Doanh nghiệp 23/10/2014 23:00

Lương hưu của Tổng Giám đốc bia Huda Huế 65 triệu đồng/tháng (!?)

Thông tin này được Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội – Bùi Sỹ Lợi phát biểu trong phiên thảo luận về luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi chiều 23/10 tại Quốc hội.

Thông tin về lương hưu của Tổng GĐ bia Huda Huế - ông Nguyễn Minh - được ông Bùi Sỹ Lợi đưa ra dẫn chứng cho giải thích về cách thức tính lương hưu cho người lao động hiện nay.

Cụ thể, theo ông Lợi, mức đóng bảo hiểm xã hội hiện rất thấp, chỉ đóng khoảng 70% trên tiền lương thực tế. Trong khu vực có quan hệ lao động (làm việc có hợp đồng lao động), lương thực tế khoảng 3,8 triệu đồng nhưng đóng bảo hiểm xã hội chỉ ở mức của 2,7 triệu đồng.

Trong khi đó, tỷ lệ hưởng lại rất cao. Người lao động khi nghỉ hưu được hưởng 75% lương của trung bình 5 năm hoặc 10 năm lao động sau cùng (khi đã đạt được những bậc lương cao nhất trong cả đời làm việc).
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi (ảnh: Minh Thanh).
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi (ảnh: Minh Thanh).

“Hiện nay có một trường hợp rất đặc biệt, cán bộ sau khi nghỉ hưu lương rất cao là ông Nguyễn Minh – Tổng GĐ bia Huda Huế, hưởng lương 65 triệu đồng/tháng, cao hơn rất nhiều so với lương của Chủ tịch Quốc hội của chúng ta hiện nay” – Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội dẫn chứng.

Cánh tính lương hưu như thế, theo ông Lợi, có lợi cho người nghỉ hưu nhưng là nguyên nhân dẫn đến mất cân đối giữa tỷ lệ đóng – hưởng, hệ quả là nguy cơ vỡ quỹ lương hưu trong thời gian không xa tới đây.

Trao đổi thêm với báo chí về thông tin “gây sốc” này trong giờ giải lao phiên thảo luận chiều 23/10, ông Bùi Sỹ Lợi chỉ rõ, dù con mức lương hưu rất cao (chính xác là 65 triệu 200 nghìn đồng/tháng) như thế nhưng đó là kết quả của phép tính “rất hợp lý” dựa trên số tiền vị Tổng GĐ này tham gia đóng bảo hiểm trước đó.

Ông Lợi ý giải, việc này trước hết bởi lương khi về hưu được tính theo bình quân của 5 năm làm việc sau cùng. Sau nữa, mức bảo hiểm xã hội của ông Nguyễn Minh được đóng trên thu nhập thực tế của ông này - lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng chứ không phải lương cơ bản. Vậy nên con số tính ra là chính xác.

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cũng thông tin thêm, số người về hưu có mức lương vài chục triệu đồng/tháng không nhiều và lên tới trên 65 triệu mỗi tháng như ông Minh là “trường hợp cá biệt”.

Ông Bùi Sỹ Lợi so sánh, trên thế giới, các nước thường không hình thành cơ chế tính hưởng lương hưu ở mức như Việt Nam. Về nguyên tắc, lương hưu được coi là khoản bù đắp cho hao phí lao động, để hưởng khi tuổi già, lúc không còn sức lao động chứ không hướng đến việc phải sống đàng hoàng bằng lương hưu.

“Lương hưu chỉ để đảm bảo nhu cầu sống bình thường, tối thiểu của bản thân người đó. Dù trong trường hợp ông Nguyễn Minh không có gì bất hợp lý bởi đóng cao thì hưởng cao, song xét ở góc độ chính sách xã hội thì không nhất thiết phải vậy” - ông Lợi nêu quan điểm.

Chốt lại, ông Lợi cho rằng, để hạn chế những trường hợp tương tự, Nhà nước đã xây dựng hàng rào kỹ thuật bằng việc quy định khoản đóng bảo hiểm không vượt quá 20 lần lương cơ sở. Và thực tế hiện nay, những người đang hưởng lương cao cũng chỉ tham gia đóng bảo hiểm ở mức tương đương lương tối thiểu vùng cộng thêm một tỷ lệ nhỏ 5-7%.

Tuy nhiên, quy định này cũng dẫn đến phát sinh tình trạng quỹ lương hưu không cân đối vì mức đóng thấp đi rất nhiều so với lương thực tế được hưởng. Do vậy, ông Lợi cho biết, một trong những nguyên tắc mà dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này hướng đến là đóng bảo hiểm theo mức thu nhập, đóng bao nhiêu thì sau này sẽ được hưởng bấy nhiêu.

Cùng với đó, dự thảo luật quy định đến năm 2020 Bảo hiểm xã hội phải hoàn thiện công nghệ thông tin để mỗi người đóng bảo hiểm sẽ có một mã định danh, qua đó, người lao động sẽ biết tiền lương đóng vào quỹ bao nhiêu, theo đó, đương nhiên cũng biết tiền số được hưởng sau này.

P.Thảo

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *