Doanh nghiệp 01/08/2021 09:35

Mảng kinh doanh chính "hạ nhiệt", ông Phạm Nhật Vượng vẫn lãi "khủng"

Bất động sản đang có xu hướng hạ nhiệt trong thời gian gần đây. Thế nhưng, doanh nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng vẫn là đơn vị đầu tiên báo lãi trên 10.000 tỷ đồng cho đến thời điểm hiện tại.

Hai đại gia Đông Âu "bỏ túi" nghìn tỷ đồng

Cũng trong tuần qua, chỉ nhờ phiên giao dịch ngày 27/7, giá trị tài sản của ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank tăng thêm 1.126 tỷ đồng, còn ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan Group tăng thêm 1.125,4 tỷ đồng.

Nguyên nhân là bởi, hai mã cổ phiếu MSN và TCB tăng giá đáng kể trong phiên giao dịch này. Nhờ đó, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Hồ Hùng Anh hiện ở mức 32.108 tỷ đồng. Ông Hồ Hùng Anh đang trực tiếp nắm giữ 39,3 triệu cổ phiếu TCB và gián tiếp sở hữu 249,23 triệu cổ phiếu MSN.

Trong khi đó, dù chỉ trực tiếp nắm giữ 15 cổ phiếu MSN nhưng ông Nguyễn Đăng Quang lại gián tiếp sở hữu đến 254,16 triệu cổ phiếu MSN. Hiện tại, giá trị tài sản của ông Quang là 31.243 tỷ đồng.

Bộ đôi tỷ phú Nguyễn Đăng Quang - Hồ Hùng Anh được biết đến là những gương mặt doanh nhân khởi nghiệp tại Đông Âu. Hai ông đều là doanh nhân tự thân, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong hoạt động kinh doanh.

Sốt đất hạ nhiệt, công ty ông Phạm Nhật Vượng vẫn lãi

Theo một khảo sát trong quý II, chỉ số quan tâm đến bất động sản giảm từ 2% đến 38%, trong đó mức độ quan tâm thông tin quy hoạch giảm 50%. Sự hạ nhiệt này diễn ra sau khi lãnh đạo Chính phủ yêu cầu chỉ đạo xử lý việc lợi dụng thông tin "thổi" giá đất; Bộ Xây dựng ra văn bản chỉ đạo xử lý kinh doanh bất động sản không đúng quy định và Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ra văn bản rà soát sốt đất.

Mảng kinh doanh chính hạ nhiệt, ông Phạm Nhật Vượng vẫn lãi khủng - 1

Ông Phạm Nhật Vượng hiện là Thành viên HĐQT Vinhomes (Ảnh: Forbes).

Thế nhưng, tổng doanh thu thuần hợp nhất ghi nhận riêng trong quý II từ Vinhomes của ông Phạm Nhật Vượng đạt 28.725 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản chiếm tới 26.018 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 13.251 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 10.232 tỷ đồng, tăng lần lượt 190% và 198% (tức xấp xỉ gấp 3 lần) so với cùng kỳ năm 2020.

Vinhomes cũng là doanh nghiệp đầu tiên báo lãi trên 10.000 tỷ đồng cho đến hiện tại.

"Bầu" Đức gửi tâm thư cho cổ đông

Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 đã phải tạm hoãn. Tuy vậy, ngày 30/7 vừa qua, ông Đoàn Nguyên Đức ("bầu" Đức) - Chủ tịch Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã gửi tâm thư tới cổ đông của công ty.

Theo đó, "bầu" Đức khẳng định, đường hướng phát triển của Hoàng Anh Gia Lai thời gian tới tập trung vào chăn nuôi và cây ăn trái, ông cũng cho biết sẽ hoàn tất trả nợ trái phiếu BIDV trước cuối năm 2025.

Mảng kinh doanh chính hạ nhiệt, ông Phạm Nhật Vượng vẫn lãi khủng - 2

Hoàng Anh Gia Lai qua nhiều lần chuyển mình, hiện tập trung nguồn lực vào chăn nuôi và cây ăn trái (Ảnh: HAGL).

Đối với ngành chăn nuôi, dự kiến đến cuối năm nay, HAGL sẽ hoàn thiện toàn bộ hệ thống chuồng trại để sẵn sàng cho năm 2022 triển khai nuôi 15.000 lợn nái sinh sản và 300.000 lợn thịt xuất chuồng mỗi năm.

Còn với ngành cây ăn trái, HAGL sẽ đầu tư duy trì khoảng 10.000 ha trồng các loại cây, gồm chuối và các loại cây ăn trái khác. Riêng cây chuối, tại thời điểm này, tập đoàn của "bầu" Đức đã cơ bản đầu tư trồng hoàn thiện được 5.000 ha tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Dự kiến, năng suất thu hoạch chuối bình quân từ năm 2022 sẽ đạt 50 tấn/ha.

Cũng theo Chủ tịch HAGL, đến nay, việc tái cơ cấu tài chính tập đoàn này đã hoàn thành về cơ bản. Theo đó, tình hình nợ của đã giảm đáng kể, hiện chỉ còn chủ yếu khoản nợ trái phiếu BIDV.

HAGL đã có kế hoạch thanh lý một số tài sản không tạo ra lợi nhuận, tập trung thu hồi nợ từ các bên liên quan và sử dụng dòng tiền thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh để hoàn tất trả nợ trái phiếu BIDV trước cuối năm 2025.

Ông Đặng Thành Tâm nói gì khiến cổ phiếu bị "tranh cướp"?

Phiên giao dịch 28/7, mã chứng khoán KBC của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc tăng mạnh 4%. Khối lượng khớp lệnh tại mã này đạt 13,1 triệu cổ phiếu. Mã này cũng được khối ngoại mua ròng gần 600 nghìn đơn vị, trong đó mua vào hơn 1,15 triệu cổ phiếu và bán ra 556 nghìn cổ phiếu.

Nguyên nhân khiến cổ phiếu KBC được "tranh cướp" một phần là bởi trước đó, tại Tọa đàm về Triển vọng thị trường chứng khoán nửa cuối năm, ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Kinh Bắc - nhận định, đến thời điểm này, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đánh giá cao cơ hội đầu tư ở Việt Nam.

"Các nhà đầu tư lớn vẫn đặt hàng, như ở Hải Phòng, LG vẫn mong muốn Kinh Bắc đẩy nhanh phát triển khu công nghiệp giai đoạn 3. Vì thế, để tận dụng cơ hội và có thể đảm bảo tiêu chí đấu thầu, trong đó có tiêu chí vốn điều lệ, thì Kinh Bắc phải tăng vốn", ông Tâm khẳng định.

Ngoài ra, Chủ tịch Kinh Bắc cho rằng, việc tăng vốn sẽ không lo sợ pha loãng nếu lợi nhuận doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tốt. Năm 2021-2022, lợi nhuận Kinh Bắc sẽ tăng trưởng mạnh nhờ tận dụng tốt sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư và các khu công nghiệp đều có các khu nhà ở công nhân. 

Bình thường, lợi nhuận từ khu công nghiệp không cao vì với chính sách khuyến khích nhà đầu tư sẽ có hạ giá, nhưng theo ông Tâm, nhà đầu tư vào nhiều thì các khu đô thị lân cận phát triển nhanh mạnh và mang lại lợi ích.

Vị doanh nhân này cho biết thêm, nhà máy, xí nghiệp đăng ký nhà ở cho công nhân nhiều, kể cả xây dựng các dự án nhà ở xã hội thì đây vẫn là động lực thu hút FDI. Với các nhà đầu tư FDI, khi có sẵn các khu nhà ở, thì họ quyết định đầu tư nhanh hơn, mang lợi cho cả địa phương, người lao động và khu công nghiệp, vùng xung quanh cũng hưởng lợi tăng giá nhiều. Ngoài ra, nhà ở xã hội vẫn có 20% thương mại, có thể mang lại lợi nhuận tốt.

Thế Hưng

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *