Doanh nghiệp 17/03/2014 07:08

Ngân hàng bắt đầu mùa đại hội cổ đông 2014

FICA - Sacombank nhận sáp nhập Phương Nam (Southern Bank) và biến động nhân sự có thể là điểm nóng tại cuộc họp lớn nhất trong năm của các ngân hàng khi có tới 4 ngân hàng bầu lại và nhiều ngân hàng có sự thay đổi thành viên HĐQT.

Sáng ngay, ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) sẽ tiến hành đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014, mở màn cho mùa đại hội năm nay.

Năm ngoái, các ngân hàng "không hẹn mà cùng lịch họp" khi có tới 16 ngân hàng tổ chức Đại hội cổ đông thường niên vào tuần cuối của tháng 4 (đây là hạn chót tổ chức đại hội cổ đông thường niên hàng năm với doanh nghiệp có niên độ tài chính kết thúc vào tháng 12 hàng năm). Riêng ngày 25/4, có 5 ngân hàng và ngày 26/4/2013, có tới 7 ngân hàng tiến hành kỳ họp lớn nhất trong năm.

Tính tới thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đã chốt danh sách cổ đông và thông báo lịch họp cho kỳ đại hội cổ đông thường niên năm 2014.

Tài liệu họp cổ đông sẽ được công bố tối thiểu trước 15 ngày diễn ra kỳ họp nhưng các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp niêm yết thường để tới hạn chót. Vì vậy, tới thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng chỉ mới đưa ra thông báo mời họp với các nội dung chung chung như thông qua kết quả kinh doanh 2013, kế hoạch 2014, kế hoạch phân chia lợi nhuận, thù lao HĐQT và ban kiểm soát, lựa chọn công ty kểm toán...

Đối với các ngân hàng đã công bố tài liệu, kết thúc năm 2013, sau 2 năm kể từ thời điểm hợp nhất với Đệ Nhất và Việt Nam Tín Nghĩa, SCB đã đạt được những kết quả khá khả quan về tình hình kinh doanh. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 7,23% xuống 1,63% nhờ bán nợ cho VAMC; Tổng tài sản tăng thêm 32% lên hơn 181 nghìn tỷ đồng; SCB đã trả nốt gần 11.922 tỷ đồng khoản vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước, bình thường hóa quan hệ với các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng và tất toán trạng thái vàng.

Tuy nhiên, với vốn điều lệ 12.295 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế năm 2013 chỉ đạt khiêm tốn 60 tỷ đồng, giảm 23% so với năm 2012 và tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 1%. Năm 2014, SCB sẽ hoàn tất tái cơ cấu theo đề án hợp nhất lộ trình 3 năm; Thành lập hoặc mua mới 1 công ty bảo hiểm với tỷ lệ góp vốn tối thiểu là 51%; Mục tiêu lợi nhuận tăng gấp đôi lên 121 tỷ đồng, và tăng trưởng tín dụng tăng tới 76%.

Về nhân sự HĐQT, SCB sẽ miễn nhiễm thành viên HĐQT và bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2012 - 2017.

Sau SCB, Sacombank, ngân hàng được dự đoán sẽ gây chú ý tại mùa đại hội cổ đông năm nay, sẽ họp vào thứ 4 tuần sau (25/3).

Trong tài liệu họp đã được công bố, Sacombank trình cổ đông nhận sáp nhập Southern Bank trong năm 2014 và miễn nhiệm thành viên HĐQT. Mặc dù tên thành viên HĐQT quản trị miễn nhiệm chưa được công bố, chia sẻ với Fica.vn, Chủ tịch Sacombank Phạm Hữu Phú cho biết sẽ quay về Eximbank.

Ngoài ra, Sacombank trình cổ đông phương án tăng vốn thêm 10% thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu từ 100 triệu cổ phiếu quỹ và phát hành thêm cũng như giải tỏa trước 3 tháng 32 triệu cổ phần phát hành ESOP cho cán bộ cốt cán. Đây là 2 nội dung được cho là đáng chú ý trong bối cảnh ngân hàng xin nhận sáp nhập Southern Bank.

Đối với các ngân hàng mới chỉ thông báo chốt cổ đông để lên kế hoạch đại hội, một điểm trùng nhau là khá nhiều ngân hàng sẽ tiến hành bầu HĐQT cho nhiệm kỳ mới.

Kể từ đầu năm 2014, có khá nhiều sự thay đổi Ban điều hành tại các ngân hàng như Citibank Việt Nam, Hong Leong Việt Nam, Quốc Dân bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới; Vietcombank và Vietbank bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc trong khi Phó Tổng giám đốc Lê Trí Thông - người được cho là CEO kế nhiệm của DongABank từ nhiệm.

Theo thống kê của Fica.vn, VietinBank, Techcombank, MB, OceanBank là 4 ngân hàng sẽ bầu lại HĐQT nhiệm kỳ mới. Theo quy định, số thành viên HĐQT các ngân hàng tối thiểu là 5 người và tối đa là 11 người, trong đó tối thiểu 1/3 là thành viên HĐQT độc lập. Tuy vậy, không phải ngân hàng nào cũng đảm bảo số lượng thành viên HĐQT độc lập.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng có sự thay đổi trong thành viên HĐQT. Đơn cử, Eximbank sẽ bầu thêm 3 thành viên HĐQT.

Hay như ngân hàng TMCP Phát trển TPHCM (HDBank), năm ngoái đã nhận sáp nhập ngân hàng Đại Á và mua lại công ty tài chính Tài chính Việt Société Générale (SGVF). HDBank cho biết, để đáp ứng nhu cầu quản trị ngân hàng sau sáp nhập với vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng, HĐQT trình cổ đông bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập, và 1 thành viên ban kiểm soát chuyên trách. Rất có thể, đây sẽ là người đến từ ngân hàng Đại Á.

SHB sẽ bầu thêm 1 thành viên HĐQT thay cho bà Đàm Bích Ngọc đã có đơn xin từ nhiệm vào cuối năm 2013 và ACB có khả năng bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT thay cho ông Huỳnh Quang Tuấn đã từ nhiệm trước đó do bị khởi tố điều tra liên quan với vụ án của ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên).

Theo thông báo, hầu hết các ngân hàng sẽ tiến hành họp trong tháng 4, ngoại trừ VietinBank năm nay họp khá muộn, dự kiến ngày 10/5.

 

 

Lam Thanh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *