàn hàng không nói riêng và an ninh kinh tế đất nước nói chung...”, ông Thanh nói.

Như VietNamNet đã đưa tin, trước sự việc bất thường nói trên, VNA đã phải ra Nghị quyết số 09/NQ -HĐTV/TCTHK ngày 6/1/2015, kiến nghị Bộ GTVT không chấp thuận việc lôi kéo chuyển dịch lao động giữa các hãng hàng không Việt Nam từ nay đến năm 2020.

Trong đó, VNA kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét: Yêu cầu Cục Hàng không VN không cấp bằng, chứng chỉ đối với các phi công, kỹ sư máy bay điều hành khai thác bay của các hãng hàng không trong nước tự ý nghỉ việc và chuyển sang làm việc cho các hãng hàng không khác trong thời gian chờ quy định mới...

phi công, Vietnam Airlines, nghỉ việc, hàng loạt, bất thường, lương mới

Theo VNA, lương phi công VNA cao nhất đạt 217 triệu đồng/tháng trong năm 2015 (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, các hãng hàng không nội địa chỉ được mở rộng quy mô phát triển đội bay và được cấp phép khai thác khi đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực: Phi công, kỹ sư máy bay, điều hành khai thác, tiếp viên...

Không chấp thuận các hãng hàng không lôi kéo, vận động chuyển dịch lao động đặc thù giữa các hãng hàng không VN trong thời hạn từ nay đến hết 2020 cho đến khi cấp có thẩm quyền có quy định mới...

Trước kiến nghị của VNA, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã ra Chỉ thị yêu cầu Cục Hàng không tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lao động kỹ thuật cao của VNA.

Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra các hãng hàng không Việt Nam để đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với năng lực khai thác của hãng....

Xung quanh việc kiến nghị của VNA và việc Bộ GTVT ra Chỉ thị yêu cầu Cục Hàng không tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lao động kỹ thuật cao của VNA, có ý kiến cho rằng các văn bản này đã 'vi phạm luật lao động, luật DN và Luật hàng không dân dụng VN'!?.

Trả lời vấn đề này, ông Phạm Ngọc Minh cho biết: Tổng công ty có trách nhiệm báo cáo với cơ quan Nhà nước về nguy cơ từ sự việc bất thường phi công nghỉ ốm hàng loạt và cơ quản lý Nhà nước căn cứ từ thực tế đã đưa ra chỉ đạo kịp thời để dừng ngay sự việc bất thường đó.

Không đơn giản một hãng hàng không quốc gia phải đặt vấn đề với cơ quan quản lý Nhà nước về sự việc bất thường. Ngoài Bộ GTVT chúng tôi cũng báo cáo đầy đủ các cơ quan chức năng liên quan đến an ninh, chính trị về bảo vệ nội bộ...”, ông Minh cho biết.

TGĐ VNA cũng cho hay, việc một hãng hàng không quốc gia bị lâm vào tình trạng như thế này không phải không có trong tiền lệ.

Ở Cathay Pacific hay Qantas... cũng đã xảy ra hiện tượng tương tự. Trong hầu hết các trường hợp, Chính phủ các nước đều phải can thiệp. Như, năm 1998, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Cathay Pacific không đàm phán với nghiệp đoàn phi công, ai muốn nghỉ cho nghỉ ngay và sẽ cung cấp phi công để bù vào. Tại Singapore, Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng đã trực tiếp yêu cầu giải quyết việc này.

Về vấn đề này, trả lờiVietNamNet, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết: Ngoài căn cứ vào quy định pháp luật, Bộ GTVT còn căn cứ vào đặc thù của ngành hàng không để kiểm soát nguồn nhân lực rồi mới đưa ra chỉ thị.

Đây là vấn đề an ninh, an toàn hàng không nên Bộ GTVT hoàn toàn có chức năng đưa ra chỉ thị yêu cầu Cục Hàng không tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lao động kỹ thuật cao của VNA...”, Thứ trưởng Tiêu nói.

 

Nếu giải quyết tranh chấp phải theo hợp đồng lao động!

Xung quanh việc phi công VNA xin nghỉ việc và chính sách ràng buộc từ kinh phí đào tạo được VNA bỏ ra từ ngân sách Nhà nước, ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật - Viện trưởng viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động VN) cho biết: Khi người lao động được VNA bỏ tiền ngân sách đi đào tạo thành phi công thì phải ký hợp đồng về đào tạo với Tổng công ty.

Trong hợp đồng đào tạo, về nguyên tắc, theo quy định của Luật lao động phải thể hiện số năm người lao động phải làm việc cho Tổng công ty sau khi được đào tạo xong.

Trong trường hợp hợp đồng lao động không thể hiện điều đó thì người lao động có quyền chấm dứt hợp đồng theo đúng quy định của Luật lao động.

Ông Điều cũng nói rõ, trong trường hợp người lao động chấp nhận bồi thường phí đào tạo thì cũng phải được quy định trong hợp đồng lao động.

"Anh đi trước bao năm, còn bao nhiêu năm trong hợp đồng thì anh phải bồi thường như thế nào cũng phải có quy định rõ ràng thì mới đi được. Nếu trong hợp đồng quy định anh bồi thường thì lao động có quyền chấm dứt hợp động theo đúng quy định của Luật lao động”, ông Điều cho hay.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cũng cho biết: Trong trường hợp phi công được VNA bỏ kinh phí ra đào tạo thì hai bên có hợp đồng ràng buộc với nhau.

Trong trường hợp này, nếu phi công muốn nghỉ việc để sang làm việc cho một hãng hàng không khác thì phải bồi thường chi phí đào tạo cho VNA theo điều khoản ký trong hợp đồng lao động.

Ông Huân cho rằng, VNA muốn giữ chân phi công nói riêng và người lao động nói chung thì nên có chế độ tốt như: điều chỉnh tiền lương và các chế độ đãi ngộ tốt.

Về vấn đề này, TGĐ Phạm Ngọc Minh cho biết: Từ năm 2008, VNA đã xây dựng và công bố lộ trình cải cách tiền lương và phấn đấu trong vòng từ 5 - 7 năm thu nhập của lao động đặc thù (phi công) và kỹ thuật cao sẽ đạt mức 75 - 80% so với mặt bằng thu nhập trong khu vực.

Mức thu nhập của phi công được tính theo loại máy bay và giờ bay tích lũy (Boeing 777, Airbus 321 và ATR 72), trong đó bao gồm lương cơ bản theo chức danh và tiền lương đánh giá theo sản phẩm.

Cụ thể, năm 2008, mức thu nhập của cơ trưởng VNA lái máy bay Boeing 777 là 83,6 triệu đồng/tháng và cơ phó là 51,5 triệu đồng/tháng, cơ trưởng lái máy bay Airbus 321 là 73,5 triệu đồng/tháng và cơ phó là 42,2 triệu đồng/tháng, cơ trưởng lái máy bay ATR72 là 62,9 triệu đồng/tháng và cơ phó là 33,3 triệu đồng/tháng.

Qua 3 lần điều chỉnh mức lương, đến tháng 1/2015, mức thu nhập của cơ trưởng thanh tra lái máy bay Boeing 777 là 203 triệu đồng/tháng, cơ trưởng giáo viên là 191 triệu đồng/tháng, cơ trưởng bình thường là 163 triệu đồng/tháng và cơ phó là 107 triệu đồng/tháng. Tương tự, mức thu nhập của phi công lái máy bay Airbus 321 và ATR72 cũng được điều chỉnh tăng lên 158 - 160 triệu/phi công bình thường/tháng và từ 70-85,8 triệu đồng/cơ phó/tháng.

Đến tháng 7/2015 mức thu nhập với các lao động đặc thù sẽ tăng thêm từ 10-15 triệu đồng/tháng, trong đó mức thu nhập của cơ trưởng thanh tra lái máy bay Boeing 777 sẽ là 217 triệu/tháng.

Tuy nhiên, ông Minh cũng nói rõ: Phi công không phải là lao động bình thường mà là nguồn nhân lực lao động hàng không quốc gia nên phải có trách nhiệm với kinh tế đất nước và an ninh chính trị quốc gia!

Theo Vũ Điệp

Vietnamnet

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *